30/08/2012 06:14 GMT+7

Phim hài Việt: từ nhảm đến... siêu nhảm!

CÁT KHUÊ
CÁT KHUÊ

TT - Nàng men chàng bóng, bộ phim sẽ ra rạp ngày 31-8 năm nay đã như giọt nước tràn ly - chịu - đựng, khi thị trường điện ảnh VN có thêm một phim hài dạng... siêu nhảm!

n4JpQscU.jpgPhóng to
Ðinh Ngọc Diệp và Ngô Kiến Huy trong Nàng men chàng bóng

Sự có mặt của phim Việt (khá hiếm hoi bởi mỗi năm chỉ có trên 10 phim trong khi phim Mỹ thì đều đặn mỗi tuần hai lần đổ bộ) luôn được ưu ái. Nhưng 100 phim hay có lẽ cũng chẳng dư mà thêm một phim dở thì cảm giác bội thực thật rõ ràng!

Cứ hài là nhảm

Nàng men chàng bóng khá được chờ đợi bởi đạo diễn Võ Tấn Bình từng phát ngôn: điện ảnh giống một cô bồ tôi rất yêu mà chưa cưới được. Nhưng cuộc "hôn nhân" ấy ra sao khi ra mắt?

Công bằng mà nói, những màn rượt đuổi bằng ghe máy trên sông của phim khá hấp dẫn, bối cảnh miền Tây vẫn rất dễ thương, rất đẹp, diễn viên diễn không dở... Thế nhưng phim lại bị kéo dài không dứt bởi những màn tung hứng kiểu tấu hài giữa các diễn viên với nhau, chuyện nọ kéo giằng qua chuyện kia không có điểm dừng, thiếu sự kiểm soát. Ðó là chưa kể đến việc bôi bác, chế giễu những người ở giới tính thứ ba bằng cái nhìn lệch lạc. Ở đoạn cao trào của phim, khán giả muốn thở ra nhẹ nhõm vì có lẽ đã đến lúc kết thì đạo diễn lại kéo thêm hơn 30 phút nữa! Nàng men chàng bóng đã được làm khá tùy tiện, dễ dãi bất chấp những chuẩn mực thông thường nhất của ngôn ngữ điện ảnh.

Chưa chính thức ra rạp, nhưng sau buổi ra mắt phim (rất đông khán giả được mời đến cùng báo giới), Nàng men chàng bóng đã nhận được vô số ý kiến phản ứng. Nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm viết trên trang cá nhân của anh: "Ðúng là phim ảnh cần đa dạng, và mình cũng khá thích những phim giải trí bình dân nhưng làm khá tử tế và có nghề như Cô dâu đại chiến, Long ruồi, Cưới ngay kẻo lỡ... Nhưng với phim này thì không thể gọi là điện ảnh mà là một dạng tấu hài phường, và điều mình ngán ngẩm nhất là đạo diễn từng là một người có nghề nhưng tự hạ tay nghề của mình xuống, cẩu thả để làm một phim dưới tầm với tư duy là đáp ứng nhu cầu của khán giả bình dân. Nhưng mình nghĩ tầng lớp bình dân bây giờ chắc họ cũng không chịu nổi những dạng phim này nữa rồi!".

Một nhà làm phim chia sẻ: Nguyên lý tảng băng trôi vẫn đúng, phần chìm (có thể chiếm đến 90%) mới là động lực để làm con tàu đắm. Dù là thể loại phim hài thì hài cũng chỉ là mặt nổi, mặt chìm phải là cảm xúc. Nhưng Nàng men chàng bóng đã gãy ở mặt cảm xúc nên khán giả không theo được diễn tiến, rồi mất hứng thú, không muốn đầu tư tình cảm của mình vào nhân vật, không bị cảm xúc đánh đắm để mà thương nhân vật. Trong phim, nhiều chi tiết, lời thoại dễ dãi, phần sâu kín bên trong các nhân vật đã không được khai thác, mà đây chính là chất keo để kết dính, tạo nên cấu trúc phim. Phim càng xem càng không thấy nhân vật mà chỉ thấy diễn viên đang đẩy những miếng hài lên phim. Nhịp - vốn được nhiều đạo diễn coi là một trong những yếu tố rất quan trọng trong nghiệp vụ đạo diễn - thì đã bị bỏ qua hoàn toàn trong phim này!

WfESfA6c.jpgPhóng to
Hoài Linh (giữa) trong phim Hello cô Ba

Làm phim hài dễ thắng

Phải thừa nhận khán giả Việt thích phim hài. Khi hỏi đại diện các cụm rạp lớn, họ cũng thừa nhận công dân của nước có chỉ số hạnh phúc thứ nhì thế giới như VN luôn lựa chọn mua vé, coi phim hài nhiều nhất. Con số này không chỉ thể hiện qua các khảo sát được gửi đến khán giả khi mua vé, mà còn chính bởi doanh thu phim hài luôn cao hơn các phim "nghiêm túc" khác. Giữ kỷ lục phòng vé phim Việt hiện tại vẫn thuộc về các phim hài như Long ruồi, Cô dâu đại chiến, Cưới ngay kẻo lỡ, Ðể Mai tính... Và đâu phải đến Nàng men chàng bóng khán giả Việt mới nếm mùi phim hài nhảm. Chỉ riêng năm nay Hello cô Ba (đạo diễn Nguyễn Quang Minh), Gia sư nữ quái (đạo diễn Lê Bảo Trung) đã làm mưa gió phòng vé đó thôi, dù chất lượng các phim này cũng được xếp hàng... siêu nhảm!

Ðạo diễn Charlie Nguyễn - người đã có ba bộ phim hài rất ăn khách là Ðể Mai tính, Long ruồi, Cưới ngay kẻo lỡ (những phim hài được làm có nghề, nhưng riêng Long ruồi, Cưới ngay kẻo lỡ cũng được coi là sự xuống tay khi không kiềm chế được rất nhiều tình tiết... nhảm) - từng nói với anh quan trọng nhất là xác định thể loại phim. Ðã làm phim hài thì yếu tố gây cười phải được ưu tiên hàng đầu, nhưng việc kể một câu chuyện tốt nhất bằng ngôn ngữ điện ảnh lại là điều không thể bỏ qua. Nhưng vị đạo diễn này cũng tuyên bố sẽ không chọn xem phim hài, kể cả phim hài do chính mình đạo diễn!

Chừng nào các phim được làm nghiêm túc, được thừa nhận về chất lượng nghệ thuật như Dòng máu anh hùng, Bi, đừng sợ!, Thiên mệnh anh hùng, Cánh đồng bất tận, Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt... có doanh thu không quá thua kém các phim hài, thì có lẽ khi ấy mới mong thị trường phim Việt phát triển hài hòa. Bởi ai cũng hiểu lựa chọn của khán giả khi mua vé chính là "chuẩn mực" quan trọng để các nhà làm phim định hướng cho sản phẩm của họ.

RtcaFdcA.jpgPhóng toBảo Thy và Isaac trong Gia sư nữ quái

Nàng men chàng bóng là bộ phim chạm ngõ điện ảnh của đạo diễn Võ Tấn Bình (người từng được khán giả phim truyền hình mến mộ qua Hương phù sa, Mùa sen, Hoa dã quỳ, Thiên sứ lông bông...). Võ Tấn Bình đã tận dụng sở trường của mình khi kể câu chuyện phim trên nền bối cảnh miền Tây sông nước - bối cảnh từng góp phần tạo nên tên tuổi anh. Ðinh Ngọc Diệp vào vai nàng men Út Chót khá ngọt, Ngô Kiến Huy cũng không phải là không dễ thương với chàng bóng Ẽo Ợt, cùng những Thanh Thủy, Tấn Beo, Việt Anh... Rõ ràng Nàng men chàng bóng có những chất liệu khá căn bản để có thể trở thành một bộ phim tốt. Dễ nhận ra phim không bị sức ép của nhà sản xuất phải có ngôi sao này, "hot girl", "hot boy" nọ hay bắt buộc phải quay ở một bối cảnh nào đó vì yêu cầu của nhà đầu tư... Ðạo diễn khá toàn quyền với bộ phim của mình. Và bởi thế, phim hay hay dở, sẽ chỉ một mình đạo diễn có lỗi.

CÁT KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên