17/06/2017 19:42 GMT+7

Từ Trường thi Gia Định đến Nhà văn hóa Thanh niên

TS. HỒ TƯỜNG
TS. HỒ TƯỜNG

TTO - Tháng 2-1859, quân Pháp tấn công thành Gia Định. Ngày 5-6-1862, đại diện triều đình vua Tự Đức là Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp đã ký hòa ước với Pháp ngay ở Trường thi Gia Định.

Một kỳ thi hương ở trường thi Gia Định - Tranh tư liệu

Sau khi chiếm trọn Nam Kỳ, từ năm 1867, Pháp bắt đầu tiến hành xây dựng các công trình dân sinh trên đất Sài Gòn, nơi đặt đại bản doanh của quân đội Pháp, cũng là nơi đón những người từ Pháp và nhiều nước khác đến bỏ vốn đầu tư xây dựng thành phố Sài Gòn.

Giếng và hồ chứa nước trên đất Trường thi Gia Định

Bắt đầu từ năm 1880, Pháp đã xây dựng ngay trên vùng đất cao ráo của thành phố Sài Gòn hệ thống tháp nước, hồ nước và giếng nước để cung cấp nước cho cư dân thành phố.

Khu tháp nước trung tâm được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, ngày nay vẫn còn nhìn thấy tại Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (tức Sawaco), tọa lạc tại số 1 Công Trường Quốc Tế, thuộc phường 6, quận 3.

Đến năm 1896, dân số Sài Gòn tăng lên. Để đảm bảo cung cấp đủ nước tiêu dùng cho toàn thể dân cư của Sài Gòn lúc bấy giờ, Pháp đã đào khoảng 10 giếng, về sau tăng lên 20 giếng nằm thành hình tròn bao quanh tháp nước trung tâm.

Trong các giếng đó, có một giếng nằm ngay trên vùng đất của trường thi Gia Định xưa, tức Nhà văn hóa Thanh niên nay. Giếng này có đường kính khoảng trên dưới 2m, sâu khoảng gần 20m. Thành giếng có đoạn xây gạch, có đoạn là ống bêtông cốt thép.

Khi sinh hoạt ở Nhà văn hóa Thanh niên những năm đầu thập kỷ 1980, chúng tôi vẫn còn qua lại mỗi ngày trên những tấm ván đóng che miệng giếng này trong khuôn viên của Nhà văn hóa Thanh niên (hiện giếng vẫn còn bên dưới, phía trên là một quán ăn).

Tài liệu lưu trữ của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn cho biết gần đáy giếng có trụ lọc bằng hợp chất cát và sỏi, cho nước thấm qua trụ lọc rồi chạy vào các ống ngang về giếng chính. Nước được khử trùng sơ bộ rồi bơm vào các hồ chứa, rồi bơm lên tháp nước để phân phối đến người dùng.

Cũng theo tài liệu trên, bên cạnh giếng nước, khu vực trường thi Gia Định xưa còn có hai hồ chứa nước từ giếng bơm lên, mà nhiều người đoán định đó chính là hai sân rộng vẫn còn cho đến ngày nay trong khuôn viên Nhà văn hóa Thanh niên: sân 4A có cửa nằm trên đường Phạm Ngọc Thạch và sân tennis có cửa nằm trên đường Hai Bà Trưng. Dung tích chứa nước của mỗi hồ này thời xưa là 4.000m3.

Từ năm 1900, Pháp thành lập Công ty điện nước Đông Dương (Compagnie des Eaux et d’É lectricité De L’Indochine), viết tắt là CEE, quản lý và bảo trì hệ thống cấp nước và cấp điện toàn Đông Dương, bao gồm luôn cả thành phố Sài Gòn, trụ sở đóng tại vị trí nay là Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn tọa lạc số 1 Công Trường Quốc Tế, thuộc phường 6, quận 3.

Cuối năm 1956, thời Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm, khu vực xung quanh tháp nước trung tâm có đến 71 giếng khoan, nhưng chỉ có 36 giếng còn hoạt động tốt.

Trước tình hình nước sạch ở Sài Gòn bắt đầu lâm vào cảnh khó khăn, Công ty Hydrotechnic Corporation của Mỹ đã thực hiện công trình sử dụng nước sông Đồng Nai, đưa vào sử dụng từ ngày 1-7-1966. Công dụng cấp nước của các giếng nước khu vực trường thi Gia Định xưa chấm dứt vai trò từ đây.

Một đoạn cầu thang sắt xưa cả trăm năm đặt dưới hồ nước trong khuôn viên Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM hiện nay được đưa lên làm cầu tháng từ tầng trệt lên tầng 1 - Ảnh: M.C
Nắp đậy hồ nước xưa trong khuôn viên Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM hiện vẫn còn, cạnh bãi giữ xe - Ảnh: M.C

Trường thi Gia Định thành nơi sinh hoạt thể thao và thanh niên

Ngay từ những ngày dưới thời Pháp thuộc, khu vực xung quanh giếng nước, các nơi trống trải còn lại của trường thi Gia Định xưa đã được người Pháp xây dựng một dãy nhà ở của công nhân ngành thủy cục và sử dụng làm câu lạc bộ thể dục thể thao, ban đầu dành riêng cho binh lính Pháp sinh hoạt, về sau mở rộng ra cho giới thanh niên.

Từ năm 1956, dưới thời Ngô Đình Diệm, tổ chức Thanh niên Cộng hòa đã được thành lập làm lực lượng đối trọng với Đoàn thanh niên ở miền Bắc. Toàn bộ kiến trúc và các sân bãi liên quan của hoạt động thể dục thể thao thời Pháp đã được giao lại cho Thanh niên Cộng hòa tổ chức hoạt động.

Con đường chạy ngay qua trước trụ sở Thanh niên Cộng hòa được đổi thành đường Duy Tân và tòa nhà chính của Thanh niên Cộng hòa được đánh số 4.

Một nữ sinh viên Sài Gòn năm 1971 ở ngã tư Nguyễn Văn Chiêm - Phạm Ngọc Thạch hiện nay - Ảnh tư liệu
Bảng kỷ niệm ghi nhận một thời sôi động của sinh viên - học sinh Sài Gòn trước 1975 - Ảnh: Hồ Tường
Hội trường 1 Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM vốn là Ủy ban Thanh niên trước 1975 - Ảnh: Hồ Tường

Nhà truyền thống Đoàn của Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM hiện nay vốn là Ủy Ban Olympic trước 1975; lầu 1 nay là phòng học,  xưa vốn là văn phòng và hội trường của Tổng Cuộc Quyền Thuật Việt Nam - Ảnh Hồ Tường

Sau cuộc đảo chính 1-11-1963, tòa nhà số 4 đường Duy Tân được bàn giao cho Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, với Chủ tịch đầu tiên là Nguyễn Hữu Thái, sinh viên Trường đại học Kiến trúc. Suốt thập niên 1960, phong trào sinh viên Sài Gòn rất mạnh mẽ đều xuất phát từ đây, gọi tắt là “số 4 Duy Tân”.

Trong ba ngày 20, 21 và 22-8-1964, sinh viên, học sinh họp tại trụ sở Tổng hội Sinh viên Sài Gòn ra tuyên cáo phản đối “Hiến chương Vũng Tàu” của tướng Nguyễn Khánh, lãnh đạo chính quyền Sài Gòn.

Sự kiện này đã làm một nhóm người quá khích, thân chính quyền đã xô xát với sinh viên và đập phá trụ sở Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, vốn là tòa nhà cổ kính được xây dựng dưới thời Pháp. Sau đó, chính quyền Sài Gòn buộc phải xây dựng lại một kiến trúc thay thế, do kiến trúc sư Trần Phi Hùng thiết kế, đền bù cho Tổng hội Sinh viên Sài Gòn.

Kiến trúc này hiện vẫn là tòa nhà chính của Nhà văn hóa Thanh niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, Q.1, TP.HCM).

Bên cạnh đó, những khu vực và kiến trúc còn lại xung quanh tòa nhà “số 4 Duy Tân” được giao lại cho Tổng nha Thanh niên, vốn là một cơ quan trong bộ máy chính quyền Sài Gòn phụ trách các hoạt động của giới thanh niên và các hoạt động thể dục thể thao.

Cụ thể như tòa nhà mà nay gọi là Hội trường 1 của Nhà văn hóa Thanh niên, từ sau đảo chính năm 1963 cho đến ngày 30-4-1975 là trụ sở Ủy ban thanh niên.

Nơi đây thường tổ chức các hoạt động liên quan đến thể dục thể thao và thanh niên. Chẳng hạn như năm 1969, tổng hội võ sư nghiên cứu và phổ biến võ học Việt Nam (gọi tắt là Tổng hội Võ học Việt Nam) đã tổ chức lễ kỷ niệm một năm thành lập tại tòa nhà và khu vực sân trước tòa nhà (nay gọi là sân 37 của Nhà văn hóa Thanh niên).

(Bản thân tôi cũng từng tham gia biểu diễn võ thuật trong lễ kỷ niệm này, trên sân khấu của hội trường 1 ngày nay, với tiết mục biểu diễn là bài “Triệu tử quyền”. Lúc đó tôi mới 15 tuổi).

Tòa nhà nay làm Nhà truyền thống Đoàn, nằm kế hội trường 1 của Nhà văn hóa Thanh niên, trước 30-4-1975 là trụ sở của Ủy ban quốc gia thế vận Olympic, thuộc Tổng nha Thanh niên.

Trên lầu của ủy ban này là văn phòng và phòng họp của Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam, một tổ chức tương đương với Liên đoàn Võ thuật Việt Nam trực thuộc Tổng cục Thể thao ngày nay.

Còn Trung tâm hỗ trợ sinh viên cùng với quán giải khát nằm ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai và Hai Bà Trưng nay, vốn là trụ sở của Sở Thể dục thể thao đô thành Sài Gòn. Sân giữ xe, sân 4A và sân tennis ngày nay của Nhà văn hóa Thanh niên, trước năm 1975 đều là các sân chuyên dùng cho các hoạt động thể dục thể thao, như: tennis, bóng rổ, bóng chuyền…

Một buổi thi lên đai của môn phái Karaté-do Shorin Ryu VN ở sân 4A Nhà văn hóa Thanh niên, khu vực thuộc Trường thi Gia định xưa - Ảnh: M.C

 

Ngày 30-4-1975, năm cánh quân của Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định đều tập trung về trụ sở số 4 đường Duy Tân. Từ đó, nơi đây được chọn làm Câu lạc bộ Thanh niên, sau nâng lên thành Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM cho đến nay.

Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM vốn nằm trong khu vực Trường thi Gia Định xưa - Ảnh: Hồ Tường

 

TS. HỒ TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên