15/04/2017 17:15 GMT+7

​Tiếp nhận di sản tư liệu của GS Bùi Khánh Thế

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Hơn 2.400 đầu tài liệu của GS.TS Bùi Khánh Thế vừa được chuyển giao cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, lễ tiếp nhận diễn ra tại TP.HCM vào sáng 15-4.

GS. TS Bùi Khánh Thế (trái) trao tặng tượng trưng khối di sản tài liệu cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam - Ảnh: L.Điền
GS.TS Bùi Khánh Thế (trái) trao tặng tượng trưng khối di sản tài liệu cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam - Ảnh: L.Điền

Năm nay GS Bùi Khánh Thế bước vào tuổi 83, khối tài liệu hiện vật này là tư liệu công cụ, tác phẩm và những hiện vật đã gắn bó suốt mấy chục năm lao động khoa học của giáo sư, bao gồm nhiều loại hình đa dạng, phong phú.

Trong đó có hàng trăm cuốn nhật ký điền dã, nghiên cứu về ngôn ngữ, hàng trăm bức thư trao đổi với các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, bản thảo bài viết về ngôn ngữ, bản thảo báo cáo đề tài, hàng chục cuốn sổ công tác… cùng hàng chục cuốn sách do ông viết hoặc chủ biên.

Những tài liệu này là nguồn tài liệu quan trọng đối với việc tìm hiểu về sự phát triển của ngành ngôn ngữ học ở Việt Nam.

GS.TS Bùi Khánh Thế từng là phó hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM, bên cạnh công tác giảng dạy, quản lý, GS Bùi Khánh Thế cũng để lại nhiều công trình nghiên cứu có giá trị:

Nhập môn ngôn ngữ học (NXB Giáo Dục, 1995), Từ điển Chăm - Việt (chủ biên, NXB Giáo Dục, 1995), Mấy vấn đề về tiếng Việt hiện đại (NXB Đại Học Quốc Gia TP.HCM, 2001), Tiếng Việt - tiếng nói thống nhất của dân tộc Việt Nam (NXB Chính Trị Quốc Gia, 2012)… hay những nghiên cứu về tiếng Chăm, tiếng M'Nông...

“Đây không chỉ là một khối tài liệu lớn có giá trị để nghiên cứu về cuộc đời một con người, để hiểu sự lao động cần cù, miệt mài, sáng tạo của một nhà khoa học mà thông qua đó còn có thể nhìn rộng hơn về công tác nghiên cứu khoa học, về môi trường học thuật trong ngành ngôn ngữ học ở nước ta nửa sau thế kỷ 20” - ông Nguyễn Văn Huy, giám đốc chuyên môn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, nhận định.

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam thành lập từ năm 2008, với sứ mệnh bảo tồn và phát huy giá trị di sản vật thể và phi vật thể của các nhà khoa học Việt Nam.

Ngoài lưu giữ những tư liệu, hiện vật liên quan đến lịch sử cuộc đời của các nhà khoa học; trung tâm cũng tổ chức trưng bày giới thiệu về các nhà khoa học cũng như lịch sử các ngành khoa học ở nước ta.

Trung tâm hiện lưu trữ trên 50 vạn tư liệu nhiều loại hình của hơn 1.000 nhà khoa học.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên