28/05/2006 18:05 GMT+7

Poseidon: tàu và phim đều chìm!

BÍCH GIANG
BÍCH GIANG

TTCT - Poseidon là tên vị thần thống lĩnh biển cả - Hải vương thần - theo thần thoại Hi Lạp. Poseidon cũng là tên một con tàu du lịch đã bị một cơn sóng kinh hoàng đánh đắm giữa biển khơi...

HDIyH0nD.jpgPhóng to
Cảnh trong phim Poseidon
TTCT - Poseidon là tên vị thần thống lĩnh biển cả - Hải vương thần - theo thần thoại Hi Lạp. Poseidon cũng là tên một con tàu du lịch đã bị một cơn sóng kinh hoàng đánh đắm giữa biển khơi...

Khác với Titanic là con tàu có thật và thảm họa đến với Titanic là hoàn toàn có thật, Poseidon và thảm họa của con tàu này chỉ là hư cấu văn học trong cuốn tiểu thuyết của nhà văn nổi tiếng Paul Gallico. Tác giả Con chim trốn tuyết (*) đã kể lại câu chuyện con tàu du lịch cực kỳ sang trọng Poseidon bị dìm xuống đáy biển chỉ bởi một con sóng độc cao ngất quật vào thành tàu theo chiều ngang; khiến con tàu khổng lồ này lật úp tức thời...

Cảnh hoảng loạn diễn ra trong con tàu bị lật nhào và từ từ chìm xuống biển. Nhưng vẫn còn một nhóm hành khách can trường tìm đường thoát hiểm và họ cuối cùng được cứu sống. Tính cách con người trong những phút giây giữa sống và chết ấy hoàn toàn bộc lộ dưới ngòi bút của nhà văn.

Sóng dữ

Bộ phim Chuyến phiêu lưu của tàu Poseidon (The Poseidon adventure) ra đời năm 1972, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Paul Gallico, qua tài nghệ diễn xuất của Shelley Winters, Gene Hackman, Steve Guttenberg, Rutger Hauer... là một siêu phẩm điện ảnh đáng nhớ thời ấy.

Hình ảnh gây ấn tượng mạnh mẽ nhất trong phim có lẽ là con sóng độc (hay sóng bất thường - rogue wave) từ xa tiến tới và ập vào con tàu sang trọng đang lênh đênh trên Đại Tây Dương, xô nó lật nhào ngay.

Những con sóng thần (tsunami) hung bạo tàn phá nhiều quốc gia ở châu Á năm 2004 cũng chỉ cao tối đa hơn 5m, trong khi theo các nghiên cứu gần đây về sóng độc căn cứ từ ảnh chụp của vệ tinh, chỉ trong một tuần lễ của năm 2001 đã có tới hơn 10 con sóng độc cao hơn 25m ở Đại Tây Dương; còn vào năm 2004 khi đang có bão Ivan, các phương tiện đo đạc đáng tin cậy đã phát hiện một sóng độc cao tới 34m nổi lên kề bên tàu khu trục USS Ramapo của Mỹ trên Thái Bình Dương. Thế mà con sóng độc trong tác phẩm của Gallico cao tới gần 50m! Không một con tàu du lịch biển nào có thể đứng vững trước sự tấn công của nó!

Gần 1/4 thế kỷ sau, câu chuyện về chuyến hải hành bi thảm vào lòng đại dương của tàu Poseidon lại được làm mới trong bối cảnh Hollywood đang tìm những đề tài thật giật gân, những chuyện ly kỳ và khủng khiếp, những tai họa ghê rợn... nhưng lại kéo khán giả ùn ùn đến rạp.

Poseidon năm 1972 và 2006

Có lẽ chính vì thế mà phim Poseidon được làm như thể một bản sao của Titanic, đặc biệt ở những cảnh con tàu khổng lồ chìm dần xuống đáy đại dương và sự hoảng loạn diễn ra, rồi những phút hấp hối nhanh chóng của hàng nghìn hành khách trong con tàu đang bị lật úp...

Với kịch bản viết lại của Mark Protosevich (tác giả kịch bản phim viễn tưởng kinh dị The cell), phim Poseidon do đạo diễn người Đức Wolfgang Peterson dàn dựng. Sang Hollywood lập nghiệp từ hơn một thập niên qua, Wolfgang Peterson đã có trong tay một số phim đáng nói như Outbreak, The perfect storm, Air force One, Troy... Poseidon của Wolfgang Peterson có kinh phí lên đến 160 triệu USD, với dàn diễn viên khá sừng sỏ (Kurt Russell, Richard Dreyfuss, Josh Lucas, Emmy Rossum...) và với những kỹ xảo điện ảnh hiện đại nhất nhưng vẫn không thể làm người ta quên được The Poseidon adventure, một bộ phim không hề sử dụng kỹ xảo.

Những ai đã xem bộ phim dài ba tiếng này hơn 20 năm trước hay xem nó gần đây khi The Poseidon adventure được chiếu lại trên kênh truyền hình NBC vào tháng 11-2005, hôm nay đến rạp chiếu Poseidon (bắt đầu công chiếu từ 9-5) sẽ dễ nhận ra ấn bản trước có giá trị nghệ thuật hơn hẳn. Một thông số khác cho thấy phim trước đã thu hút khán giả ra sao: có doanh thu cao thứ nhì năm 1972, chỉ sau phim Bố già (The godfather) lừng danh thời đó.

Còn Poseidon 2006 thì đang... chìm: bộ phim tiêu tốn 160 triệu USD này sau hai tuần chiếu chỉ thu về được hơn 40 triệu USD; kém xa thành tích của Mật mã Da Vinci: tính đến ngày 21-5, chỉ sau ba ngày chiếu tại hơn 12.000 rạp ở 79 nước trên thế giới, doanh thu của Mật mã Da Vinci đã lên đến 224 triệu USD, bất chấp các phản ứng từ phía nhà thờ Thiên Chúa giáo cũng như những đánh giá tiêu cực từ giới phê bình phim.

(*) Bản dịch của Trần Phong Giao (từ nguyên tác The snow goose), xuất bản tại Sài Gòn trước 1975.

BÍCH GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên