10/02/2017 10:47 GMT+7

Lãng phí giá trị nghệ thuật, văn hóa thời Lý

NHẬT KHANG
NHẬT KHANG

TTO - "Văn hóa thời Lý tinh thần nổi bật là khoan dung, hòa hợp. Tuy nhiên trong đời sống đương đại ngày nay, tinh thần này đang bị thiếu; đặc biệt là trong đạo đức, lối sống".

Hình ảnh ngói úp nóc mái, gắn lá đề trang trí chim phượng, thời Lý (thế kỷ 11-12) khai quật tại Hoàng thành Thăng Long được dẫn chứng về đặc trưng nghệ thuật tại hội thảo - Ảnh:Vương Hà
Hình ảnh ngói úp nóc mái, gắn lá đề trang trí chim phượng, thời Lý (thế kỷ 11-12) khai quật tại Hoàng thành Thăng Long được dẫn chứng về đặc trưng nghệ thuật tại hội thảo - Ảnh:Vương Hà

Đó là ý kiến của GS.TSKH Vũ Minh Giang (Đại học Quốc gia Hà Nội) tại hội thảo khoa học quốc tế Nghệ thuật và văn hóa thời Lý ở Việt vừa khai mạc ngày 9-2 tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc, TP Bắc Ninh.

Trong phiên họp ngày đầu tiên, các đại biểu, học giả, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã đưa ra những cách tiếp cận mới trong nghiên cứu văn hóa nghệ thuật thời Lý, giới thiệu những phát hiện mới về khảo cổ, lịch sử, di sản văn hóa thời Lý, phân tích vai trò của Phật giáo đối với sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật thời kỳ này…

Trong báo cáo đề dẫn hội thảo, GS.TS Nguyễn Chí Bền - chủ tịch hội đồng khoa học và đào tạo, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam - đặt câu hỏi: “Nghiên cứu theo từng thành tố của văn hóa, nghệ thuật thời Lý chúng ta đã có nhiều thành công, đánh giá cao nhưng chưa có báo cáo nêu bật được những giá trị đặc trưng của văn hóa thời Lý. Đã 18 năm trôi qua, tình hình nghiên cứu của chúng ta liệu đã khắc phục được điểm yếu mà GS.TS Nguyễn Quang Ngọc từng nêu ra?”.

Đánh giá cao nghệ thuật gốm thời Lý, TS Kenson Kwok đến từ Bảo tàng Văn minh châu Á, Singapore nhận định: Nghệ thuật thời Lý hiện diện ở rất nhiều các công trình kiến trúc của các quốc gia châu Á.

Đặc biệt ở Indonesia, rất dễ bắt gặp các hoa văn thời Lý của Việt Nam ở các sản phẩm gốm, bình vôi, lộc bình… cho thấy sự sáng tạo của người thợ gốm Việt Nam rất tinh tế và có sức lan tỏa rộng.

Ở Singapore, những năm 1960, 1970 nhiều nhà sưu tập tư nhân đã có những bộ sưu tập gốm thời Lý của Việt Nam, sau này họ đưa vào các bảo tàng để trưng bày, triển lãm, góp phần quảng bá cho sản phẩm nghệ thuật Việt Nam; đồng thời tạo sự cân bằng của nghệ thuật gốm, xóa đi sự thống trị văn hóa gốm của Trung Quốc hay một số quốc gia khác từng có ở Singapore.

GS.TSKH Vũ Minh Giang nhấn mạnh cần phải có những nghiên cứu cụ thể, khoa học những di sản trong quá khứ bởi văn hóa, nghệ thuật thời Lý có vai trò rất quan trọng và phong phú nhưng hiện thời chúng ta đang lãng phí.

Hội thảo do Bộ VH-TT&DL, Đại học London (Vương quốc Anh), Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam và UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp tổ chức, sẽ tiếp tục diễn ra đến ngày 11-2.

NHẬT KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên