19/04/2015 09:01 GMT+7

Đức Tuấn & Những bài ca không quên

QUỲNH NGUYỄN
QUỲNH NGUYỄN

TT - Ðúng 15 năm sau khi đăng quang Tiếng hát truyền hình, Ðức Tuấn lại quay về chinh phục dòng nhạc trữ tình cách mạng qua dự án Những bài ca không quên.

Đức Tuấn (phải) kết hợp với Noo Phước Thịnh trong ca khúc Tự nguyện - Ảnh: Mason De Bill

Những bài ca không quên gồm một album và một sô diễn miễn phí cùng tên tại nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) vào tối 22-4.

Hỏi Ðức Tuấn có phải “nhân tiện” 40 năm mà thực hiện dự án này không, Ðức Tuấn nháy mắt: “Tôi bắt đầu con đường ca hát từ cuộc thi Tiếng hát truyền hình, nơi phần lớn ca khúc được chọn dự thi là nhạc trữ tình cách mạng. Thành phố hoa phượng đỏ Người là niềm tin tất thắng là hai ca khúc mà tôi chọn thể hiện trong đêm chung kết cách đây 15 năm và đăng quang.

Từ đó, dù “phải lòng” và chọn nhạc trữ tình, nhạc kịch, nhạc cổ điển giao thoa để theo đuổi nhưng những giai điệu hào hùng từ nhạc truyền thống cách mạng chưa bao giờ phai nhạt trong tôi.

Tôi vẫn ấp ủ một sản phẩm thật đầy đặn dành cho nhạc đỏ và quyết định thực hiện nhân kỷ niệm 15 năm ca hát chuyên nghiệp của mình. May mắn là dịp này vào đúng kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước”.

Cơ duyên  từ 14 năm trước

Nhưng Những bài ca không quên không chỉ là một album, một sô diễn, mà còn là một cơ duyên, một kỷ niệm hết sức đặc biệt giữa Ðức Tuấn và nhà hát Hòa Bình.

Cách đây 14 năm, nhà hát Hòa Bình lần đầu tiên tổ chức một đêm nhạc truyền thống cách mạng mang tên Những bài ca không quên (đạo diễn Tất My Loan).

Các ca sĩ được mời diễn khi đó toàn là những tên tuổi lớn của làng nhạc Việt và Ðức Tuấn là một trong số hiếm những ca sĩ trẻ được gọi tên. Trở thành một trong những đêm nhạc đáng nhớ nhất của nhà hát Hòa Bình nên chương trình đã được dựng lại một lần nữa vào dịp kỷ niệm 20 năm thành lập nhà hát (1985-2005).

Ở chương trình lần thứ hai, Ðức Tuấn không có tên trong danh sách ca sĩ được mời hát! “Một phần vì quá ấn tượng với không gian, cái “thần” của Những bài ca không quên, một phần vì “giận” không được mời hát trong chương trình lần thứ hai nên tôi đã hứa với lòng một ngày nào đó sẽ tự mình thực hiện một đêm nhạc cách mạng không thể nào quên như thế” - Ðức Tuấn nửa đùa nửa thật.

Album Những bài ca không quên gồm 15 ca khúc: những bài hát ra đời trong cuộc kháng chiến chống Pháp (Lời người ra đi, Bà mẹ Gio Linh, Nhớ người ra đi - ca khúc lần đầu được cấp phép của Phạm Duy...), trong cuộc chiến đấu để thống nhất đất nước (Tình ca, Câu hò bên bờ Hiền Lương, Lá đỏ, Tự nguyện...) và tiếp nối tới công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay (Bài ca không quên, Nơi đảo xa, Tổ quốc gọi tên mình...).

Phần hòa âm phối khí được thực hiện bởi các nhạc sĩ thế hệ mới: Hoài Sa, Nguyễn Công Phương Nam, Minh Thụy, Nguyễn Hải Phong, Hoàng Rapper.

Dự định, ý tưởng đã có từ lâu nhưng không dễ để thực hiện một cách nhanh chóng, thuận lợi nếu không thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Ðức Tuấn kể: “Không dễ để chọn ra 15 ca khúc cho vào album bởi có quá nhiều ca khúc truyền thống cách mạng đi vào lòng người.

Việc tìm người hòa âm phối khí lại những ca khúc này sao cho vẫn giữ đúng tinh thần bi tráng, quật khởi nhưng vẫn thiết tha, gần gũi với tâm tư tình cảm của người nghe hôm nay cũng không phải chuyện đơn giản.

Chọn một thời điểm, địa điểm tốt, một êkip thấu hiểu và tâm huyết với Những bài ca không quên cũng là một chuyện “khó trời thần”.

Nhưng may quá, lại đúng dịp nhà hát Hòa Bình kỷ niệm 30 năm thành lập. Và những mộng mơ của tôi đã nhanh chóng trở thành sự thật với sự giúp đỡ rất nhiệt tình từ các anh em nhà hát và vị đạo diễn đáng kính Tất My Loan”.

Dù có sao thì cũng phải chân thành

Tại buổi họp báo sáng 15-4 ở nhà hát Hòa Bình, đạo diễn Tất My Loan không giấu được xúc động khi nói về Những bài ca không quên.

Ông bày tỏ: “Chúng tôi vẫn sẽ giữ đúng tinh thần của chương trình: không nặng giải trí, dùng hiệu quả và thủ thuật dàn dựng thay cho các kỹ thuật hiện đại để bắt trọn cảm xúc của nghệ sĩ lẫn khán giả”.

Và bài thơ Ðánh thức tiềm lực của nhà thơ Nguyễn Duy, từng được giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ vào năm 1986, vẫn là nguồn cảm hứng dạt dào để đạo diễn Tất My Loan kể lại câu chuyện của những ngày bom đạn và hậu chiến.

Nhà thơ cũng đã nhận lời có mặt tại đêm diễn để đọc lại bài thơ này cùng một bài thơ nổi tiếng khác của ông: Nghe tắc kè kêu trong thành phố.

Vị đạo diễn gần như rút khỏi làng giải trí gần 10 năm qua cũng chia sẻ ông đã dành hẳn ba tháng để xem lại tư liệu và tìm ra một cách kể lại lịch sử bằng âm nhạc thật chân thành.

Hiệu quả ra sao hẳn phải đợi đến ngày công diễn nhưng trước mắt đó sẽ là chương trình “bốn nhất”: chất lượng nhưng ít tiền đầu tư nhất, sân khấu tối giản và ít trang trí nhất (chỉ dùng một mảnh vải trắng là điểm nhấn), ít màu sắc nhất (chỉ ba màu trắng, đỏ và màu lính), ít múa nhất (diễn viên múa chỉ tạo hình).

Ðồng hành cùng Ðức Tuấn không chỉ có đội ngũ đầy kinh nghiệm của nhà hát Hòa Bình, đạo diễn Tất My Loan, nhiều đồng nghiệp trẻ của Ðức Tuấn như Nguyễn Ngọc Anh, Hiền Thục, Ngọc Mai, Noo Phước Thịnh mà còn có những nghệ sĩ đã sống, trải qua những ngày tháng không quên: NSND Thế Anh (dẫn chương trình), nhà thơ Nguyễn Duy, NSƯT Phi Ðiểu.

Lúc này 
tôi và em không còn là lũ trẻ con nữa
tuổi thanh xuân trọn vẹn cuộc chiến tranh
sau lưng ta là kỷ niệm bi tráng
trước mắt ta vẫn còn con đường gập ghềnh
vẫn trang trọng tấm lòng trung thực
dù có thể lỗi lầm - làm thế nào mà biết trước
dù có sao thì cũng phải chân thành...

Những câu thơ Ðánh thức tiềm lực như thế sẽ vang lên trong đêm nhạc.

QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên