07/07/2015 22:23 GMT+7

Tràn đầy cảm xúc đêm nhạc Phan Huỳnh Điểu - Phan Nhân

QUỲNH NGUYỄN
QUỲNH NGUYỄN

TTO - Đêm nhạc gợi nhớ bao ký ức một thời hào hùng với những ca khúc nổi tiếng, gắn liền với tên tuổi hai vị nhạc sĩ đáng kính, vừa diễn ra tối 7-7.

Khán giả dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ đến hai nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và Phan Nhân - Ảnh: Quang Định
Khán giả dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ đến hai nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và Phan Nhân - Ảnh: Quang Định

Đêm nhạc Phan Huỳnh Điểu - Phan Nhân do Báo Công An TP.HCM, Nhạc viện TP.HCM và Ngân hàng BIDV cùng kết hợp tổ chức, diễn ra vào 19g30 hai ngày 7 và 8-7 tại Nhạc viện TP.HCM (112 Nguyễn Du, Q.1).

Chương trình mở màn với nét viết hiện trên màn hình: “29-6-2015” (ngày mất của hai nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và Phan Nhân), hình ảnh điện tâm đồ, những trang nhạc, bút ngừng viết…

Không gian khán phòng rơi vào tĩnh lặng. Một phút mặc niệm để tưởng nhớ đến hai vị nhạc sĩ. Nhạc ca khúc Hồn tử sĩ (Lưu Hữu Phước) nổi lên cùng nét vẽ chân dung hai nhạc sĩ dần hiện lên phông sân khấu. Chỉ mấy phút mở đầu, đâu đó trong khán phòng đã thấy những ánh mắt hoe đỏ…

Tiến sĩ Văn Thị Minh Hương, giám đốc Nhạc viện TP.HCM, đã có đôi lời phát biểu tưởng nhớ đến nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và Phan Nhân - hai người đã có rất nhiều đóng góp cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, góp phần phát hiện, giới thiệu rất nhiều giọng ca, tác giả tài năng cho nước nhà. 

Sau phát biểu của giám đốc Nhạc viện TP.HCM, đêm nhạc tưởng niệm hai cây “đại thụ” của nền âm nhạc Việt Nam đã chính thức mở màn bằng ca khúc  Đoàn giải phóng quân (Phan Huỳnh Điểu) qua phần thể hiện của tốp ca Trường Cao đẳng Nghệ thuật TP. Lời, nhạc hùng hồn:

“Đoàn Giải Phóng quân một lần ra đi
Là có sá chi đâu ngày trở về
Ra đi ra đi bảo tồn sông núi
Ra đi ra đi thà chết chớ lui…
” cùng phần múa minh họa trong trang phục vệ quốc đoàn, áo trấn thủ, nón cối có lưới của vũ đoàn Quân khu 7 khiến khán phòng “hừng hực khí thế” trở lại.  

Hai cháu của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và Đoàn nghệ thuật các cựu binh Sư đoàn 308, Đại đoàn quân Tiên phong bảo vệ Hà Nội tr ình diễn ca khúc Còn mãi tình yêu trong đêm nhạc Phan Huỳnh Điểu và Phan Nhân tại Nhạc viện TP.HCM tối 7-7 - Ảnh: Quang Định
Hai cháu của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và Đoàn nghệ thuật các cựu binh Sư đoàn 308, Đại đoàn quân Tiên phong bảo vệ Hà Nội tr ình diễn ca khúc Còn mãi tình yêu trong đêm nhạc Phan Huỳnh Điểu và Phan Nhân tại Nhạc viện TP.HCM tối 7-7 - Ảnh: Quang Định
Ca sĩ Hiền Thục (bìa trái) trình diễn trong đêm nhạc Phan Huỳnh Điểu và Phan Nhân tại Nhạc viện TP.HCM tối 7-7 - Ảnh: Quang Định
Ca sĩ Hiền Thục (bìa trái) trình diễn trong đêm nhạc Phan Huỳnh Điểu và Phan Nhân tại Nhạc viện TP.HCM tối 7-7 - Ảnh: Quang Định

Nhưng lập tức, khán phòng lại lặng đi khi nghe giọng đọc quen thuộc của nghệ sĩ ưu tú Phi Điểu (vợ nhạc sĩ Phan Nhân) cất lên: “Đây là Đài tiếng nói Việt Nam, phát thanh Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam…”. Kế liền đó vọng vang: “Hà Nội đó niềm tin yêu hi vọng của hôm nay và mai sau…” trong clip tư liệu niềm tự hào của người dân thủ đô với ca khúc này. Sân khấu liền mạch cảm xúc với ca khúc Hà Nội niềm tin và hi vọng (Phan Nhân) qua tiếng hát Cẩm Vân và tốp ca Nhạc viện TP.  

Chương trình tiếp tục cùng chất trữ tình cách mạng qua hai ca khúc Mùa đông binh sĩ (Phan Huỳnh Điểu) và Em ở nơi đâu? (Phan Nhân) qua tiếng hát của hai nữ ca sĩ khả ái Thùy Dương và Thanh Thúy.

Cựu nữ thanh niên xung phong Quảng Bình, Hà Tĩnh trong hình ảnh ca khúc Em ở nơi đâu? và ông Bùi Công Minh - tác giả bài thơ Hành khúc ngày và đêm được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc cũng được mời đến giao lưu trong chương trình giúp khán giả thêm hiểu về hoàn cảnh ra đời của những ca khúc đặc biệt này , cũng như thêm yêu quý nhân cách sống, tài năng của hai vị nhạc sĩ.

Hành khúc ngày và đêm (nhạc: Phan Huỳnh Điểu, thơ: Bùi Công Minh) qua tiếng hát của ca sĩ Anh Bằng cũng đã khép lại giai đoạn sáng tác ca khúc trữ tình cách mạng của hai nhạc sĩ để chuyển qua phần giới thiệu những ca khúc được sáng tác trong thời kỳ thống nhất và xây dựng đất nước.

Bài hát Tình ca đất nước (Phan Nhân) qua phần trình bày đầy tình cảm của ca sĩ Cao Minh và tốp ca Nhạc viện TP mở đầu cho giai sáng tác rất đặc sắc này của cả hai nhạc sĩ.   

Ca sĩ Bích Phượng trình diễn ca khúc Trên quê hương Minh Hải trong đêm nhạc Phan Huỳnh Điểu và Phan Nhân tại Nhạc viện TP.HCM tối 7-7 - Ảnh: Quang Định
Ca sĩ Bích Phượng trình diễn ca khúc Trên quê hương Minh Hải trong đêm nhạc Phan Huỳnh Điểu và Phan Nhân tại Nhạc viện TP.HCM tối 7-7 - Ảnh: Quang Định
Ca sĩ Đình Văn trình diễn ca khúc Thành phố của tôi trong đêm nhạc Phan Huỳnh Điểu và Phan Nhân tại Nhạc viện TP.HCM tối 7-7 - Ảnh: Quang Định
Ca sĩ Đình Văn trình diễn ca khúc Thành phố của tôi trong đêm nhạc Phan Huỳnh Điểu và Phan Nhân tại Nhạc viện TP.HCM tối 7-7 - Ảnh: Quang Định

Đồng hành cùng các nhạc sĩ trên con đường xây dựng đó những người bạn, người đồng chí đã gắn bó với họ trong suốt thời trai trẻ đến tuổi về già. Nhạc sĩ Phan Nhân cũng đã ghi lại những hình ảnh đó, tình cảm đó qua ca khúc Tình bạn già. Và ca khúc này cũng đã được chính những người bạn nhạc sĩ của ông: nhạc sĩ Phạm Đăng Khương và nhóm Những người bạn trình bày.

Cùng những người bạn nhạc sĩ của mình, hai nhạc sĩ đã đi khắp mọi miền đất nước, ghi lại những hình ảnh, âm điệu đẹp đẽ của từng vùng đất để giới thiệu đến công chúng cả nước.

Liên khúc Trên quê hương Minh Hải (Phan Nhân) và Quảng Nam yêu thương (Phan Huỳnh Điểu) là hai trong số những ca khúc đó, giới thiệu nét đẹp cùng những danh thắng rất đặc trưng của quê hương hai nhạc sĩ. Cùng chuỗi đó là các ca khúc: Bóng cây Kơnia (Phan Huỳnh Điểu, thơ: Ngọc Anh) và Nhớ về Pắc Bó (Phan Nhân) với những âm hưởng Tây nguyên, âm hưởng dân tộc Tày thật đẹp đẽ.

Và hàng loạt ca khúc khác như: Anh ở đầu sông em cuối sông (Phan Huỳnh Điểu - thơ: Hoài Vũ), Thành phố của tôi (Phan Nhân), Những ánh sao đêm  (Phan Huỳnh Điểu), Thuyền và biển (Phan Huỳnh Điểu - thơ: Xuân Quỳnh), Bài ca cho em (Phan Nhân), Ở hai đầu nỗi nhớ (Phan Huỳnh Điểu - thơ: Trần Hoài Thu), Thơ tình cuối mùa thu (Phan Huỳnh Điểu - thơ: Xuân Quỳnh), Cây đàn guitar của Victor Hara (Phan Nhân), Cuộc đời vẫn đẹp sao (Phan Huỳnh Điểu - thơ: Dương Hương Ly)… đã cho thấy khả năng sáng tác đa phong cách, thể loại, phong phú chủ đề cùng tinh thần nhân ái, lạc quan yêu đời rất đáng học tập, trân trọng của hai nhạc sĩ.

Thể hiện những ca khúc này là các giọng ca đầy nội lực của làng nhạc nhẹ TP: NSUT Ánh Tuyết, Bảo Yến, Quốc Đại, Hạnh Nguyên, Đình Văn, Thế Vỹ…

Đặc biệt, ca sĩ Khánh Linh - con gái của NSUT Vũ Dậu, người từng thể hiện rất thành công nhiều ca khúc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - cũng đã bay từ Hà Nội vào TP.HCM dịp này để trình diễn ca khúc Những ánh sao đêm.

Trong rất nhiều sáng tác đã trở thành tác phẩm bất hủ, những dấu son trong lòng khán giả nhiều thế hệ đó có cả những tác phẩm dành cho thiếu nhi: Nhớ ơn Bác, Đội kèn tí hon (Phan Huỳnh Điểu), Vườn cây của ba (Phan Nhân - thơ: Nguyễn Duy), Chú ếch con (Phan Nhân)… cũng đã được nhóm thiếu nhi KIDTY, bé Hải Khanh, ca sĩ Hiền Thục hát vang trong đêm nhạc.     

Ngoài lời cảm ơn ban tổ chức, ông Phan Hồng Hà, con trai nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, chia sẻ: “Thực không có gì quý hơn một chương trình rất kịp thời và ý nghĩa như hai đêm nhạc nhạc này. Không chỉ tưởng nhớ, đêm nhạc còn đóng góp cho Quỹ khuyến học ở quê hương của hai nhạc sĩ là An Giang và Quảng Nam. Đây cũng đúng là tâm nguyện của cha tôi lúc sinh thời”.

QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên