12/03/2017 09:58 GMT+7

Ca sĩ 'Nỗi buồn gác trọ' về Việt Nam hát làm từ thiện

QUỲNH NGUYỄN thực hiện
QUỲNH NGUYỄN thực hiện

TTO - Ở tuổi 71, “nhạn trắng Gò Công” Phương Dung là một trong những giám khảo nhiệt tình, thông tuệ với nhiều góp ý thẳng thắn, chân tình trong các chương trình ca nhạc truyền hình hiện nay.

“Nhạn trắng Gò Công” Phương Dung - Ảnh: GIA TIẾN
“Nhạn trắng Gò Công” Phương Dung - Ảnh: GIA TIẾN

Là giọng ca thần tượng của dòng nhạc quê hương từ những năm 1960, đến nay danh ca Phương Dung lại càng được yêu mến nhiều hơn trong vai trò giám khảo các cuộc ca hát truyền hình.

Bà nói: “Nhận lời làm giám khảo một cuộc thi, tôi đắn đo ghê lắm. Tôi suy nghĩ mình nhận lời rồi thì mình sẽ nói gì, làm gì? Ban tổ chức cần mình vào vị trí này vì sao? Và quan trọng hơn hết là mình muốn gì khi ngồi vào đây”.

May mà có được ông thầy khó tính!

* Vậy, bà thấy là mình muốn gì?

- Tôi nhận lời chỉ vì một lý do thôi: mong muốn được nghe và thấy dòng nhạc trữ tình quê hương tỏa sáng đẹp đẽ trên sân khấu, mong được góp phần giúp cho dòng nhạc này được sống dài, sống lâu trong lòng người hâm mộ. Vậy nên trên “ghế nóng” tôi luôn chuẩn bị kỹ càng những gì mình cần chia sẻ.

Nói sao cho thấu tình đạt lý, cho mọi người hiểu tâm cang mình mà họ không bị tổn thương. Tôi cũng hay đưa vào những câu hỏi, câu đố với mục đích khuyến khích và kích thích sự tò mò, tìm hiểu và sáng tạo khi hát nơi các em.

Mỗi khi đi hát, hễ nghe ai hát bài Hàn Mạc Tử, tôi hay hỏi vì sao trăng đẹp vậy mà ông Hàn Mạc Tử lại đòi bán? Sao ổng đòi bán trăng mà không bán thứ gì khác? Ca sĩ mà, khi hát ít nhất phải hiểu tác giả, hoàn cảnh sáng tác, ra đời của ca khúc mới hát ra cái hồn của ca khúc đó được.

* Nhưng bây giờ nhiều ca khúc lời lẽ cũng chẳng có gì để phải tò mò vì ra đời từ chính sự đặt hàng của ca sĩ. Vậy nên ca sĩ cứ thế mà hát, chẳng cần tìm tòi...

- Đúng là lời hát như “Không yêu anh đừng nói sốc hông...” thì có gì để tìm hiểu? (cười). Mà cũng chính vì vậy nhiều ca khúc bây giờ không thể tồn tại lâu. Với tôi, âm nhạc phải có chất văn học, thơ ca thì mới đi vào lòng người, mới sống mãi được.

Đó cũng là lý do vì sao tôi luôn để ý đến từng câu, từng chữ trong tiết mục biểu diễn của các em. Không phải tôi thích bắt bẻ đâu, mà vì có những bài chỉ cần sai một chữ là mất hết ý nghĩa giá trị của bài hát. Mà sai thì có nhiều kiểu sai lắm: đổi hẳn từ ngữ của bài, hát không tròn vành rõ chữ, hát ngọng...

Tôi không câu nệ khi người miền Tây nói không “gõ gàng” (rõ ràng). Nhưng mà hát “Anh đi gừng (rừng) chưa thay lá...” là tôi cho rớt luôn. Hay người miền Bắc cứ hát “Mười năm không gặp tưởng tình đã nỡ (lỡ)”, khán giả cười cái rần là thí sinh tự giác đi xuống thôi.

* Làm giám khảo, còn có điều gì bà muốn truyền gửi đến thí sinh của mình?

- Tôi hay nghe người ta kháo với nhau rằng hát hay, làm ca sĩ thì cần gì đi học. Bậy quá! Nghề nào cũng phải học, học đến hết cuộc đời mới đạt được cái đẹp của nghề nghiệp. 11 tuổi tôi tham gia cuộc tuyển lựa ca sĩ của Đài phát thanh Sài Gòn. Khi đó cậu của cô bạn học hay đàn cho chúng tôi hát chơi.

Nhưng khi tôi xin ông dạy tôi một cách nghiêm túc để đi hát thì ông không đồng ý. Ông nói điều cần nhất của tôi khi đó là học chữ chứ không phải học hát. Mê hát quá, tôi vừa cố gắng học tốt vừa đi theo năn nỉ đến gần ba năm ông mới chịu dạy tôi. May mà tôi có được ông thầy khó tính!

Và tôi không chỉ được học thanh nhạc, mà còn được dạy cách thu thập những thông tin hữu ích để thể hiện tốt nhất ca khúc mình tính hát, được dạy cách nghiên cứu một ca khúc để có những sáng tạo cho riêng mình.

Cho nên dù là người miền Tây nhưng với dòng nhạc trữ tình quê hương, tôi vẫn tìm hiểu đủ dân ca ba miền, học cả lối hát quan họ, hò mái đẩy, ngâm thơ... Tôi luôn tin trong nghề nghiệp cứ hãy đi thẳng một đường, đừng ham hố vội vã chứng tỏ ta đây đa tài, đa nghề thì sẽ có thành tựu. Muốn sống mãi với nghề, ngoài may mắn thì phải hội đủ tâm, tài, tuệ, tình.

Tặng cơm cho người thiếu cơm ăn

* Người hâm mộ đang thấy một ca sĩ Phương Dung rất năng nổ với công việc xã hội. Được biết suốt tám năm qua, bà đã dành gần trọn số tiền đi hát hằng tháng để nuôi một quán cơm?

- Thời tôi, theo nghề hát hay bị phản đối lắm. Nhưng tôi may mắn không bị cha mẹ phản đối gì. Cha tôi chỉ nói đi hát mà nổi tiếng thì quý, nhưng song song đó phải có cái đức đi kèm càng quý hơn.

Câu nói đó đã đi vào tâm khảm của tôi. Cái may mắn lớn nhất trong nghề hát của tôi chính là có được những khán giả luôn tin tưởng và đồng hành với mình trong mọi hoàn cảnh, chứ không chỉ khi tôi đứng trên sân khấu.

Mỗi lần tôi từ Mỹ hay Úc về lại Việt Nam thì lúc nào cũng ít nhất là 18 thùng đồ (nữ danh ca chỉ vào những thùng giấy chất đầy căn hộ chung cư mà bà đang thuê gần sân Thống Nhất, Q.5, TP.HCM). Quần áo, thuốc men, các nhu yếu phẩm cho những mảnh đời khó khăn tôi nhận hết và trao tận tay những người cần.

Cuộc đời tôi có thể cho là viên mãn nên tôi luôn tâm niệm làm được gì cho đời thì mình làm. Duyên đến đâu mình nhận đến đó. Duyên cho tôi gặp những người bạn giàu lòng nhân ái để chúng tôi cùng nhau chữa mắt, xây nhà cho người nghèo, xây trường học...

Rồi duyên cũng cho tôi gặp một cô bạn cùng tôi mở quán cơm chay ở quận Gò Vấp cho những người không may thiếu cơm ăn. 4, 5h sáng là tôi dậy, ra chợ đầu mối mua nguyên liệu về chế biến để kịp phát cho mọi người.

Tuy không kinh doanh nhưng tôi cũng phải đối mặt với tiền mặt bằng, tiền thuê nhân viên nấu nướng, dọn dẹp, chùi rửa chén bát, đối mặt với giá cả ngày càng tăng và những vấn đề như an toàn vệ sinh thực phẩm...

* Vậy nên bà đã quyết đầu tư ruộng vườn để theo đuổi công việc thiện nguyện này?

- Được một thời gian, tôi nghĩ mình phải thay đổi mô hình hoạt động. Thay vì mở cửa cho bà con vô ăn, tôi cho nấu, vô hộp rồi phát cho mọi người mang về, mỗi ngày cũng gần 200 phần. Cách này vừa đỡ chi phí mặt bằng, đỡ chi phí cho người chùi rửa, quét dọn mà còn dành tiền làm thêm được nhiều phần cơm nữa để phát cho các bệnh viện khi tôi có thời gian.

Sáng nào cũng ra chợ đầu mối, tôi sợ mình không đảm bảo được sức khỏe, lại thêm nỗi lo rau bẩn nên quyết định mua luôn mấy mẫu đất ở Bến Tre để trồng rau sạch, trái cây nấu phát cho mọi người. Bây giờ vườn nhà tôi cứ cách ngày là chở rau trái lên, đủ để làm đồ ăn mặn và tráng miệng mà không cần phải mua thêm từ chợ bên ngoài.

* Là một trong những ca sĩ tiền bối đắt sô nhất hiện nay, bà có thể chia sẻ bí quyết giữ gìn sức khỏe của mình để vừa đảm bảo được việc ca hát, vừa làm việc từ thiện miệt mài như vậy không?

- Tôi ngủ sớm, nếu ngày nào không đi hát là 8, 9h tối đã ngủ. Từ xưa tôi đã ý thức mình con đông (sáu trai, hai gái) nên không cờ bạc, rượu chè, tụ tập bạn bè gì. Tôi ăn uống rất thanh đạm, chỉ ăn đồ tươi. Và những chuyến đi từ thiện cũng đã mang đến cho tôi rất nhiều niềm vui trong cuộc sống.

Danh ca Phương Dung xuống bếp tự tay thực hiện các bữa chay từ thiện cho người nghèo - Ảnh: D.L.DUY
Danh ca Phương Dung xuống bếp tự tay thực hiện các bữa chay từ thiện cho người nghèo - Ảnh: D.L.DUY

Danh ca Phương Dung, sinh năm 1946 tại Gò Công, năm 1962 bắt đầu nổi danh với Nỗi buồn gác trọ, Những đồi hoa sim, Tạ từ trong đêm, Sương lạnh chiều đông, Đố ai... Cùng với ca sĩ Hoàng Oanh, Phương Dung là một trong những ca sĩ hiếm hoi có đến 300 album đĩa than. Năm 1974, thi sĩ Hà Huy Hà (Kiên Giang) đã dành tặng cho ca sĩ Phương Dung mỹ danh “nhạn trắng Gò Công”.

Bà tâm sự: “Mẹ tôi rất thích tôi mặc áo dài trắng khi đi hát vì trông giống như một cô học trò ngây thơ, thích ca hát hơn là một ca sĩ. Còn quê tôi ở Gò Công, nơi có rất nhiều chim nhạn bay nên hình ảnh “nhạn trắng” là sự kết hợp giữa chim nhạn Gò Công và áo dài trắng. Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi biệt danh gắn liền với cuộc đời ca hát xuất phát từ những hình ảnh thân thuộc của quê hương”.

QUỲNH NGUYỄN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên