02/07/2017 07:30 GMT+7

Chí Trung: Không cẩn thận thành “chủ tịch tập đoàn hành khất”

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - 20h Chí Trung vẫn ngồi ở Nhà hát Tuổi Trẻ, xem từng công văn, giấy tờ, kịch mục... Chí Trung luôn thế, lúc nào cũng nhiệt huyết phừng phừng.

Nghệ sĩ Chí Trung

Tân (quyền) giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ nói: “Tôi có 39 năm tuổi nghề, còn 5 năm nữa là nghỉ hưu. Tôi ngồi vào vị trí này không chứng minh hơn ai hay kém ai. Tôi chỉ nhận mình là người có khát vọng”.

Lúc tôi đến nhà hát, Chí Trung đang hướng dẫn nhân viên kê lại bể cá ở gần cửa ra vào. “Mình là nước đầu nguồn, nên phong thủy phải thế” - anh giải thích.

Ngồi với Chí Trung thì ít ai “kéo khóa miệng” được, vì những câu bông đùa với ngôn ngữ đậm chất hình tượng, rất đời cứ tuôn từ miệng anh như suối chảy. 

* Tôi vẫn còn nhớ cuộc phỏng vấn với anh cách đây khoảng 8 năm, anh rất bận tâm đến việc người ta gọi anh là “kẻ lý tài”. Bây giờ anh còn quan tâm đến người ta nói gì về mình nữa không?

- Tôi tự phong tôi “lý tài” đấy (cười). “Lý tài” tức là yêu tiền, thực dụng. Thời xưa sáng tôi đi buôn, tối làm Romeo. Đã từng có một bài báo về tôi “Romeo cầm tuốc nơ vít” mà.

Thời đó khó khăn, phải lao ra đường chứ không vợ con chết đói. Nhưng con người tôi rất rành mạch, sáng đi buôn không nói chuyện Romeo, còn tối làm Romeo không nói chuyện đi buôn.

Thời đó ai cũng quan niệm nghệ thuật vị nghệ thuật. Tôi thì quan niệm, nếu nghệ thuật được làm tốt, được đặt đúng chỗ sẽ ra tiền.

Với tôi bao cấp có cái tốt là nhà hát sẽ được một khoản tiền. Nhưng bao cấp khiến nghệ sĩ bị ru ngủ, sống đời thực vật, mất hết cảm giác về đời sống.

Tôi vẫn nói với các bạn diễn viên trẻ là đời sống ngoài kia đang trôi ầm ầm, phải hòa vào con đường cao tốc đó thôi.

Ngồi vào vị trí giám đốc này, khó mà “lý tài” lắm. Nhân viên đói dài mỏ ra, “gí súng” vào đầu chúng khác gì xin tiền bộ đội đâu. Chúng nó còn vào đây lấy rượu, xin thuốc của tôi hút kia kìa.

Tôi không phải người “lý tài”, mà tôi là người thực tế.

Nghĩ cho cùng sân khấu mất khách vì lâu nay lo “đốn hạ” khán giả lớn tuổi. 

Lớp này họ cũng mỏi mệt rồi, có những ông ưa hoài niệm thích đến nhà hát để xem kịch Lưu Quang Vũ để vỗ đùi đen đét thì lại không có tiền mua vé.  

* Giờ này (20h) vẫn còn ngồi ở nhà hát, xem ra giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ đang ngùn ngụt khát khao thay đổi?

- Vâng, tôi đang nuôi giữ (chứ không phải nuôi dưỡng nhé, vì sổng ra là họ bay mất) gần 200 khát vọng. Đó là gần 200 giá trị phi vật thể, mà để tuyển được chỗ này bạn đã phải loại đi 200.000 người đã từng thi vào đây.

Nhà hát Tuổi Trẻ là một con tàu với đầy đủ cờ hoa, có rất nhiều huân chương, giải thưởng, có 200 người sống trên đó yêu thương nhau, chưa bao giờ xảy ra kiện tụng. Nhưng chúng tôi vẫn cứ tự chơi với nhau suốt, cư dân hai bên bờ chẳng thèm nhìn mình.

Để nhà hát theo nếp cũ ì ạch bán vài chục cái vé một ngày, còn lại phải đi mời vài trăm vé, duy trì đời sống thực vật là điều tôi không muốn. Nuôi 200 con người, cũng không thể nói thánh nói tướng được.

Vậy thì càng phải trũng mắt tìm cách duy trì nhà hát hoạt động. Tôi đã giảm 8kg rồi, tất nhiên đó cũng một phần là do tôi tiểu đường phải uống thuốc, nhưng thực lòng tôi đã đau đáu rất nhiều.

Ngoài kia là biển lớn, phải đóng con tàu tốt hơn với tư duy mới thôi.

* Tôi nhìn thấy trong tập tờ rơi giới thiệu của nhà hát phần lớn là chương trình cho thiếu nhi… Nhà hát đang thay đổi đối tượng khán giả?

- Tôi đang xoay lại trục nhà hát. Nhà hát Tuổi Trẻ phải là nhà hát phục vụ khán giả thanh, thiếu nhi, chứ lao vào dựng vở vụ án, hay Nụ cười chiến sĩ thì khác gì Nhà hát Công an, Nhà hát Quân đội.

Trong khi đó chúng ta chẳng chịu trồng thêm những cây non. Hướng đến đối tượng khán giả thanh, thiếu nhi là gây dựng một thế hệ khán giả mới cho sân khấu.

* Tôi tự hỏi một con người năng động như anh sao có thể ở trong hệ thống nhà nước lâu đến thế?

- Ngày xưa đi học tôi kém toán, nhưng văn sử tốt hơn các bạn. Tôi luôn là đầu tàu trong mọi trò chơi, kể cả tán gái.

Tôi thông minh, nhanh nhẹn, nhưng tôi không thành công về mặt kinh tế như các bạn cùng sinh năm 1961. Tôi chỉ thành công về mặt khát vọng, thương hiệu, hình ảnh.

Nhưng suy cho cùng đó là phúc phận. Điều tôi cảm thấy may mắn nhất là có một người vợ yêu mình, không gây áp lực cho mình, nên tôi mới có thể theo đuổi tình yêu với sân khấu lâu dài như thế.

Tôi thấy thanh thản vì không phải làm nô lệ cho chính tham vọng của mình.

Nói thật bạn bè tôi rất nhiều người đi tù vì kinh tế rồi. Trong cơ chế này, không có người nào làm kinh tế mà không có lỗi hết. Chỉ là ai may mắn vượt qua được mà thôi.

* Nghe nói Chí Trung uống rất tốt, và công việc từ bàn nhậu mà ra?

- Mệt nhất với văn hóa uống bây giờ. Đi lưu diễn các tỉnh, người ta quý nghệ sĩ người ta mời. Khổ cho họ là tôi uống được và khổ cho ông giám đốc nào không uống được.

Nhưng uống cũng phải có quy tắc, anh chị em nào tối diễn thì trưa không được uống nhiều. Hôm nào tôi không phải phát biểu, không phải diễn thì tôi uống đỡ.

Được cái, đi đâu mọi người cũng quý cả hai vợ chồng tôi, họ bảo “vợ chồng thằng đó là nghệ sĩ nhưng được cái nó chưa bỏ nhau”.

Vợ chồng Chí Trung - Ngọc Huyền - Ảnh: NVCC


* Những chuyến đi có mang về kinh tế không?

- Kinh tế hầu không tích lũy được, diễn viên chỉ có ít tiền đem về nuôi gia đình. Nhưng ít nhất bạn không phải cúi mặt xuống đất tìm tiền, mà bạn ngẩng mặt lên trời xanh mà diễn.

Tôi xác định có người trả tiền cho mình diễn là tốt rồi, còn hơn là phải hớt hải bán từng cái vé, khác gì bán vé số đâu.

Giám đốc một nhà hát nghệ thuật mà hốt hoảng đi tìm tiền thì không khác gì chủ tịch tập đoàn hành khất.

* Nghe nói Chí Trung ngày nào cũng đọc báo để nắm tình hình doanh nghiệp, từ đó biết đường mà gõ đúng cửa?

- Tôi đọc tất cả các tờ báo liên quan đến thuế, kiểm toán, tài chính, ngân hàng, năng lượng. Đọc xong tôi sẽ lọc ra ông nào lãi giả, lỗ thật, ông nào lãi thật, lỗ giả, như thế mình mới biết tìm đúng chỗ mà gõ cửa. Bây giờ thì mù mờ lắm, có ai sống đúng bản ngã mình đâu.

Tôi đã khai thác mối quan hệ tay ba giữa nhà hát, doanh nghiệp, chính quyền. Không dễ làm đâu, vì phải có thương hiệu nhà hát, thương hiệu cá nhân mới làm được.

Tôi đã gõ cửa nhiều chủ tịch tỉnh, các doanh nghiệp. Nhiều nơi bảo hay để đơn vị tặng cả đoàn tiền, chứ giờ tổ chức tôi cũng không biết mời những ai.

Tôi nói tôi không nhận tiền, hãy đầu tư cho tôi vài xuất diễn đi, chúng tôi sẽ diễn cho các anh những thứ hay nhất. Sau khi bày cho họ cách mời khách, thì lại cháy vé, bản thân họ cũng không ngờ nhu cầu xem kịch lại nhiều đến thế.

Chúng tôi làm với tư cách đàng hoàng, không đi xin tiền, mà diễn bằng chính sức của mình. Có những đơn vị đã từng ủng hộ rất nhiệt tình nhưng năm nay làm ăn thua lỗ thì đoàn vẫn quyết định diễn với mức giá tượng trưng, để tri ân họ.

Tôi vẫn nói với cả đoàn, năm nay họ khó khăn, nhưng sẽ có lúc họ khá hơn. Hãy coi họ là khách hàng tiềm năng.

Năm 1998, Đời cười ra số đầu tiên, nhiều người nói Chí Trung phá nghệ thuật, cắt nhỏ vở diễn.

Tôi thì cho rằng đó là nhu cầu cuộc sống thôi, nếu độc giả chuyển từ tiểu thuyết sang truyện ngắn thì khán giả xem kịch họ cũng thích những vở ngắn.

Bao nhiêu năm tôi vẫn nói Đời cười chỉ là sản phẩm văn hóa phục vụ một thời kỳ, cái đau ở chỗ giải pháp tình thế này kéo dài quá lâu và bây giờ vẫn là nhu cầu.

Một nhà hát đúng nghĩa phải có tác phẩm lớn. Tôi vẫn đi tìm vở diễn lớn cho nhà hát...

* Chí Trung đóng vai những ông nhà văn nhà thơ, quan chức “bựa nhây” rất hay. Cần phải gặp bao nhiêu ông quan chức mới tạo nên được vai Táo?

- Nghệ thuật là tái tạo cuộc sống, nhưng phải xây dựng qua nhân sinh quan, thế giới quan, tri thức của diễn viên để đi đến thuyết phục khán giả.

Thời đóng Táo giao thông anh Đinh La Thăng bảo mày cứ chửi anh. Tôi nói em có chửi anh đâu, thằng tác giả kịch bản nó viết, em đóng chung chung.

Em làm Táo giao thông trước khi anh về Bộ Giao thông vận tải cơ mà. Tôi rất quý anh Thăng, anh Thăng vẫn là “Idol” của lòng tôi...

Chí Trung trên sân khấu 
Vợ chồng Chí Trung - Ngọc Huyền “là nghệ sĩ nhưng chưa bỏ nhau”
Ngoài đời Chí Trung rất dễ gần 
 
 
 
 
NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên