24/07/2017 15:00 GMT+7

Những bảo tàng ăn nên làm ra: Khách đông thì sống được

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Trong tình cảnh hầu hết bảo tàng sống bám ngân sách, đìu hiu rất lãng phí, có một số ít bảo tàng khách đến nườm nượp và cơ bản sống được bằng nguồn bán vé. Bí quyết thành công của các bảo tàng này?

Rất đông du khách đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM - Ảnh: THÁI LỘC
Rất đông du khách đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM - Ảnh: THÁI LỘC

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đảm bảo thu nhập gấp ba lương, từ 8 triệu đồng trở lên mỗi tháng đối với 70 nhân lực hiện có.

Bà Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc

Trong buổi tọa đàm tổ chức chiều 21-7, các giám đốc bảo tàng ở TP.HCM đã nhìn nhận Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là một điển hình đáng học hỏi trong việc khai thác ưu thế của mình thành nguồn thu để tự chủ tài chính, là bảo tàng dẫn đầu trong khối bảo tàng của TP.HCM về nhiều mặt, có mức thu từ vé năm 2016 đạt hơn 13,7 tỉ đồng.

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - đông đúc bất ngờ

Một buổi chiều trời Sài Gòn mưa như trút nước giữa tháng 7, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh vẫn đông nghịt người...

Sự hấp dẫn của bảo tàng này có lẽ bắt đầu từ sự đối lập có chủ ý ngay ở sân vườn: những khí tài quân sự như xe tăng, máy bay, đại bác... trong một không gian bình dị “rất Việt” của cây đa, lũy tre, hàng cau, ngọn khế, tạo nên cảm giác về sự vô lý của chiến tranh.

Tại ba tầng của trụ sở bảo tàng với hơn 10 gian trưng bày đều đông chật, nhất là khách nước ngoài đi theo đoàn. Khách Việt nhìn chung cũng khá đông, trong đó có rất nhiều bạn trẻ, khách “nhí” cùng xem, cùng bàn tán, chỉ trỏ.

Trước sự bất ngờ của chúng tôi - từng chứng kiến hầu hết bảo tàng vắng vẻ trên khắp cả nước, bà Huỳnh Ngọc Vân - giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - cho biết lượng khách như trên là ít vì đang vào mùa mưa, không nhằm nhò gì so với mùa khô.

Trong khi đó, vừa đặt chân đến Hà Nội, anh bạn họa sĩ rủ tôi “đến ngay Bảo tàng Dân tộc học VN sẽ có một bất ngờ”.

Dù giữa trưa nhưng khách đến bảo tàng này vẫn rất đông, cả Tây lẫn ta. Đi tìm điều bất ngờ anh bạn mách nước, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước triển lãm tranh của danh họa Raffaello (Ý) tại tầng 3 tòa nhà Cánh diều với 34 kiệt tác được tái hiện bằng kỹ thuật số.

Theo bà Huỳnh Ngọc Vân, năm 2006 tổng lượng khách đến bảo tàng hơn 410.000 thì năm 2016 đạt hơn 1.100.000. Điều đặc biệt là khách nước ngoài chiếm đa số, hơn 888.000 khách, gấp 4 lần khách Việt với 222.000 khách.

Còn với Bảo tàng Phụ nữ VN, theo bà giám đốc Nguyễn Thị Bích Vân, năm 2012 bảo tàng này mới đạt chừng 100.000 khách thì đến năm 2016 lượng khách tăng đã đạt “cấp số nhân” với khoảng 500.000, trong số đó chiếm chừng 35% là khách nước ngoài.

Sinh động và... thời sự

Thật ra du khách đến Bảo tàng Dân tộc học VN không chỉ bị cuốn hút bởi các gian trưng bày sinh động và hấp dẫn văn hóa 54 dân tộc anh em của đồng bào VN, điều thu hút khách bậc nhất vẫn là nơi tái hiện không gian sống điển hình của 10 dân tộc tại VN trên khắp sân vườn.

Từ ngôi nhà rông “cao vút tận trời” của người Ba Na, ngôi nhà dài “như tiếng chuông ngân” của người Ê Đê, ngôi nhà gỗ mái ngói yên bình của người Kinh vùng Bắc Bộ... đều trở thành nơi để du khách khám phá, trải nghiệm một cách thích thú.

Hấp dẫn là thế, song khi nhắc đến Bảo tàng Dân tộc học VN, nhiều người nghĩ ngay đến hàng loạt triển lãm chuyên đề “đình đám”, đi sâu, đi thẳng vào những vấn đề nóng và mang tính thời sự trong bối cảnh liên quan:

- Sống trong bí tích - Văn hóa Công giáo đương đại VN,

- Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp,

- Hay về vấn đề tranh chấp đất đai, về sức khỏe sinh sản liên quan đến tình dục, HIV...

Cũng tại Hà Nội, cảnh tượng đông đúc tương tự diễn ra ở Bảo tàng Phụ nữ VN.

Trong những ngày đầu tháng 7, triển lãm chuyên đề về vệ sinh an toàn thực phẩm thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Ở khu trưng bày thường xuyên, nhiều người trầm trồ trước những câu chuyện thú vị về cuộc sống gia đình, về những người phụ nữ trong lịch sử hay hệ thống thờ mẫu tại VN...

J.Duran - du khách đến từ Đức - cho hay mấy năm trước, ông nghe mấy người bạn giới thiệu về bảo tàng này nên tìm tới ngay khi đến Hà Nội.

Ông nhận xét điều ấn tượng nhất ở đây chính là lối kể chuyện về người phụ nữ VN một cách sinh động, có duyên và cuốn hút qua cách trưng bày.

Cả trẻ em lẫn người lớn đều thích khú khi tập điều khiển quân rối tại Bảo tàng Dân tộc học VN - Ảnh: THÁI LỘC
Cả trẻ em lẫn người lớn đều thích khú khi tập điều khiển quân rối tại Bảo tàng Dân tộc học VN - Ảnh: THÁI LỘC

Phải sống được nhờ nguồn bán vé

Trong những năm gần đây, nổi bật trong số hơn 150 bảo tàng tại VN hiện nay, ba bảo tàng nói trên trở thành “hiện tượng” ở sự hấp dẫn, hút khách, tăng trưởng đều đặn và cơ bản sống được nhờ bán vé.

Kể từ năm 2014, Nhà nước “buông” ngân sách, để Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tự chủ tài chính toàn phần.

Bà giám đốc cho biết sau hơn 10 năm, trượt giá nhiều lần mà giá vé không thay đổi, 15.000 đồng/khách nước ngoài và 2.000 đồng/khách trong nước, song nhờ vào lượng khách đông và tăng đều đặn nên nguồn thu vẫn đảm bảo trang trải chi phí toàn bộ hoạt động trưng bày, trả lương, sưu tầm hiện vật và đối ngoại...

Được biết, bảo tàng vẫn đảm bảo thu nhập gấp ba lương, từ 8 triệu đồng trở lên mỗi tháng đối với 70 nhân lực hiện có, cao bậc nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước, bù lại yêu cầu đặt ra là cường độ làm việc của tất cả các khâu cũng đều rất cao.

Tương tự, lượng khách đến Bảo tàng Dân tộc học VN khoảng 5 năm trở lại đây luôn trong khoảng nửa triệu mỗi năm, trong đó hơn 40% là khách quốc tế, tăng đều đặn mỗi năm 2-3%...

PGS.TS Võ Quang Trọng - giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN - cho biết nguồn thu từ bán vé và dịch vụ đạt 93-94% so với nguồn chi.

Thu nhập của cán bộ nhân viên bảo tàng đều rất tốt, hơn gấp đôi lương... Và theo ông Trọng, sở dĩ bảo tàng này chưa hoàn toàn tự chủ tài chính vì các dự án đầu tư luôn “rất xịn”, lên đến nhiều tỉ đồng.

Phát triển “nóng” hơn cả là Bảo tàng Phụ nữ VN. Bảo tàng khá non trẻ này hiện đang hoạt động nhờ nhiều vào nguồn thu bán vé và hoạt động tư vấn trưng bày cho các bảo tàng khác, nguồn ngân sách của Nhà nước cấp rất ít. Cán bộ, nhân viên của bảo tàng này ở mọi vị trí đều có thu nhập “ở mức khá cao”...

Kỳ 2: Làm bảo tàng như... có con mọn

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục