14/04/2017 01:07 GMT+7

Khi tài tử đờn, tài tử ca được trẻ hóa...

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần 2 đã khép lại. Vẫn còn những mong đợi để festival lần 3 sẽ tốt hơn nhưng đáng mừng là từ festival này đã thấy xuất hiện một lớp tài tử ca, tài tử đờn trẻ cho tương lai...

Bé Bảo An - tài tử ca nhí nhỏ tuổi nhất cuộc thi (6 tuổi, đội ĐCTT tỉnh Kiên Giang) - trình diễn tiết mục Hào khí Nguyễn Trung Trực trong Hội thi nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ lần 2 - Ảnh: NGUYỄN LỘC
Bé Bảo An - tài tử ca nhí nhỏ tuổi nhất cuộc thi (6 tuổi, đội ĐCTT tỉnh Kiên Giang) - trình diễn tiết mục Hào khí Nguyễn Trung Trực trong Hội thi nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ lần 2 - Ảnh: NGUYỄN LỘC

Hội thi nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ trong khuôn khổ festival kéo dài từ ngày 9 đến 11-4 là hoạt động tập trung sự chú ý nhất của người trong giới với sự tham gia đầy đủ của 21 câu lạc bộ đờn ca tài tử từ các tỉnh thành Đông, Tây Nam Bộ.

Bỏ công việc, từ TP.HCM đến Bình Dương để xem tất cả các đội thi thố, soạn giả Đăng Minh thích thú: “Nghe dòng nhạc này tôi có cảm giác cái đầu mình dường như trẻ ra, chẳng hạn bài Nam xuân tôi viết thấy phơi phới hơn lúc trước.

Mấy năm nay có nhiều em trẻ hát hay quá. Như trong hội thi này, em Hoài Thương (đội Bạc Liêu) hát bài Phụng hoàng lai nghi nghe nhức nhối. Nhiều nghệ sĩ cải lương trẻ vậy chứ nghệ thuật ca không thể sánh bằng các em này đâu!”.

Cùng đồng điệu với soạn giả Đăng Minh, nhà giáo ưu tú Diệu Đức - nguyên trưởng khoa kịch hát dân tộc Trường ĐH Sân khấu điện ảnh TP.HCM, thành viên ban giám khảo - vui mừng:

“Qua các ngày chấm thi tôi thấy rất phấn khởi và cảm thấy dường như có thêm các tín hiệu tốt. Tài tử nhí cũng khá nhiều, có những bé như Bảo An của đội Kiên Giang chỉ mới 6 tuổi mà có thể ca được bài bản.

Các tài tử đờn, tài tử ca trẻ hóa và nhiều em thực sự có khả năng. Tôi mừng vì rõ ràng các bạn trẻ không thờ ơ với đờn ca tài tử...”.

Lâu nay, trụ cột của các dàn đờn ca tài tử thường chỉ được giao cho các tay đờn lão làng, cự phách nhưng trong hội thi này có khá nhiều tài tử đờn rất trẻ, độ chừng ngoài đôi mươi.

Như dàn đờn của tỉnh Kiên Giang gồm năm người thì có đến ba bạn trẻ, trong đó hai anh em Nguyễn Nghiệp (đờn kìm), Nguyễn Sự (đờn tranh) được đào tạo từ Nhạc viện TP.HCM.

Để phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử, yếu tố trẻ là rất quan trọng. Thạc sĩ Huỳnh Khải - trưởng khoa âm nhạc dân tộc Nhạc viện TP.HCM - khẳng định công tác phát triển đội ngũ kế thừa là rất cần thiết.

Nghệ nhân ưu tú Đặng Long, trưởng đoàn đờn ca tài tử tỉnh Bình Thuận, nói về sự chuẩn bị đội ngũ kế thừa của tỉnh nhà: “Bình Thuận không phải là cái nôi của đờn ca tài tử nhưng tụi tôi cũng có tới 40 CLB đờn ca tài tử.

Hiện chúng tôi đang đào tạo khoảng 10 cháu trong độ tuổi 9X cả tài tử đờn, tài tử ca và sẽ “khoe” với bạn bè đờn ca tài tử các tỉnh trong festival lần tới. Chúng tôi quyết tâm là trong festival lần 3, Bình Thuận sẽ là đội... U30!”.

Nhiều người chơi đờn ca tài tử đúng nghĩa chưa được tham gia

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Tấn - Đoàn nghệ thuật đờn ca tài tử TP.HCM - chia sẻ những băn khoăn để những lần festival sau sẽ hiệu quả hơn:

“Theo tôi, festival nên là cuộc chơi thực chất dành cho những người hoạt động trong lĩnh vực đờn ca tài tử. Có lẽ ban tổ chức e ngại phần kinh phí nên không có lời mời rộng khắp.

Mỗi tỉnh chỉ cử một số người đại diện, trong khi lực lượng các CLB đờn ca tài tử ở các quận, huyện rất đông. Người chơi đờn ca tài tử rất phóng khoáng, họ chơi vì yêu thích, có nhu cầu được hát ca chứ không tính toán gì nên chỉ cần có lời mời là họ sẽ tự đến.

Về hội thi đờn ca tài tử, có vẻ như một số đơn vị còn nặng tính thi thố, thành tích nên “lựa gà” là những người chuyên nghiệp, diễn viên, còn người chơi đờn ca tài tử đúng nghĩa thì không được tham gia.

Tôi mong mỏi hoạt động đờn ca tài tử được tạo điều kiện và quan tâm thực chất chứ không phải hình thức, không phải thi thố, thi đua...”.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên