07/05/2017 13:00 GMT+7

Chuyện cuối tuần: Chưa đủ để tinh hoa phát tiết!

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Nhà thiết kế Minh Hạnh đã dành một giờ thư thái để tâm tình về nghề truyền thống - nguồn cảm hứng và kho nguyên liệu mà chị theo đuổi từ rất nhiều năm qua để tạo ra những bộ thời trang đậm đà chất Việt.

Các nghệ nhân Tà Ôi biểu diễn nghề dệt Zèng - Ảnh: THÁI LỘC
Các nghệ nhân Tà Ôi biểu diễn nghề dệt Zèng - Ảnh: THÁI LỘC

Khi nhắc đến cái tên Zèng, Minh Hạnh thốt lên: “Quá tuyệt vời luôn!”. Zèng là thổ cẩm của người Tà Ôi ở miền núi A Lưới, Thừa Thiên - Huế.

Minh Hạnh kể rằng các nhà tạo mẫu Thái Lan, Malaysia, Philippines khi nhìn thấy Zèng đều hết sức ngạc nhiên và thích thú.

Độc đáo nhất là dùng cơ thể của chính người phụ nữ để làm khung dệt và kỹ thuật xâu hạt cườm ngay trong khi dệt để tạo thành những hoa văn nổi lên trên nền vải. Các vị khách này đã thấy tiếc cho một món “đặc sắc Việt Nam” chưa được nhiều người biết đến!

Nếu là người Việt thì càng thấy tiếc nuối hơn khi đến tham quan các làng nghề ở Chiangmai (Thái Lan) hoặc Perak (Malaysia).

Nhìn những đoàn du khách nườm nượp tham quan và mua hàng lưu niệm mà không khỏi chạnh lòng nghĩ về khung cảnh đìu hiu của những làng nghề Việt.

Nếu Thái Lan có lụa Matmee Chiangmai thì Việt Nam cũng có lụa tơ tằm Kiến Xương (Thái Bình), Vạn Phúc (Hà Nội).

Gốm nặn bằng tay Labu Sayong của người Hồi giáo ở Perak, Malaysia và gốm Bàu Trúc của người Chăm Bàu Trúc (Ninh Thuận) cũng làm bằng tay, mỗi nơi mang một vẻ độc đáo riêng và không thua kém gì nhau.

Riêng nghề dệt của các dân tộc thiểu số từ Tây Bắc đến Trường Sơn - Tây Nguyên đã cho ra đời một bộ sưu tập thổ cẩm quá phong phú và độc đáo.

Vì sao các làng nghề Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều đã trở thành điểm đến tấp nập du khách cả thế giới, nghệ nhân sống khá giả bằng nghề của mình, tạo ra vô số việc làm và nguồn thu cho ngân sách và hơn thế nữa - đó còn là niềm tự hào của quốc gia họ mà nghề truyền thống Việt vẫn chưa?

Thậm chí nghề truyền thống Việt vẫn chưa thoát khỏi tình trạng bấp bênh và nguy cơ mai một từng ngày.

Có mặt ở Festival nghề truyền thống Huế vừa tổ chức hôm đầu tháng 5 này, xem những món hàng thủ công mỹ nghệ đẹp đến mê hồn của các làng nghề cùng với những màn trình diễn công phu của các nghệ nhân... thì càng bức xúc hơn.

Các động thái tích cực gần đây cho thấy chính quyền các cấp đã nhìn thấy vai trò và giá trị đặc sắc của nghề truyền thống, nhưng cũng chỉ mới là hành động nhằm “cấp cứu” nguy cơ tàn lụi của loại di sản vô giá này.

Chưa có một kế hoạch quy mô, bài bản, lâu dài để phát triển nghề truyền thống trong nền kinh tế quốc gia. Làm sao tinh hoa nghề Việt phát tiết?

Với 2.790 làng nghề, 53 nhóm nghề, 200 loại sản phẩm và hàng triệu lao động, nghề truyền thống là một di sản quý giá và đồ sộ, cả vật thể lẫn phi vật thể.

Nguồn tài nguyên dồi dào này rất cần một chiến lược tầm quốc gia để phát triển xứng tầm. Không chỉ mang tiền bạc cho nền kinh tế, nghề truyền thống còn là bản sắc văn hóa, là niềm tự hào của dân tộc Việt mà ông cha đã tạo nên và gìn giữ đến hôm nay.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên