19/04/2006 06:01 GMT+7

Dưới cờ đại nghĩa: càng xem càng thấm...

HOÀNG LÊ - HOÀI NAM
HOÀNG LÊ - HOÀI NAM

TT - Đến nay, bộ phim có nhiều kỷ lục: đầu tư qui mô nhất, dài tập nhất và... lao đao nhất của TFS - Dưới cờ đại nghĩa đã đi được gần một nửa chặng đường (34/78 tập).

8COlPOM5.jpgPhóng to
Sự chăm chút từng chi tiết về hóa trang, trang phục, diễn xuất diễn viên, bối cảnh của Dưới cờ đại nghĩa lấy lòng khán giả... - Ảnh: Thành Tâm

Không chỉ được chú ý bởi “mác” giải thưởng Cánh diều vàng 2005, mà phim còn được nằm trong giờ chiếu vàng (từ 21g trên HTV7). Không hút khán giả một cách ồn ào, nhưng ai đã xem thì tấm tắc...

Tường Phương - Phương Nam: cuộc đồng hành gần 30 năm

Chăm chút từng chi tiết

"Mấy tập đầu xem hơi chán vì toàn là hình ảnh như tư liệu. Thỉnh thoảng diễn viên mới xuất hiện. Nhưng khi xem cảnh mẹ Bảy Chơn rứt ruột để con mình đi làm công cho nhà người ta tôi thấy thương quá, diễn xuất của diễn viên chân thật gây xúc động vô cùng khiến tôi quyết định xem tiếp. Càng về sau tôi cho rằng quyết định của mình đúng" - bác Nam, cán bộ hưu trí nhà ở quận Tân Bình, bày tỏ.

Dưới cờ đại nghĩa tái hiện một giai đoạn lịch sử của Nam bộ từ năm 1863 khi nghĩa quân Trương Định bắt đầu tan rã cho tới thập niên 1940.

Sự lựa chọn các nguồn tư tưởng khác nhau để chọn con đường đúng đắn của các nhân vật Mười Trí, Bảy Viễn, Bảy Chơn, Tám Mạnh, Ba Dương, Hai Ngạn...

Đan xen câu chuyện thời cuộc là những câu chuyện đời của mỗi người đều được khai thác khá rõ nét.

Các diễn viên chính trong phim gồm Quốc Thái (Bảy Viễn), Trung Dũng (Mười Trí), Lý Thanh Thảo (Hai Ngạn), Mạnh Hùng (Bảy Chơn), Thanh Tâm (Ba Dương)...

Quay phim: Võ Chiêu Dũng. Âm nhạc: Nguyễn Ánh 9, Quang Anh.

Anh Cao Ngọc Anh (Công ty TNHH Vân Phát, Q.1, TP.HCM ) thẳng thắn: “Tạo sức hút cho khán giả thì không chắc, nhưng với những người yêu thích lịch sử thì xem phim này thấy “đã”".

Theo anh, chính sự chăm chút từng li từng tí khiến võ thuật trong phim thật hơn. Hay như cách chèo thuyền thoăn thoắt trông rất bài bản, rặt dân đồng bằng.

Trên các diễn đàn điện ảnh, dù Dưới cờ đại nghĩa không tạo được nhiều tranh luận như các bộ phim khác nhưng cũng đón nhận nhiều ý kiến từ khán giả trẻ.

Theo nickname Christ (dienanh.net): "Tôi thích tiết tấu chậm vì phù hợp với nội dung phim lẫn từng tình tiết, tâm lý nhân vật. Chậm, nhẹ, xoáy vào nỗi đau trong cả nội tâm lẫn thể xác từng nhân vật sống trong thời bị bóc lột, bức bách của bọn thực dân, địa chủ lẫn tay sai... Những cảnh nhanh vù vù hay nhộn nhịp ở đây sẽ hóa ra lãng xẹt mất. Trong phim có nhiều cảnh quay đẹp và rất ý nghĩa. Như cảnh một cây non rơi xuống vừa là sự chấm dứt cho cái cũ và bắt đầu cho cái mới... mang tính triết lý sâu xa”.

Chị Quách Kim Thu (48 đường 1011, P.5, Q.8, TP.HCM - cháu ngoại nhân vật Tám Mạnh trong phim) nhận định: “Giá trị lớn nhất của phim chính là ở sự chuyển tải nhiều thông tin lịch sử quí giá về những biến cố thời Người Bình Xuyên, giúp chúng tôi có những cái nhìn khái quát hơn về lịch sử thời bấy giờ. Chuyện lấy của người giàu chia cho người nghèo, chúng tôi vốn chỉ nghe kể, đã được phim tái hiện rất sống động, giúp tôi hình dung và thấy thấm sự cực khổ của cha ông xưa. Cũng vậy sự sống động, chân thực của từng nhân vật tạo sự hào hứng lôi cuốn tôi. Ông ngoại tôi đã mất nhưng tôi vẫn cảm nhận hình ảnh ông qua diễn xuất của diễn viên Lê Văn Nghĩa”.

Khán giả "bắt giò"

edPAEK6u.jpgPhóng to
Nhưng vẫn bị bắt giò cũng chính từ sự tỉ mẩn ấy bởi lính ở trong rừng sao quần áo mới toanh, sáng trưng... - Ảnh: Thành Tâm

Khen sự chỉn chu từng chi tiết về bối cảnh, diễn xuất tròn vai của diễn viên nhưng khán giả vẫn không hài lòng ở một số điểm.

Anh Ngọc Anh thẳng thắn: "Còn nhiều tình tiết không hợp lý. Chẳng hạn một số bối cảnh vẫn chưa thật như khu nhà dân ở trong rừng, hay lính Tây ở rừng, đánh trận mà mặc đồ mới toanh sáng trưng...”.

Bạn Tuyết Trâm bắt giò: "Lúc Mười Trí trong tù Côn Đảo luyện tập võ, tóc dài rối bù. Vậy mà khi được đưa ra ngoài thì tóc lại láng bóng". Còn chị Thanh Thúy thì: “Đôi lúc nhạc phim hơi lớn, át tiếng nhân vật. Có những trường đoạn nhạc đưa vào không được mềm mại lắm”.

Còn theo chị Lâm Minh Trang (Gò Vấp), dù đánh giá phim có dàn dựng ngang ngửa với Ngọn nến hoàng cung, và gần như được đến 80% so với cảnh trí dàn dựng trong Người Mỹ trầm lặng nhưng để chuyên chở chủ đề - như tên phim - thì mạch phim vẫn chưa chuyển tải được hết.

Người xem phim dễ dàng bị cái anh hùng kiểu hảo hán giang hồ của Bảy Viễn thuyết phục hơn tính cách anh hùng mà bắt đầu có chút cách mạng của Mười Trí...

Phim mới đi được hơn nửa đoạn đường, vẫn còn nhiều lắm những ý kiến bình luận, dẫu sao điều đáng mừng ở đây là bộ phim đã tái hiện sống động một thời điểm lịch sử quan trọng của đất nước.

Tuy là phim lịch sử nhưng không phải lúc nào cũng chính trị, khô khan mà có rất nhiều cảnh lắng đọng tình người như Bảy Chơn sau bao năm xa nhà về quê, hai mẹ con gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Hình ảnh cánh đồng bát ngát, hai bóng người nhỏ liêu xiêu khiến người xem cảm nhận trọn nỗi tâm tư.

Hay chuyện tình cảm của cô Hai Ngạn và Mười Trí với bao sóng gió, nhìn họ bịn rịn chia tay nhau bên song sắt nhà lao khó thể cầm được nước mắt... Chính những điều này khiến khán giả dễ mở lòng ra mà đón nhận Dưới cờ đại nghĩa.

* Đạo diễn Lê Dân: Tôi chấm 9 điểm cho nội dung, đường dây, diễn xuất, diễn viên. Còn một điểm chê là nhịp điệu phim hơi chậm. Dẫu biết phim lịch sử có những đoạn trầm để suy nghĩ nhưng nếu sinh động hơn một chút sẽ tạo sự lôi cuốn hơn. Có thể rút gọn hay bớt đi vài tập thì hay hơn. Ngoài ra có một hai chỗ về trang phục vẫn còn “tham” về sự kỹ lưỡng nên đôi lúc chưa gần gũi cuộc sống.

* Nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn: Tuy tiết tấu của phim vẫn còn chậm quá nên rất khó lôi kéo khán giả, nhưng qua bộ phim cho thấy hai tác giả hết sức nghiêm túc, say mê với nghề, có trách nhiệm mới có thể làm được bộ phim về lịch sử như thế này. Họ chọn diễn viên rất giỏi, trang phục, bối cảnh trong phim rất tuyệt.

* Chị Mạc Thanh Thúy, con gái cố nhà văn Nguyên Hùng: "Dù phim dựa trên truyện ngắn của ba tôi nhưng khi lên phim đã có vài sửa đổi. Lúc còn sống, ba tôi cũng đã nói những điểm thêm của hai đạo diễn lôi cuốn và hấp dẫn hơn. Tuy nhiên hồi ấy ba tôi canh cánh trong lòng không biết phim có thể hiện được sự hào hùng, khẳng khái của con người Nam bộ? Bây giờ nếu ba tôi còn sống ắt hẳn rất hài lòng.

Tôi thấy phim xây dựng bối cảnh, hoàn cảnh xã hội rất logic như cảnh giặc chặt đầu, xử phạt người dân... Sự đầu tư trang phục kỹ lưỡng, hóa trang chỉn chu cho nhân vật từ cảnh lội bùn, hình ảnh bàn chân to bè, đậm chất nông dân, hay cảnh Tám Mạnh cùng bạn uống rượu ăn thề, cách bưng rượu, móng tay lấm lem bùn, phèn...”.

HOÀNG LÊ - HOÀI NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên