22/04/2017 13:39 GMT+7

Viết để hoài niệm, tụng ca và biết ơn Sài Gòn

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO -Nhà văn Lê Văn Nghĩa chia sẻ trong lúc cùng người bạn đồng nghiệp Nguyễn Đông Thức trò chuyện với bạn đọc tại Đường sách TPHCM sáng 22-4 về chủ đề Sài Gòn xưa - Sài Gòn nay qua các tác phẩm xuất bản gần đây.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa (phải) cùng đồng nghiệp Nguyễn Đông Thức trong buổi trò chuyện với bạn đọc - Ảnh: L.Điền
Nhà văn Lê Văn Nghĩa (phải) cùng đồng nghiệp Nguyễn Đông Thức trong buổi trò chuyện với bạn đọc - Ảnh: L.Điền

Nhiều bạn đọc hâm mộ các đầu sách viết về một thời Sài Gòn trong ký ức của ông như Mùa hè năm Petrus; Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy; Sài Gòn dòng sông tuổi thơ; và mới nhất là cuốn Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, đã đến cuộc trò chuyện với hy vọng được nghe thêm tâm sự từ tác giả là người trong cuộc từng chứng kiến bao biến động đổi thay của Sài Gòn.

Không một nhà văn nào thoát nổi

Nhà văn Lê Văn Nghĩa thừa nhận rằng ông chính vì tình yêu Sài Gòn mà viết. “Tôi không am tường Sài Gòn như một chuyên gia, nhưng tôi là người sinh ra và lớn lên ở đây, lấy vợ sinh con, làm việc thành và bại tại Sài Gòn này”, ông tâm sự.

Ông cũng tự rút ra nhận định rằng: Thường hồi nhỏ mình ít quan tâm đến nơi mình sống, đến khi lớn lên có tuổi rồi, bấy giờ mới chững lại, và bắt đầu tìm hiểu cái nơi mình sinh ra. “Tôi đọc Sơn Nam, Vương Hồng Sển, thấy Sài Gòn của mình hay quá, ngộ quá.

Và tôi nghĩ có lẽ không một nhà văn nào thoát ly khỏi cái làng mạc thôn xóm quê hương nơi mình lớn lên. Tôi cũng vậy, tôi sống và viết bằng ký ức tâm tình và cả những xung đột nơi mình sinh ra và chứng kiến. Vì vậy, tôi lục tìm tư liệu, viết để hoài niệm, tụng ca và biết ơn Sài Gòn”.

Sài Gòn còn là một vùng kỷ niệm của cả Lê Văn Nghĩa và Nguyễn Đông Thức thời cắp sách đến trường. Lê Văn Nghĩa học Petrus Ký, còn Nguyễn Đông Thức học Võ Trường Toản.

Ký ức của Nguyễn Đông Thức là những lần “theo đuôi” các nữ sinh Trưng Vương gần đó, còn Lê Văn Nghĩa đến giờ vẫn nhớ những câu thơ mà nam sinh Petrus gửi nữ sinh Gia Long đại loại như: Mỗi độ xuân về Petrus Ký/ Thương về mái ngói nhớ Gia Long...

Chính những năm tháng học trung học ở Petrus Ký, Lê Văn Nghĩa cho biết ông từng có mơ ước sau này lớn lên sẽ viết văn, viết về ngôi trường trung học nổi tiếng của mình. “Petrus Ký là ngôi trường nổi tiếng cả miền nam mà không có tác phẩm văn chương nào viết về nó.

Nhưng đến chừng lớn lên, làm báo bộn bề, tôi quên béng ước mơ hồi nhỏ ấy. Rồi đến khi lớn tuổi, trong những lần họp trường, gặp lại bạn xưa, tự dưng nhớ lại ý định viết về ngôi trường Petrus Ký thuở xưa.

Dưới mái trường Petrus Ký - ngôi trường công không tốn học phí, tôi nhận thức cuộc đời nhiều nhất là vào thời trung học này. Do vậy, Petrus Ký là dấu ấn lớn, có ý nghĩa quan trọng với cuộc đời tôi”, ông tâm sự về duyên do khiến ông chấp bút viết quyển truyện Mùa hè năm Petrus.

Về vốn liếng cho những trang văn, Lê Văn Nghĩa cho rằng có lẽ cuộc sống Sài Gòn - Chợ Lớn đã quá quen với ông.

“Hồi nhỏ tôi cũng cúp cua leo rào nhảy tường trốn học không thua anh Đông Thức đâu, nhưng tụi tôi hồi đó dẫu có hoang đàng thế nào vẫn giữ cái lề lễ nghĩa trong đối xử với nhau... Tất cả nằm đâu đó trong ký ức, khi bắt tay vào viết thì tự nó như một mạch ngầm trào ra và tôi chỉ việc ghi lại thôi”.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa (trái) đang tâm sự về những hoài niệm một thời Sài Gòn từng được ông đưa vào trang sách - Ảnh: L.Điền
Nhà văn Lê Văn Nghĩa (trái) đang tâm sự về những hoài niệm một thời Sài Gòn từng được ông đưa vào trang sách - Ảnh: L.Điền

Sưu tập chữ nghĩa người Sài Gòn

Nhà văn Lê Văn Nghĩa thoáng chút trầm tư trước câu hỏi liệu một nhà văn như anh có cảm thấy mình mang món nợ ân tình với Sài Gòn không? Và ông chia sẻ rằng có lẽ ai lớn lên cũng vô hình trung mắc nợ vùng đất đã nuôi mình.

Thế rồi một anh phu quét đường, một chị thợ may... trong công việc hàng ngày của mình, họ làm là để trả món nợ ân tình ấy. Dù có thể họ không nghĩ đến, nhưng ý nghĩa sống và làm việc cho đời như vậy chính là trả món nợ ân tình cho mảnh đất đã cưu mang mình.

“Về phần tôi, cách tôi trả nợ chỉ bằng con chữ và máy tính: Tôi ghi lại những gì của Sài Gòn mà bây giờ không còn nữa. Thủ Thiêm trước ngày có bến phà là cái bến đò – nơi xuất xứ câu ca bất hủ: Bao giờ Chợ Lớn hết vôi/ Thủ Thiêm hết gạo em thôi đưa đò/ Bắp non mà nướng lửa lò/ Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm.

Hay như kênh Nhiêu Lộc bây giờ khang trang đẹp đẽ nhưng hồi xưa là khu nghèo, xóm Bình Khang và bao nhiêu mảnh đời cơ cực..., rồi người Sài Gòn hồi xưa có cách uống cà phê bằng dĩa, Sài Gòn có rạp hát chuyên chiếu phim Ấn Độ như Long Phụng, có nhà nguyện do chính Nguyễn Trường Tộ thiết kế xây dựng...”.

Trò chuyện với bạn đọc hôm nay, ông Lê Văn Nghĩa còn nhớ ấn tượng khi ông lần đầu đến nhà sách Khai Trí ở trung tâm Sài Gòn, “tôi nhớ bấy giờ nhà sách này có ghi một câu ‘Thà để cho con một rương sách còn hơn để cho con một rương vàng’, và ông Khai Trí cũng đi vào sách của tôi một cách khéo léo”.

Và trong khi ông Nghĩa rằng mình viết văn là sống trong hoài niệm, “kể cả những giận hờn và xung đột tuổi thơ”, thì nhà báo Dương Thành Truyền - Chủ tịch Hội đồng thành viên NXB Trẻ - nhận định rằng “anh Nghĩa đã rung động rất sâu và rất rộng về Sài Gòn”.

Ông Truyền cho rằng đọc văn của Lê Văn Nghĩa có được “3 cái biết” quan trọng: biết chuyện Sài Gòn, biết người Sài Gòn, và biết chữ nghĩa của dân Sài Gòn.

Trong vai trò là người biên tập hai tập sách của nhà văn Lê Văn Nghĩa và đọc kỹ các trang văn của ông, nhà báo Dương Thành Truyền cho biết ông đã làm một sưu tập về chữ nghĩa, lời ăn tiếng nói của người Sài Gòn từ sách của Lê Văn Nghĩa.

Chẳng hạn cách người Sài Gòn dùng các từ “tận cùng bằng số” để chỉ cái xấu cùng cực, “tàn chi quái đao” để chỉ sự lợi hại của ai đó, hay hạng cá kèo, hầm bà lằng, tổ sư bồ đề... “Nếu thực hiện công phu, chúng ta sẽ có sưu tập về từ ngữ tiếng Việt của người Sài Gòn một thời, rất thú vị”, ông Truyền khẳng định.

Có một bạn đọc đặc biệt đến với buổi trò chuyện từ sớm, là ông Nguyễn Văn Thành, năm nay đã 67 tuổi và đang điều trị ung thư trực tràng giai đoạn cuối.

“Tôi chẳng những theo dõi hai ông nhà văn nhà báo này của báo Tuổi Trẻ từ rất lâu, mà tôi chính là dân Sài Gòn cố cựu, hồi xưa nhà tôi ở ngay bến đò Thủ Thiêm, má tôi làm nghề đưa đò nên lúc nãy nghe ông Nghĩa đọc mấy câu ca làm tôi chảy nước mắt”, ông Thành nói rồi kéo ba lô, rút ra một chồng đủ các đầu sách của nhà văn Lê Văn Nghĩa mà ông chuẩn bị để xin chữ ký.

 

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên