Tin tức giả mạo: Đại chiến quy mô chưa từng có

HẢI MINH 25/03/2017 20:03 GMT+7

TTCT - Mạng xã hội đã khiến những tác hại của tin tức giả mạo lớn hơn bao giờ hết, và điều tất yếu kéo theo là một cuộc chiến ở quy mô tương đương.

Cuộc xâm lăng của tin tức giả mạo đang khiến báo chí chính thống điêu đứng -dailydot.com
Cuộc xâm lăng của tin tức giả mạo đang khiến báo chí chính thống điêu đứng -dailydot.com

Từ Đức tới Trung Quốc, từ Mỹ tới Ấn Độ, các trang tin tức chính thống, nhà chức trách, và chính các trang mạng xã hội - những tập đoàn công nghệ lớn, đang đau đầu với cuộc chiến du kích và cực kỳ khó kiểm soát của "con rắn nhiều đầu" tin tức giả mạo.

Ở khắp nơi

Giữa tháng 3, Bộ Tư pháp Đức trình một dự luật lên Quốc hội trong đó có điều khoản phạt tới 50 triệu euro (53,8 triệu USD) với các công ty mạng xã hội chậm chạp trong việc dỡ bỏ những nội dung bất hợp pháp.

Spiegel dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas nói nhà chức trách nước này thấy rằng nỗ lực từ các công ty công nghệ - mạng xã hội trong xử lý tin tức giả mạo, kích động hận thù và bôi nhọ là chưa đủ.

Dự luật yêu cầu các trang mạng xã hội phải có đường dây nóng 24/24 giờ để xóa những nội dung bị báo cáo trong vòng 7 ngày.

Ông Maas công nhận rằng các công ty như Twitter và Facebook đang làm tốt hơn trong việc xử lý tin tức giả mạo và nội dung bất hợp pháp, nhưng “chặng đường phía trước vẫn còn rất dài”.

Ông công bố dữ liệu cụ thể là Twitter chỉ xóa 1% những bài đăng kích động hận thù theo thông báo của người dùng, và với Facebook là 39%.

“Như thế là không đủ” - ông Maas nói. Ông Maas khẳng định luật cũng sẽ áp dụng với các tin tức giả mạo nếu chúng bị coi là bôi nhọ, phỉ báng hay sỉ nhục người khác.

Sự phân biệt chủng tộc và kích động hận thù - luôn đi kèm với tin tức giả mạo - đã trở nên phổ biến trên mạng xã hội Đức sau khi nước này áp dụng chính sách mở cửa với người nhập cư.

Dự luật đòi hỏi các mạng xã hội phải có nhân viên toàn thời gian, theo dõi liên tục các báo cáo và có người cụ thể chịu trách nhiệm xử lý báo cáo từ người dùng.

Ví dụ thường được nhắc tới nhất là vụ việc đầu năm 2016. Trên mạng xã hội bỗng xuất hiện tin tức về một bé gái người Nga 13 tuổi sống ở Đức, tên là Lisa F, bị cưỡng hiếp tập thể ở Berlin bởi những người tị nạn từ Trung Đông.

Câu chuyện được nhiều hãng tin chính thống Nga và Đức đăng lại. Nhưng hóa ra đó hoàn toàn là tin tức giả mạo. Cảnh sát trưởng Berlin và văn phòng công tố thành phố đã nhanh chóng đính chính, nói cô bé đã ở chơi nhà một người bạn 30 giờ, và kiểm tra pháp y cho thấy bé không hề bị cưỡng hiếp.

Nhưng đã quá muộn. Tin tức lan rất nhanh trên mạng xã hội, hàng trăm người xuống đường “đòi công lý”, bao gồm những nhóm cực hữu và chống người Hồi giáo.

Vụ việc thêm trầm trọng trong bối cảnh quan hệ Nga - Đức đang căng thẳng vì vấn đề Ukraine và các lệnh trừng phạt. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đăng đàn cáo buộc Thủ tướng Đức Angela Merkel và chính phủ của bà “tìm cách cho chìm xuồng vụ việc”.

Đáp lại, trong một cuộc phỏng vấn với Spiegel, Hans-Georg Maaßen - giám đốc BfV, cơ quan an ninh nội địa Đức - cáo buộc đây là “một thủ đoạn kiểu KGB” của Nga nhằm tấn công chính quyền bà Merkel thông qua gieo rắc thông tin sai lạc.

Phát biểu trước Quốc hội Đức cuối năm 2016, bà Merkel nhắc lại vụ việc và nói: “Ngày nay chúng ta có các trang giả mạo, những con botnet chuyên gieo rắc tin đồn thất thiệt, và những cỗ máy tin giả - chúng là các vòng lặp tự thân tự củng cố qua các thuật toán, chúng ta phải học cách đối phó”.

Thời buổi này, tin tức giả mạo là muôn hình vạn trạng. Ở Ấn Độ, sau khi thủ tướng nước này công bố ra mắt tờ giấy bạc 2.000 rupee vào tháng 11-2016, các điện thoại di động có cài WhatsApp đều đã nhận được một tin nhắn cảnh báo nói tờ giấy bạc mới có gắn chip theo dõi người sở hữu, thậm chí là ở độ sâu 120m dưới lòng đất!

Dù sau đó Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã bác bỏ tin đồn nhảm, nó đã lan đủ nhanh tới hơn 50 triệu người dùng WhatsApp và len cả vào các bản tin chính thống.

“Truyền thông chính thống ở Ấn Độ dễ bị ảnh hưởng hơn bởi hiện tượng tin tức giả mạo vì họ có thói quen đưa tin mà không kiểm chứng - Prabhakar Kumar của Công ty nghiên cứu truyền thông Ấn Độ CMS bình luận - Chưa có chính sách về tiêu chuẩn cho tin tức truyền hình và báo chí khi tìm hiểu và xuất bản các câu chuyện”.

 
 

 Hình thức và nội dung mới

Xu hướng tin tức giả mạo của thời đại kỹ thuật số rất khác với tuyên truyền do nhà nước kiểm soát hay tin tức lặt vặt trên báo khổ nhỏ kiểu thế kỷ 20.

Điều chúng ta đang chứng kiến là những nhóm người nhỏ có hiểu biết về công nghệ tận dụng tương tác mạng xã hội và các thuật toán để tạo ra các câu chuyện bị bóp méo cứ chồng chất lên nhau và tự nó nuôi dưỡng nó.

Tuyên truyền chính trị kiểu cũ và tin tức giả mạo thời Internet quả có những điểm chung: bóp méo sự thật thông qua đánh vào cảm xúc, và từ đó kích động hành động, nhưng trước Internet và mạng xã hội, việc có thể kiếm tiền từ tin tức giả mạo là không thể vì ba lý do:

(1) chi phí phát tán tin tức là quá lớn.

(2) xây dựng lực lượng độc giả đủ rộng trước kia lâu hơn nhiều, và xuất bản tin tức giả mạo sẽ hủy hoại danh tiếng của một hãng truyền thông ngay lập tức.

(3) pháp luật ngặt nghèo với tin tức giả mạo trên truyền thông chính thống và chủ lưu - các hãng tin lớn sẽ đối mặt những vụ kiện cực kỳ tốn kém và tai hại nếu tin tức của họ không chính xác.

Cả ba rào cản đó đã bị gỡ bỏ hầu như hoàn toàn vào khoảng năm 2007, cùng với cuộc cách mạng xã hội. Chi phí phát tán tin tức giờ hầu như bằng không. Bởi chi phí là quá thấp, danh tiếng và uy tín dài hạn cũng không còn quan trọng.

Những kẻ phát tán tin giả đơn giản lập một trang khác, một tài khoản khác, nếu như tính khả tín của một trang nào đó bị chứng minh là quá thấp. Về pháp luật, nhà chức trách - và ngay cả các hãng công nghệ - cũng đang loay hoay chưa biết đối phó ra sao.

Nguy hiểm hơn, một thế hệ trẻ hiện lớn lên cùng mạng xã hội, coi Facebook là một phần hữu cơ của đời sống, và rất nhiều người trong số đó không phân biệt được đâu là tin tức giả mạo.

Một nghiên cứu tháng 11-2016 của khoa sau đại học về nghiên cứu giáo dục Đại học Stanford, đã tổng hợp thông tin từ 7.800 mẫu phản hồi ở các trường cấp II, cấp III và đại học tại 12 bang của Mỹ về khả năng đánh giá nguồn tin của các học sinh - sinh viên.

Những nhà nghiên cứu thấy “sốc” bởi “sự thiếu năng lực của những người tham gia nghiên cứu trong việc phân biệt thông tin ngay cả ở mức độ cơ bản nhất, như phân biệt đâu là quảng cáo, đâu là bài báo”.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng vấn đề không phải ở trình độ của người đọc, mà ở chỗ các trang tin giả mạo đang ngày càng khéo léo trong việc tạo ra sự xác thực cho những gì họ đăng tải.

Nguyên do đầu tiên của việc tin tức giả mạo lan truyền là vấn đề kinh tế. Các trang này là mô hình kinh doanh hấp dẫn, nhất là ở các nước đang phát triển.

Chỉ vài trăm đôla và một chút kiến thức công nghệ, người làm tin giả có thể hi vọng kiếm được không ít tiền từ quảng cáo. Điều đó giải thích tại sao hơn 100 trang web chính trị được lập ra trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ là từ thị trấn nhỏ xíu của Macedonia, Veles.

Trong khi hầu hết các trang không kiếm được tiền, những trang nào thành công sẽ đủ bù đắp cho mọi chi phí và mang về một khoản khấm khá cho những kẻ lan truyền tin tức thất thiệt. Các hãng quảng cáo lớn đơn giản là chỉ quan tâm tới lượng xem, chia sẻ, “thích”..., chứ không có đủ thời gian kiểm chứng tin tức từ mọi tài khoản trên mạng.

Nguyên do thứ hai là mạng xã hội giúp sự lan truyền tin tức gần như là tự động, các thuật toán còn có khuynh hướng củng cố lòng tin sẵn có của người dùng, tức chọn đăng những nội dung gần với sở thích, khuynh hướng chính trị, quan điểm sống... của họ.

Người dùng, trong bối cảnh đó, có xu hướng nguy hiểm đi tìm những điều họ muốn tin, và tin vào những điều đó, dù chúng đúng hay sai.

Cuối cùng, không thể loại trừ - dù rất khó chứng minh - sự lan truyền của tin tức giả mạo như một hình thức mới của tuyên truyền nhà nước kiểu cũ.

Thích nghi với thay đổi công nghệ, các quốc gia - tổ chức cũng sẽ phải tận dụng mạng xã hội theo cách của riêng họ, đó là chưa kể các tổ chức tình báo nhà nước rất ít khi nào để lại dấu vết.

Trong cuộc chiến khắp nơi khắp chốn và từng ngày từng giờ đó, các hãng công nghệ tiên phong và khổng lồ như Facebook và Google đang nỗ lực không ít.

Chịu sức ép từ chính quyền và công luận, họ cũng muốn gây sức ép lên các thương hiệu vẫn đăng quảng cáo trên những trang - tài khoản giả mạo, vốn là nguồn sống chính cho tin tức giả mạo. Nếu mô hình kinh doanh tin tức giả mạo ít hấp dẫn hơn, có thể tin rằng ngành kinh doanh này sẽ phải nhường chỗ cho những người làm tin tử tế.

Sự minh bạch hơn nữa từ phía chính quyền và việc củng cố lại tự do báo chí cũng như độ xác tín của truyền thông chính thống - chủ lưu là vấn đề thứ hai.

Xác định tin tức giả mạo là một chuyện, nhưng cung cấp tin tức chính xác, có thể kiểm chứng và minh bạch cho đại chúng - nhất là trên các nền tảng mạng xã hội - mới là điều có ý nghĩa quyết định trong dài hạn.

5 loại tin tức giả mạo

1. Cố tình lừa gạt. Đây hoàn toàn là những tin tức dựng đứng để đánh lừa người đọc. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 đầy những tin tức kiểu này.

2. Những trang châm biếm. Các trang châm biếm như Onion hay Daily Mash có thể bị hiểu lầm là đưa tin nghiêm túc. Lấy ví dụ, một bản tin trên Daily Mash ngày 26-1-2017 có tựa đề: “Trump đã bấm nút hạt nhân giả được CIA giao hàng chục lần”.

3. Lừa đảo quy mô lớn. Các tin tức sai lạc được các hãng tin có uy tín đăng lại vì nghĩ đó là việc tốt. Một ví dụ là câu chuyện gần đây về việc người sáng lập hãng tin Corona biến mọi người dân ở ngôi làng quê ông thành triệu phú trong di chúc của ông.

4. Dữ kiện có chọn lọc. Các dữ kiện có thật, nhưng không đầy đủ, được lọc ra để giật một cái tít gây tiếng vang, thường gặp trong các bài PR hoặc chuyện dinh dưỡng, khoa học sức khỏe, với mô hình “loại thực phẩm chống ung thư mà các hãng dược không muốn bạn biết”.

5. Thiên vị. Trong những vấn đề như ý thức hệ hay tranh chấp lãnh thổ, thường khó xác định đâu là “sự thật”, và người đưa tin hoặc có ý thức, hoặc vô thức, có thể thiên vị một trong các bên đang tranh cãi.

(Theo Deception Detection for News, Đại học Western Ontario)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận