03/02/2017 11:15 GMT+7

Cần thay đổi nhận thức để lễ hội bớt 'xấu xí'

V.V.TUÂN - X.LONG - D.LIỄU - H.THANH
V.V.TUÂN - X.LONG - D.LIỄU - H.THANH

TTO - Mùng 6 tháng giêng, bốn lễ hội lớn thu hút hàng vạn du khách tham dự ở miền Bắc là lễ hội chùa Hương, lễ hội chùa Bái Đính, hội Gióng đền Sóc, lễ hội chém lợn đều đồng loạt khai hội.

Lực lượng công an ra sức bảo vệ lễ hội và ngăn các thanh niên tranh cướp lộc trên đường rước - Ảnh: Nam Trần

Năm nay, bên cạnh những cố gắng, nỗ lực của các đơn vị tổ chức, bộ mặt các lễ hội lớn đã phần nào tốt hơn, nhưng nhiều phần “xấu xí” khác của lễ hội từ bao năm qua vẫn còn đó.

Giẫm cỏ, trèo tường đi hội

Ngày khai hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), số lượng du khách tham dự chỉ khoảng 40.000 người, ít hơn những năm trước. Nhưng dù lượng khách giảm thì hiện tượng trèo tường, giẫm cỏ hoa giành đường vào khu vực khai hội vẫn tái diễn.

Mặc dù 9h sáng lễ khai hội mới chính thức bắt đầu, nhưng từ 8h30 khi lực lượng chức năng phân luồng đường hướng du khách đi vòng vào chùa Thiên Trù, không đi thẳng vào nơi tổ chức lễ khai hội, lập tức xuất hiện cảnh tượng du khách trèo tường, vượt rào “đi tắt” vào khu vực khai hội.

“Dù tôi thấy việc sờ tượng là hành động không đẹp vì các tượng Phật mòn và đen đi, nhưng do duy tâm nên vẫn làm theo... Theo tôi, cần có các biển chỉ dẫn hoặc có lực lượng an ninh nhắc nhở để người dân hiểu và nâng cao ý thức

Chị Nguyễn Thị Hiên (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định)

Ban tổ chức tăng cường lực lượng công an trấn giữ tại khu vực tường rào vào chùa Thiên Trù, nhưng cũng chỉ ngăn chặn được một phần du khách cố tình vượt tường rào vào nơi khai hội.

Nhiều du khách chỉ trực chờ lúc lực lượng công an lơi lỏng là vượt tường vào trong sân chùa. Những người khác tự “mở đường” băng qua vườn rau của nhà chùa. Một chiến sĩ công an chia sẻ có những lúc đã “bất lực” trước tình trạng này.

Sau lễ khai hội, khi các nhà sư chùa Hương bất ngờ phát lộc cho du khách, cả đám đông cùng chen lấn, xô đẩy tranh giành lộc.

Chen nhau tranh lộc, sờ tượng

Tình trạng tranh cướp lộc cũng xảy ra trong buổi sáng cùng ngày tại hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Sau khi làm lễ cung tiến lễ vật lên đức Phù Đổng Thiên Vương, đoàn rước giò hoa tre được nhiều thanh nhiên bảo vệ tiến về đền Trình “tất lễ tranh lộc”.

Tại sân đền Trình, khi đoàn rước vừa hạ giò hoa tre xuống, hàng trăm thanh niên đã cùng lao vào tranh lộc. Không khí tranh cướp kiệu trầu cau ở đền Hạ hội Gióng còn hỗn loạn, căng thẳng hơn. Người dân địa phương quan niệm nếu cướp được lộc trầu cau sẽ gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong việc lấy vợ, lấy chồng. Vì thế tham gia cướp lộc trầu cau đều là những thanh niên trai tráng địa phương.

Năm nay, dù không còn cảnh vung gậy ẩu đả, đánh nhau giữa những thanh niên bảo vệ lộc và người tranh cướp lộc, nhưng không khí khá hỗn loạn vì quá nhiều người cùng lao vào trong một không gian chật hẹp. Ai nấy đều cố gắng tìm mọi cách cướp được một nhánh trầu cau.

Ngày khai hội chùa Bái Đính (Ninh Bình), những hình ảnh xấu xí như sờ tay tượng Phật, đầu rùa, ném hoặc nhét tiền lẻ “hối lộ” thần thánh vẫn diễn ra như mọi năm. Có nhiều nguyên nhân khiến gương mặt lễ hội ngay đầu xuân vẫn còn “xấu xí”, nhưng quan trọng hơn cả là nhận thức của những người tham gia lễ hội chưa thay đổi.

“Bản thân tôi đi hội vẫn sờ tượng Phật dù có quy định không được phép sờ vào đó. Vì tôi thấy nhiều người làm vậy và không ảnh hưởng gì nhiều nên tôi làm theo. Mỗi người sờ tay, chân tượng Phật đều để cầu mong sức khỏe và may mắn. Còn nếu việc này không có ý nghĩa như người dân vẫn quan niệm thì cần có những nhà sư giảng giải để mọi người hiểu” - Nguyễn Thị Hà (18 tuổi, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) chia sẻ.

Mặc dù vẫn còn cảnh xô đẩy, tranh cướp lộc nhưng không còn tình trạng đánh nhau tại hội Gióng, Sóc Sơn, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Mặc dù vẫn còn cảnh xô đẩy, tranh cướp lộc nhưng không còn tình trạng đánh nhau tại hội Gióng, Sóc Sơn, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Mong lễ hội thật sự của dân

Theo ông Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương, nhận thức và ý thức của những người tham dự lễ hội là yếu tố quan trọng quyết định gương mặt của lễ hội dịp đầu xuân xấu hay đẹp.

“Một mùa lễ hội thành công cần có sự hợp tác tích cực từ du khách hành hương. Hợp tác từ việc giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự nơi công cộng đến chấp hành các quy định như không đốt vàng mã trong di tích, không tàn phá cảnh quan” - ông Hậu nói.

Còn với lễ hội Gióng, theo ông Nguyễn Nam Nho - giám đốc Trung tâm quản lý khu du lịch - di tích đền Sóc Sơn, một trong những yếu tố để không còn cảnh đánh nhau khi cướp lộc là năm nay ban tổ chức yêu cầu tất cả thanh niên tham gia hộ tống lễ vật không được mang bất kỳ vũ khí nào.

Hơn nữa, dù không gian lễ hội nhỏ nhưng trong buổi sáng khai hội đã có 300 thanh niên tình nguyện cùng 200 chiến sĩ công an túc trực kiểm soát tình hình, nhất là việc tranh cướp lộc.

“Từ những năm sau, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu để phần tranh lộc diễn ra theo hướng lễ hội ngày càng thật sự của dân hơn. Lực lượng an ninh trong lễ hội sẽ dần dần giảm đi. Khi ý thức của người dân ngày càng tốt hơn thì chúng tôi sẽ tiến tới tổ chức lễ hội chỉ còn những thanh niên bảo vệ vật tế, sau đó mọi người tự do tranh lộc” - ông Nho kỳ vọng.

Năm nay, khu phố Thượng (phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh) không tổ chức chém “ông ỉn” giữa sân đình, mà chỉ đâm son giết thịt bình thường như năm 2016.

Sau lễ rước hai “ông nghị” đi quanh làng Ném Thượng, ban tổ chức đưa về sân đình Lý Đoàn Thượng làm lễ cỗ ngọc tế thánh. Khu vực đâm son hai “ông nghị” được ban tổ chức che kín bạt.

Ông Nguyễn Đình Lợi - phó ban tổ chức Lễ hội đình khu phố Thượng - cho biết đây là năm thứ 17 tổ chức lễ hội và lý do đưa lợn vào khu vực kín đâm son, không chém như trước đây để hợp với văn hóa của VN cũng như thế giới.

Q.THẾ - C.TUỆ

V.V.TUÂN - X.LONG - D.LIỄU - H.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên