26/02/2017 16:19 GMT+7

Thể loại hư cấu khoa học - màu mỡ cho cả sách và phim

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Với chủ đề Cái nhìn vào tương lai, chương trình Book talk sáng 26-2 xoay quanh dòng văn chương Sci-fi (khoa học giả tưởng) mở ra nhiều ý tưởng thú vị.

Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng đang giới thiệu tiểu thuyết Tam Thể - một điển hình của truyện Hard-sci-fi - Ảnh: L. Điền
Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng đang giới thiệu tiểu thuyết Tam Thể - một điển hình của truyện Hard-sci-fi - Ảnh: L. Điền

Diễn giả của Book talk lần này là nhà văn Phan Hồn Nhiên, nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng cùng MC Tuyết Anh và nhiều bạn đọc hâm mộ truyện Sci-fi lâu nay.

Phan Hồn Nhiên - nhà văn được biết đến với loạt truyện fantasie ăn khách trong những năm gần đây, cùng với Trần Tiễn Cao Đăng - dịch giả chuyển ngữ nhiều tác phẩm Sci-fi Anh ngữ, cùng chia sẻ với bạn đọc cách nhận diện dòng văn chương Sci-fi. Theo đó, Sci-fi được hiểu là truyện hư cấu khoa học, ở đó những tình tiết, sự kiện bất thường được lý giải dựa trên khoa học.

“Do vậy, Sci-fi trước hết là lý tính”, Trần Tiễn Cao Đăng minh định. Ông nói thêm: “Tôi vừa nhận ra dòng văn chương Sci-fi như kiểu giấc mơ, viết như trong mơ và có những cách giải quyết logic trong đó”. Còn Phan Hồn Nhiên cho rằng: Truyện Sci-fi viết khó hơn Fantasie, vấn đề là nhà văn làm sao để người đọc chấp nhận câu chuyện của mình.

Sci-fi không chỉ có sách văn chương, các phim Sci-fi chuyển thể từ truyện đang ngày càng thu hút công chúng. Từ góc độ chuyên môn, dịch giả Cao Đăng cho rằng nhà văn viết Sci-fi phải am tường kiến thức khoa học khi đề cập trong tác phẩm; và vì thế, bạn đọc tiếp nhận tác phẩm cũng cần có kiến thức nền cơ bản.

“Tôi vừa xem một phim hoạt hình Sci-fi, phải tìm hiểu kiến thức về sinh lý học thần kinh và cơ học lượng tử mới có thể hiểu hết phim. Cho nên, nếu nhà văn “khiến cho” người đọc phải tìm hiểu kiến thức khoa học nào đó rồi mới đọc được sách của mình, thì đó là thành công về khả năng thu hút của tác phẩm”, ông Cao Đăng nhận xét.

Tôi mong sẽ có một vệt sách Sci-fi của Việt Nam ra đời và được đón nhận như đã từng đón nhận Sci-fi nước ngoài.
Phan Hồn Nhiên

Nhiều bạn đọc nêu ý kiến trong thực tế có vẻ phim Sci-fi thu hút công chúng nhiều hơn cả sách truyện. Điều này được Phan Hồn Nhiên lý giải chính yếu tố bất ngờ đặc trưng của truyện đã khiến các nhà làm phim tìm đến truyện Sci-fi nhiều hơn. 

Bên cạnh đó là tính phổ cập của truyện Sci-fi với nội dung kiểu như từ vũ trụ nhìn về con người, phân tích tâm lý nhân vật, đưa ra những tầm nhìn xa hơn hiện tại... là những nội dung khai thác tốt cho phim.

Từ kinh nghiệm sáng tác Fantasie cho người Việt, Phan Hồn Nhiên cho rằng bạn đọc Việt Nam lâu nay tiếp nhận dòng truyện Sci-fi rất tốt. Tuy nhiên, các đơn vị xuất bản còn chưa hình dung ra sức sống nội sinh của truyện Sci-fi trong nước, cho nên chưa có những cú bắt tay giữa người viết và nhà xuất bản để thúc đẩy trào lưu Sci-fi Việt phát triển hơn. 

Dịch giả Cao Đăng cho rằng không nhất thiết phải là nhà khoa học mới viết tốt dòng truyện Sci-fi, mặc dù trong thực tế vẫn có những nhà khoa học nổi tiếng làm ra tác phẩm Sci-fi cũng nổi tiếng, điển hình như tiểu thuyết Tam thể của Lưu Từ Hân.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên