26/02/2017 15:15 GMT+7

Những 'nàng công chúa bí ẩn' của Khoa Lê

MINH TRANG
MINH TRANG

TTO - Sách tranh (gồm tranh vẽ minh họa và truyện kể) của nữ họa sĩ Khoa Lê có lẽ là một trong những trường hợp hiếm hoi của làng xuất bản khi tác phẩm của cô được xuất bản ở nước ngoài trước khi ra mắt tại Việt Nam.

Minh họa Khoa Lê thực hiện cho cuốn Lọ Lem đã được xuất bản tại Ý, sẽ có mặt tại Việt Nam tháng 3-2017
Minh họa Khoa Lê thực hiện cho cuốn Lọ Lem đã được xuất bản tại Ý, sẽ có mặt tại Việt Nam

Cuối năm 2016, Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng đã phải bỏ ra một chi phí tương đối để mua bản quyền cuốn picture book - art book Những nàng công chúa bí ẩn do Khoa Lê hợp tác cùng NXB Nuinui của Ý để in lại cuốn sách này tại Việt Nam. Sắp tới đây, cuốn sách tranh Lọ Lem của NXB Nuinui do Khoa Lê vẽ minh họa lại được Kim Đồng mua bản quyền để kịp có mặt trong Hội sách TP.HCM tháng 3 này.

Khoa Lê - Lê Thị Bích Khoa đang làm biên tập tại NXB Kim Đồng, cũng đã có nhiều sách đi ra từ “nhà mình” trước khi “bơi ra biển lớn”. Với Khoa Lê, câu chuyện ấy diễn ra thật tự nhiên...

Hành trình xuất bản sách ra quốc tế

Để sách của một họa sĩ học tập và sinh sống trong nước như Khoa Lê được các NXB lớn của Ý, Pháp, sắp tới sẽ là Tây Ban Nha, Phần Lan chào đón là một hành trình rất dài. Tuy nhiên, trước khi dành tất cả tâm sức của mình cho mỹ thuật, Khoa Lê từng là sinh viên ngành Nhật Bản, khoa Đông phương của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM.

“Học dở dang được 2 năm rưỡi thì tôi bỏ. Có lẽ là tôi đã luôn thích vẽ, tất nhiên thích cả viết nữa. Nhưng đến thời điểm đó đam mê hội họa trong tôi lớn quá rồi. Ngay trong năm đó, tôi luyện thi rồi đậu vào ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Năm năm học ở đây thực sự tôi giống như cá về với nước vậy”.

Và giờ đây, khi nhìn lại những chọn lựa bồng bột ấy của tuổi trẻ, Khoa Lê nói không hề tiếc nuối điều gì. “Nếu như không từng được học về ngôn ngữ, tôi đã chẳng thể viết ra được câu chuyện của chính mình. Không có ngôn ngữ tôi cũng không thể bước ra thế giới. Lợi thế của một họa sĩ có thể tự kể câu chuyện của riêng mình là rất lớn. Đôi khi chỉ vừa viết xong, hình ảnh của cả câu chuyện ấy đã được vẽ xong trong đầu”.

Năm 2006, khi việc du lịch nước ngoài vẫn còn là một khái niệm xa xỉ với những người trẻ, khi mạng xã hội chỉ dừng lại ở Yahoo, Blog 360..., Khoa Lê đã tự mình tìm hiểu và gom góp tiền cho một chuyến đi bụi cả tháng trời ở Pháp - kinh đô của sách art book từ khắp nơi trên thế giới đổ về.

Chuyến đi với bánh mì kẹp mua ở siêu thị, những buổi tối ngủ nhờ trong căn hầm của một người quen, “quà” mang về Việt Nam là một vali đầy sách mỹ thuật, truyện tranh. Mùi giấy in thơm nức, trắng phau với màu sắc trung thực đến động lòng người khiến Khoa Lê mê mẩn và ước ao: Mình sẽ in những cuốn sách đẹp đẽ và thú vị như thế!

Từ năm 2009, Khoa Lê tích cực nhận các dự án từ vẽ minh họa truyện, tham gia các cuộc thi trong và ngoài nước, chịu khó cập nhật về công việc, sản phẩm và các tác phẩm của mình lên các trang artwork lớn (Khoa Lê đã có hai trang artwork riêng) để các nhà xuất bản tiềm năng nắm rõ điểm mạnh, phong cách vẽ, từ đó chủ động liên hệ với họa sĩ cho các dự án phù hợp.

“Nói cách khác, trước khi muốn bước ra quốc tế, bạn cần có quá trình làm việc ấn tượng trong nước. Điều này vừa là để học hỏi, va chạm, tự làm đầy đặn kho tác phẩm của mình, vừa là để “thuần hóa” cái tôi của một người nghệ sĩ. Điều bạn sẽ cảm thấy rất cần khi hợp tác với các NXB nước ngoài” - Khoa Lê chia sẻ.

Cũng theo Khoa Lê, số tiền chị nhận được từ việc bán bản quyền sách cho các NXB quốc tế không cao so với mức một họa sĩ nước ngoài kiếm được, tuy nhiên là khá cao tại châu Á. Và trên cả, từ đây chị có được sự tự tin để “bình tĩnh” hơn trước những lời mời mọc hấp dẫn.

Bìa sách Những nàng công chúa bí ẩn bản in ở Việt Nam năm 2016
Bìa sách Những nàng công chúa bí ẩn bản in ở Việt Nam năm 2016

Những “nàng công chúa” trong Khoa

“Một kẻ mơ mộng, tín đồ du lịch, một người vẽ tranh cùng... những chú mèo” - Khoa Lê viết đơn giản mà súc tích về mình như thế trên trang cá nhân của chị.

Quả thật, dù đã là người phụ nữ của gia đình, làm việc trong giới mỹ thuật hơn chục năm qua thì một phần tâm trí của chị vẫn nhất định không chịu... lớn. “Sự lãng mạn cứ như một món quà tôi được tặng. Cho dù cuộc sống có rất nhiều điều kém vui, ngoài xã hội thì đầy rẫy những chuyện làm mình mất hứng... Nhưng khi vẽ là lúc trí tưởng tượng của bạn được bay xa, vậy tại sao lại nhốt mình trong hiện thực?”.

Vậy là, các nàng công chúa của Khoa Lê lần lượt thành hình và “bung nở” qua những nét vẽ digital art tỉ mỉ, qua cách đi màu rực rỡ, hút mắt và đầy chăm chút của một người cầm bút nhiều mơ mộng. Thế nhưng ngay cả khi gọi thể loại tranh của mình là picture for children - tranh cho trẻ nhỏ, Khoa Lê vẫn tủm tỉm cười: “Thực ra không hoàn toàn trẻ con đâu”.

Bởi cũng những nét vẽ đặc trưng và bay bổng ấy, lại có một Khoa Lê hoàn toàn khác lạ, một “nàng công chúa thứ 6” bí ẩn như nhân vật trong cuốn Những nàng công chúa bí ẩn luôn tồn tại trong chị, khi chị được vẽ những tác phẩm hội họa dành cho chính mình.

Trong suốt khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2016, mỗi năm Khoa Lê đều đặn được mời tham gia triển lãm tranh tại các triển lãm uy tín trong khu vực như Art Expo tại Malaysia, Asia Contemporary Art Show tại Hong Kong, AFCC Illustration tại Singapore năm 2012, Epicase 4th Showcase tại Hàn Quốc năm 2013, các triển lãm cá nhân tại Craig Thomas Gallery năm 2016... Ở đó, cho dù chẳng hề có vương miện trên tóc, dưới chân là gai nhọn thì những nàng công chúa ấy vẫn hiện lên đầy khí chất như một phần tính cách của người cầm bút đã thổi hồn vào tranh.

Xa rời thực tại bằng những câu chuyện lấp lánh sắc màu cổ tích, nhưng ấp ủ của Khoa Lê ở thì tương lai sẽ là câu chuyện kỳ thú diễn ra trong một không gian văn hóa đậm chất Việt Nam - văn hóa miền biển.

Khoa Lê cười: “Đây mới là ý tưởng lớn và chắc sẽ còn mất rất nhiều thời gian để hoàn thành nên tôi chưa thể nói trước. Dự án này tôi làm cho chính mình nên cứ để nó diễn ra tự nhiên...”.

Chân dung nữ họa sĩ Khoa Lê - Ảnh: NVCC
Chân dung nữ họa sĩ Khoa Lê - Ảnh: NVCC

Từ năm 2013 đến nay, Khoa Lê đã hợp tác với NXB Nuinui của Ý ra mắt khoảng sáu đầu sách theo thể loại picture book do chính cô vẽ và viết truyện, chưa kể những dự án minh họa truyện tranh. Ngoài Những nàng công chúa bí ẩn ra mắt năm 2016 còn có Cậu bé dơ bẩn, Cậu bé tóc rối, Công chúa Tóc Mây, Bài hát ru các vì sao, Gấu Bắc Cực cô đơn

Trong số này có nhiều cuốn Nuinui phải mua bản quyền lại từ NXB Kim Đồng - đơn vị phát hành trong nước các đầu sách của Khoa Lê - để phát hành tại nước ngoài.

Tại Việt Nam, Những nàng công chúa bí ẩn ra mắt với công nghệ in metallic sắc sảo, chất lượng đã ngay lập tức nhận được sự ủng hộ nhiệt tình không chỉ của những bậc phụ huynh mua cho con nhỏ mà còn của các bạn trẻ yêu sách art book. Riêng tại Ý, NXB Nuinui đã tái bản và phát hành cuốn sách ra nhiều thứ tiếng cho thị trường Pháp, Tây Ban Nha…

Họa sĩ Phan Vũ Linh, một trong những họa sĩ đầu tiên tại Việt Nam theo đuổi dòng digital art, nhận xét: “Tác phẩm của Khoa có nhiều cái hay trong đề tài cũng như cách thể hiện, nhưng cái tôi đánh giá cao nhất là cách Khoa sử dụng chất liệu digital. Đa số các họa sĩ digital cho ra tác phẩm đều thể hiện rõ đặc trưng của chất liệu với đủ ưu điểm lẫn nhược điểm của nó, điều đó đôi khi làm người xem mất tập trung vào tác phẩm mà bị các vấn đề của chất liệu chi phối. Riêng Khoa thì khác, xem tác phẩm của Khoa người ta quên mất hoặc không lưu tâm rằng nó được vẽ bằng máy hay chất liệu truyền thống, tất cả chỉ còn lại phần cốt lõi của tác phẩm là ý tưởng mà tác giả muốn truyền tải qua bức tranh”.

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên