06/03/2015 11:48 GMT+7

Văn nhân thế giới ngạc nhiên trước ngày thơ

ÐỨC TRIẾT - LAM ÐIỀN
ÐỨC TRIẾT - LAM ÐIỀN

TT - Với người yêu thơ Việt Nam, ngày thơ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã rất đỗi quen thuộc. Thế nhưng, với văn nhân quốc tế thì đây là lần đầu tiên họ được tham dự một lễ hội về thơ như vậy tại một đất nước đầy tình yêu thi ca.

Hai cô gái Chăm xem các bức thư pháp chữ Chăm thể hiện bài thơ của tác giả Ysa Umơ tại Ngày thơ TP.HCM - Ảnh: L.Điền

* TP.HCM: lần đầu tiên trưng bày thơ thư pháp Chăm, Khmer

Nhà thơ Ganrin Andssov - Liên bang Nga - đã nói: “Thật tuyệt vời khi tôi vừa đặt chân đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám là đã thấy thơ ca hiển hiện trên từng con người, dáng cây, ngọn cỏ. Chính không khí này làm tôi càng hứng khởi chờ đợi được đứng trên sân khấu để đọc thơ cùng các bạn”.

Còn nhà thơ Nguyễn Bá Chung - người Mỹ gốc Việt - chia sẻ: “Về Việt Nam nhiều dịp nhưng đây là lần đầu tiên tôi tham dự Ngày thơ Việt Nam. Ðất nước mình giờ đổi khác rất nhiều nhưng tình yêu thơ ca thì mãi bền bỉ, cháy sáng. Trước khi vào sân thơ chính, tôi đã dạo một vòng những gian trưng bày thơ của các câu lạc bộ thơ địa phương. Ðấy là khu vườn thơ đầy màu sắc đượm chất dân gian làng quê”.

Riêng dịch giả Slovakia Eva Muckova miệng thì cười, mắt ánh lên bao sự ngạc nhiên, chị nói: “Ở Slovakia chúng tôi cũng có tổ chức sinh hoạt thơ nhưng chỉ sinh hoạt trong phạm vi nhỏ dăm chục người. Hôm nay tôi không thể hình dung nổi ngày hội thơ lại lớn đến thế để rồi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi được sống trong ngày thơ của các bạn. Hai sân thơ cùng một lúc. Hàng nghìn người đến dự. Thật ấn tượng. Thật là một dân tộc vô cùng yêu thi ca!”.

Ðúng ngày rằm (5-3), mưa có lúc nặng hạt có lúc lây phây. Vì trời mưa nên lượng khách thơ đến với Ngày thơ lần thứ 13 có phần giảm hơn so với những năm trước. Khách quốc tế cũng như khách Việt Nam có người che ô nhưng phần đông là đầu trần đội mưa để dạo vòng quanh các sân thơ.

Chăm chú với mỗi sân thơ, khách quốc tế ngóng chờ đến lượt mình được lên sân khấu đọc thơ - những bài thơ về tình yêu thi ca, yêu hòa bình và có cả những bài thơ họ dịch từ tiếng Việt.

Cũng vì họ biết dịp này, bạn thơ Việt Nam đã dành nhiều thời gian cho văn nhân quốc tế khi trong số hơn 30 bài thơ được đọc ở cả hai sân thơ thì chiếm hơn nửa là thơ của các nhà thơ quốc tế đến từ Nga, CH Czech, Mông Cổ, Hong Kong, Ðài Loan, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Nam Phi, Thái Lan, Singapore, Sudan, Tunisia.

Và dẫu phiên dịch có phần chưa khớp, nhiều khi chỉ là dịch ý thơ, thế nhưng mọi người vẫn không lấy làm phiền.

“Ðúng là bài thơ của tôi chỉ được dịch tóm tắt nghĩa thôi. Nhưng không sao, chúng tôi được đọc thơ cho các bạn nghe là hạnh phúc lắm rồi” - nhà thơ Chen Songsomfan, chủ tịch Hội Nhà văn Thái Lan, đã nói như thế.

Sau hơn hai giờ được đọc thơ, nghe thơ và thưởng thức các tiết mục nghệ thuật mang đậm văn hóa vùng cao cũng như câu chuyện biển đảo, những văn nhân quốc tế lại được “mục kích” màn thả thơ.

Hướng mãi ánh mắt về những câu thơ đang được thả lên trời, dịch giả Eva Muckova không nén được cảm xúc nói: “Tuyệt diệu quá. Ở nơi đây, thơ được tôn vinh là sứ giả của hòa bình!”.

Đại biểu quốc tế thích thú trước màn thả thơ trong Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Ảnh: Văn Luận

* Ngày thơ Việt Nam năm nay tại TP.HCM mang dáng dấp của một sân chơi quần chúng, khai hội từ đêm 4-3 kéo dài đến chiều 5-3 (rằm tháng giêng) với phần lễ nghi cũng như sự xuất hiện của các vị quan chức được lược bỏ.

Lần đầu tiên Ngày thơ Việt Nam có trưng bày thư pháp Khmer và thư pháp Chăm, thể hiện các câu chúc tụng, tục ngữ và các bài thơ sáng tác, do Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc TP.HCM thực hiện.

Bên cạnh đó là một loạt thư pháp Hán của chi hội thư pháp người Hoa phối hợp thể hiện các tác phẩm của chi hội thơ cổ Mekong. Ðây là điểm nhấn thu hút khách tham quan, đặc biệt là khách nước ngoài.

Các bài thơ xuân, bày tỏ nỗi nhớ quê (bài Nhắn về quê của Tăng Hiến Trí), bài từ Canh giao thừa theo điệu Ức Giang Nam của Lữ Khách được nhà thư pháp Trương Lộ thể hiện lối chữ hành thảo, bài Vui thả lưới của Trần Năng Minh được nhà thư pháp Lâm Hán Thành thể hiện bằng lối chữ khải, họa sĩ Lý Tùng Niên thể hiện bài thơ Biển đảo của Minh Ðiền... là phần thâm trầm sâu sắc thu hút khách của hội thơ lần này.

Sân khấu chính năm nay có tiết mục hoạt cảnh thơ của ban nhà văn trẻ tái hiện một góc phố Sài Gòn với những vần thơ của nhóm tác giả Tiểu Quyên, Minh Ðan, Ngô Thị Hạnh. Trong đó, tình yêu đôi lứa được lồng trong khung cảnh đời thường: một thành phố năng động với những người công nhân hối hả, mẹ già bán hàng rong, những góc công viên và đợt triều cường... quen thuộc đến nỗi trở thành cảm xúc trong những người viết trẻ.

Ban nhà văn trẻ của Hội Nhà văn TP.HCM còn có sáng kiến thực hiện tập thơ Sài Gòn độc bản - Lớn lên cùng thành phố quy tụ 40 tác phẩm của 40 tác giả thuộc thế hệ trưởng thành sau năm 1975, in chỉ một bản trên giấy dày, khổ lớn và mở phiên bán đấu giá vào chiều 5-3.

Ðây là món quà đặc biệt có giá trị sưu tập với chữ ký “sống” của mỗi tác giả dưới từng tác phẩm, và nội dung các bài thơ cũng chính là minh chứng cho một thế hệ nhà thơ, trí thức đã lớn lên trên mảnh đất Sài Gòn - TP.HCM, cảm nhận và trăn trở, suy tư và ước vọng trước khoảng trời tương lai còn ít nhiều bộn bề phía trước.

22 triệu đồng cho tập thơ Sài Gòn độc bản - Lớn lên cùng thành phố

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13 tại TP.HCM khép lại với thông tin tập thơ Sài Gòn độc bản - Lớn lên cùng thành phố đấu giá thành công ở mức 22 triệu đồng, chủ sở hữu là nhà thơ Thanh Sử. Nhà thơ thắng đấu giá thơ là tin vui đến cuối giờ Nguyên tiêu.

 

ÐỨC TRIẾT - LAM ÐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên