30/01/2017 09:49 GMT+7

Cầu Kho buổi giao thời và lớp cư dân mới

TS HỒ TƯỜNG
TS HỒ TƯỜNG

TTO - Sáng 17-2-1859, liên quân Pháp - Tây Ban Nha hạ thành Gia Định. Cùng với Bến Nghé "của tiền tan bọt nước", Cầu Kho đã thay đổi cả tên đất lẫn con người...

Cầu Kho và những cư dân của nó khoảng năm 1900 - Ảnh tư liệu

Dân Gia Định, đặc biệt cư dân khu vực Cầu Kho vùng ven thành Gia Định tan nhà nát cửa trong cơn binh lửa xâm lược…

“Từ Bến Thành trải qua chợ Sỏi, loài tanh hôi lang lệ biếtt bao nhiêu

Nơi Chợ Lớn sắp tới Cầu Kho, quân mọi rợ lẫy lừng quân mọi rợ lẫy lừng nên quá lắm…”

(Gia Định thất thủ vịnh - làm ngay sau khi liên quân Pháp - Tân Ban Nha hạ thành Gia Định)

Là cư dân Cầu Kho, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã cùng gia đình rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình chạy về sống tại quê vợ ở Thanh Ba (Cần Giuộc, Long An).

Nhà thơ vô cùng đau đớn trước thảm cảnh mà quân Pháp đã gây nên cho đồng bào, cũng như thất vọng trước thái độ của triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ:

“Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây, 

Một bàn cờ thế phút sa tay

(...) Bến Nghé của tiền tan bọt nước"

(Chạy Tây - Nguyễn Đình Chiểu)

Với hòa ước Nhâm Tuất 1862, ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ mất về tay Pháp. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình rời Thanh Ba (Cần Giuộc) về Ba Tri (Bến Tre): “Thà đui mà giữ đạo nhà!”.

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), sinh ra và lớn lên ở Cầu Kho - Ảnh tư liệu

Ấp, phố, xã... mới thay thôn làng xưa

Những thôn làng đất Gia Định được xác định từ thời vua Tự Đức mặc nhiên giải tán. Dân tản cư chạy giặc từ 1859 không trở lại nền nhà cũ.

Pháp cho chỉnh trang lại khu vực trung tâm gọi chính thức là Sài Gòn thay cho Bến Nghé; nhưng lúc này là khu vực quận 1 ngày nay, nhưng chỉ đến gần đường Nguyễn Thái Học.

Ngoài ranh này, phía tây là ngoại ô với hình thức làng xã mới lập, gồm những người tứ phương mới vừa qui tụ về.

Thoạt tiên chính quyền Pháp lúc ấy gọi vùng Cầu Kho là Nhơn Hòa ấp, Nhơn Hòa phố, đến cuối năm 1865 gọi Nhơn Hòa xã. Dấu ấn của đơn vị hành chánh mới này nay vẫn còn là ngôi đình mang tên Nhơn Hòa (27 Cô Giang, P. Cầu Ông Lãnh, Q.1, TP.HCM).

Đình Nhơn Hòa (27 Cô Giang, Q.1, TP.HCM) là ngôi đình của Nhơn Hòa xã lập khi Pháp mới vô - Ảnh: HỒ TƯỜNG

Phía bắc Nhơn Hòa giáp làng Thái Bình (tên mới gồm một phần làng Tân Triêm cũ). Chợ Thái Bình ngày nay nằm ngay trục lộ giao nhau của hai con đường: Phạm Ngũ Lão và Cống Quỳnh, thuộc phường Phạm Ngũ Lão là ngôi chợ của ngôi làng mới lập này.

Ăn vào Chợ Lớn là làng Tân Hòa tọa lạc ngay vùng đất Cầu Kho xưa, bao gồm vùng đất bao quanh bởi các con đường hiện nay là Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ, Hồ Hảo Hớn, Võ Văn Kiệt.

Đình làng Tân Hòa nay vẫn còn nhưng lại thuộc chủ quyền tư nhân, nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Văn Cừ, gần giao lộ với đường Nguyễn Trãi (P. Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM).

Qua khỏi làng Tân Hòa là vùng Chợ Quán với tên gọi là làng Nhơn Giang, do tên cũ Giang trạm Tân Lộc phường. Nơi đây vốn là khu chợ nhỏ với nhiều quán xá hình thành từ đầu thế kỷ 18, với một giáo xứ Chợ Quán lập từ trước đó, năm 1723…

Cư dân mới đất Cầu Kho

Trong bối cảnh của vùng đất vừa xảy ra cuộc chiến xâm lược của người Pháp, không phải người Việt nào cũng có thể tìm đất, cất nhà ở Cầu Kho được. Ngoài dân tứ xứ cắm dùi không chính thức ở đây còn chính thức những cư dân mới là thương gia, công chức của tân trào, là điền chủ có ruộng vườn ở Cần Giuộc, Gò Vấp lên, hoặc phía Chánh Hưng, Tân An sang...

Trong đó lừng lẫy với người Sài Gòn lúc ấy là Huỳnh Công Miên, thường gọi là cậu Hai Miên, (1862 – 1899), con trai Lãnh binh Huỳnh Công Tấn, từ Gò Công đã cùng gia đình lên cư trú tại Tân Hòa, tên xã mới lập ngay trên đất Cầu Kho.

Sau thời gian phiêu bạt giang hồ khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh, làm được một số việc nghĩa, Cậu Hai Miên đã nằm lại vĩnh viễn ngay trên đất Cầu Kho sau một trận thư hùng với nhóm du côn sử dụng toàn dao xắt chuối; được bà con Cầu Kho thờ ngay tại đình.

Cậu Hai Miên thuở nhỏ cùng cha mẹ và người hầu (phía sau)  - Ảnh: Hippolyte Arnoux và Emile Gsell chụp trong "Chuyến đi từ Ai Cập tới Đông Dương" (Voyage de l'Égypte à l'Indochine) cách đây khoảng 150 năm.  

Huyện Sỹ tên thật là Lê Phát Đạt (1841 – 1900), sinh ra trong một gia đình theo Công giáo tại khu vực Cầu Kho. Sau khi du học ở Malaysia về nước với vốn ngoại ngữ thông thạo, ông được chính quyền Nam Kỳ thuộc Pháp bổ nhiệm làm phiên dịch viên, rồi làm ủy viên Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ (từ năm 1880), phong hàm cấp huyện nên ông được gọi là Huyện Sỹ.

Thời đó, dân cư bỏ ruộng đất đi tản mác khắp nơi tránh Pháp, chính quyền cho đấu giá rẻ mạt mà cũng không có người mua. Vì làm việc cho chính quyền nên bất đắc dĩ ông phải chạy chọt tiền bạc để mua liều, nào ngờ gặp may, ruộng đất ông mua trúng mùa liên tiếp mấy năm liền nên ông trở nên giàu có nhất vào đầu thế kỷ 20: “Nhứt Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa” (có bản ghi là tứ Lộc).

 

Huỳnh Tịnh Của (1834 – 1907) từng đi du học tại Malaysia, tinh thông cả tiếng Hán và tiếng Pháp. Năm 1861, Huỳnh Tịnh Của được bổ nhiệm Ðốc phủ sứ, làm Giám đốc Ty Phiên dịch văn án ở Soái phủ Sài Gòn và cư trú tại khu vực Tân Hòa, tức Cầu Kho.

Ngoài công việc của một viên chức chính phủ, ông còn lưu tâm giành nhiều thời gian nghiên cứu chữ quốc ngữ. Năm 1865, ông thay Trương Vĩnh Ký làm chủ bút tờ công báo quốc ngữ Gia Ðịnh báo trong một thời gian ngắn.

Huỳnh Tịnh Của sáng tác khá nhiều và đa dạng, nhưng trong số những tác phẩm của ông, nổi bật nhất là pho Đại Nam quấc âm tự vị. Qua tác phẩm đồ sộ đó, Huỳnh Tịnh Của đóng góp rất nhiều cho việc xây dựng quốc văn mới. 

Ðại Nam quấc âm tự vị là quyển tự vị tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam, do người Việt biên soạn.

Một góc bến Cầu Kho cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 - Ảnh tư liệu

Đón đọc bài 3: Người Cầu Kho chống Pháp ngay trong vùng Cầu Kho

TS HỒ TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên