28/01/2017 13:00 GMT+7

​Một cảm giác hạnh phúc

PHẠM THỊ NGỌC LIÊN
PHẠM THỊ NGỌC LIÊN

TTO - Người Đà Lạt đi thành phố khác trong nước để lập nghiệp hay vì nhiều lý do, ít nhất cũng về thăm phố núi mỗi năm hay vài năm một lần.

Ảnh: KIM HOA
Ảnh: KIM HOA

Nỗi nhớ nhung hay sự quyến luyến quê nhà, nhờ vậy cũng nguôi đi rất nhiều. Kể cả nỗi luyến tiếc quá khứ. Nhưng với người xa Đà Lạt hơn bốn mươi năm, lần trở lại nơi chôn nhau cắt rốn có rất nhiều cảm xúc. Nhất là vào dịp Tết.

Chúng tôi đi bộ dọc những con đường ngày xưa mình từng đi mỗi ngày. Bạn hoặc không màng đến những tên đường mới, hoặc đứng ngẩn ra nhìn rồi buông tiếng như một lời thì thầm. Hồi đó, đường này là Rue des Roses.

Phải rồi, con đường có rất nhiều kỷ niệm với những thiếu nữ mới lớn thích chụp ảnh, thích đi thơ thẩn bên những hàng rào hồng rực một màu hoa. Giờ nó vẫn còn hoa nhưng chỉ lác đác và nằm bên trong những bờ tường tô vôi trắng xóa, không còn màu rêu đá của thuở nào.

Khách du lịch đến chơi Đà Lạt “đông như quân Nguyên thế này?” - bạn ta thán. Trong ký ức của bạn vẫn lưu giữ hình ảnh thành phố thảnh thơi với những con người thảnh thơi đút hai tay vào túi áo măngtô, đi dạo ven hồ ngắm hoa mai khoe sắc thắm.

Đà Lạt là xứ hoa và mùa xuân lại hào phóng ban tặng cho người Đà Lạt thêm hoa mai - loại hoa mà giờ đây người ta thêm hai chữ anh đào phía sau để phân biệt (hay tự hào?) vì có màu của bích đào phương Bắc và dáng vóc tương tự mai vàng phương Nam.

Hoa nở vào cuối đông đầu xuân, như những vầng mây đỏ bồng bềnh trên những vòm cây xanh mướt. Khi rụng, hoa cũng trải thảm trên cỏ xanh, trên vỉa hè và người Đà Lạt cứ để yên nhìn ngắm, mặc cho gió đẩy đưa. 

Lang thang thế nào, chúng tôi lại đứng ở vòng xoay bước vào chợ Đà Lạt. Bạn hỏi: Món bánh bèo thần thoại còn không? Tôi bảo: Còn chứ. Những đĩa bánh bèo trắng tinh rắc tôm chấy đỏ au, một chút mỡ hành xanh biếc và vô số da heo chiên phồng màu vàng óng là món hảo của buổi chiều tan trường về, ngồi xuýt xoa cay bên nhau.

Bạn mừng rỡ. Còn à? Rồi kéo tay tôi đi phăm phăm đến góc chợ. Tôi bảo: Không phải chỗ đó, người ta dọn đi rồi. Bạn ngẩn người. Ừ nhỉ. Đã mấy chục năm. 

Chúng tôi lại chen chúc đi giữa hằng hà sa số rau củ quả, vô vàn tiếng rao ơi ới bổng trầm, vô vàn tiếng người cười nói, vô vàn mùi hương... Chợ Tết nơi nào chẳng ồn ã, náo động? Nhưng cái náo động của chợ Tết Đà Lạt vẫn có những nét riêng rất Đà Lạt.

Dẫu mấy mươi năm đã trôi qua. Dẫu người Đà Lạt gốc không còn nhiều nữa. Đó là âm thanh giọng nói với chữ “nè” nhẹ nhàng kéo dài cuối câu. Em nói chị nghe nè. Con nói cô nghe nè. Thứ này ngon nhất nè. Tiếng chào mời trở nên đáng yêu và khách mua hàng, vì thế, không nỡ dời chân mà không mua một món gì đó cho mình.

Trở lại quê nhà vào dịp Tết, bạn tôi khóc nhiều lần, cười nhiều lần. Kỷ niệm xưa vẫn còn và sẽ không mất đi, dù vạn vật có quá nhiều thay đổi. Như mâm cơm cúng chiều 30 Tết của người Đà Lạt luôn có món hoa artichaut hầm giò heo, món mứt Tết trong nhà không thể thiếu mứt mận.

Và chai rượu dâu nhà làm luôn có màu hồng dịu dàng như làn môi của trẻ thơ. Khi nhìn thấy những món ăn này, bạn tôi đã bật lên tiếng khóc. Như thể nhìn lại được một nỗi niềm.

Trong không khí lạnh giá, đầy thiêng liêng của thời khắc giao thừa, bạn tôi có lẽ sẽ lại ứa nước mắt vì xúc động trước bàn thờ tổ tiên. Một cảm xúc hạnh phúc mà bạn luôn thấy thiếu thốn khi ở xứ lạ quê người... 

PHẠM THỊ NGỌC LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên