27/01/2017 14:03 GMT+7

Cúng con gà trống

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Các nhà nghiên cứu văn hóa có những kiến giải thú vị khác nhau xung quanh câu hỏi rằng trong số nhiều loài vật nuôi nhưng vì sao người ta luôn chọn con gà trống để dâng cúng những dịp lễ Tết.

Bàn lễ cúng của người Huế với vị trí trung tâm luôn là con gà trống - Ảnh: PHẠM BÁ THỊNH
Bàn lễ cúng của người Huế với vị trí trung tâm luôn là con gà trống - Ảnh: PHẠM BÁ THỊNH

Người ta nói giỗ cha thì lo ba tháng. Giỗ mẹ thì lo rạng ngày. Giỗ mệ (bà) thì đi cày về mới lo. Đi cày về mới lo là bắt con gà, nấu đĩa xôi, vừa đơn giản, nhưng đầy đủ, lại ngon miệng.

Gà xuất hiện trong hầu hết lễ cúng từ cao cho đến thấp. Ngay cả trong cỗ tam sên, đó là cách gọi ba con vật đại diện, chứ luôn có thêm gà, có khi đến hàng trăm con nữa là khác! 

Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh 

Cho đến hiện nay, hầu như không có một văn bản hay điển chế nào quy định rằng phải cúng bằng con gà trống.

Song với người Việt, nhất là ở miền Bắc cho đến miền Trung, hầu hết mâm cỗ dâng cúng đều “phải có” một con gà trống luộc, được lận kỹ lưỡng và đặt một cách đĩnh đạc trên mâm đĩa. Phần đầu của gà luôn hướng về vật tượng trưng cho thần lực cao nhất trên bàn lễ, nó có thể là bài vị hay một bát hương... 

Do đâu cúng gà?

“Con gà trống vừa đẹp, vừa mạnh mẽ, hùng tráng nhất trong các loài gia cầm. Con gà luôn có sẵn, không giới hạn mùa. Thịt gà thuộc hàng ngon nhất. Nó rất gần gũi, rất phù hợp với túi tiền của hầu hết người dân!

Chưa hết, xem rõ sáu loài trong Lục súc tranh công (gồm trâu, chó, ngựa, dê, gà, heo) thì gà vẫn nhỏ bé nhất, nhưng luôn trong tư thế khỏe mạnh, bay nhảy trên đầu các con vật khác. Nó hoàn toàn sạch sẽ, không ngủ dưới đất thấp mà luôn ngủ trên cao, trên giàn hoặc trên cây.

Con gà luộc, được lận lại, đầu vươn cao, hai đùi khép lại trong tư thế như gối lệnh khi cúng... Đó là những lý do mà qua thực tế, tôi thấy con gà trống đáp ứng được rất nhiều yêu cầu để trở thành vật dâng cúng chính!” - nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đại Vinh (Huế) nhận định.

Cùng là gà, nhưng tại sao chỉ có con gà trống mới được chễm chệ trên bàn lễ? Ông Trần Đại Vinh lý giải thêm rằng trong các con vật dâng cúng, người ta tối kỵ, cho rằng dễ gặp xui xẻo nếu chọn những con vật đang mang thai.

Những con vật khác thì khó phân biệt trống mái, trong khi gà rất dễ phân biệt rõ ràng. Do vậy, ngoại trừ con gà mái làm lễ vật chính trong bàn cúng bà mụ trong dịp đầy tháng, hầu hết lễ nghi dân gian đều chọn con gà trống để cúng. 

Việc chọn con gà trống mới lớn, theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (TP.HCM), do sự ảnh hưởng của Đạo giáo, theo quan niệm về “con sinh” (vật hiến tế) là phải sạch sẽ, đồng trinh, tinh khiết. Vả lại con gà trống còn là vật báo thức đều đặn cho mọi nhà, nhất là nhà nông bắt đầu một ngày mới... Điều này cũng gây cảm giác dễ linh ứng, ứng nghiệm trong cầu khấn khi tế lễ. 

Ông Trần Đình Sơn kể rằng những người Huế thế hệ “thất thập” như ông còn nhớ mấy chục năm trước, khu vực gần cửa Thượng Tứ (Đông Nam môn) kinh thành Huế thường tập trung nhiều vị thầy bói trải chiếu ngồi dưới mấy gốc bồ đề cổ thụ.

Trước mặt mỗi vị đều có mấy xâu giò gà, vị nào cũng cố chứng tỏ mình “cao tay” nên đắt khách thông qua càng nhiều xâu giò gà trên chiếu... Sau các lễ cúng đầu năm hay cúng đất (tháng hai và tháng tám âm lịch), người dân thường đem cặp giò con gà trống dâng cúng ấy đi đến các vị thầy bói xem có báo ứng, thần linh có trách phạt gì hay đất đai có bị động hay không...

Trong khi nhiều loại gia cầm như vịt, ngan, ngỗng... thì cái giò co quắp, xấu xí sau khi luộc, ngược lại cái giò gà với độ co vừa phải, do đó những đốt chân hay tất cả đường nét được người ta áp dụng vào dịch học để đặt quẻ. Từ đó có thể khảo sát được các dự báo, cảnh báo theo kiểu tâm linh truyền thống.

Con tam sanh trên cát

Trong cúng tế, điển chế thời phong kiến nói khá nhiều về cỗ tam sên, đó là ba con vật dâng cúng trong đại lễ của triều đình được dân gian áp dụng trong tế thần. Trong đó, cỗ thái lao gồm trâu - dê - heo. Cỗ thiếu lao (nhỏ hơn) gồm bò - dê - heo.

Tương ứng với cỗ tam sên thì trong từng hộ dân, người ta cũng áp dụng cỗ dâng cúng gọi là tam sên, gồm ba loài vật tương ứng. Đó là cái trứng, miếng thịt heo và con cua (có nơi dùng tôm).

Các nhà chuyên môn lý giải ba loài tượng trưng cho ba cõi: cái trứng tượng trưng cho loài bay, tức thượng cầm; miếng thịt heo thì hạ thú; còn con cua (tôm) thì thủy tộc. Tuy nhiên, đồng thời với cỗ tam sên, người dân vẫn luôn dùng con gà trống làm vật cúng chính, đặt ở vị trí cao hơn, trên bàn thượng.

Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh từng tiếp cận rất nhiều phong tục, tập quán các làng xã của Việt Nam. Ông cho biết ban đầu, khi dịch hương ước làng Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), ông không hiểu được cách gọi con “sa lao” trong văn bản này. Chữ “sa” ở đây gồm chữ “thiếu” (trong thiếu lao) nhưng có thêm ba chấm thủy.

Thông qua thực tế tại làng, ông vô cùng bất ngờ và ngạc nhiên khi nhận ra “sa lao” là cách gọi con gà. Ông Vinh cho biết: “Người dân ở đây đánh giá rất cao con gà, có ý nâng lên thuộc hàng tam sên nhưng để giảm nhẹ thì dùng từ sa. Đây là cách dùng từ rất sáng tạo, không có trong từ điển Trung Quốc cũng như Việt Nam. Con gà ở làng này sống trên đất cát, chẳng khác cách nói: Con tam sanh nuôi ở trên cát!”.

Trên thực tế, quan niệm dân gian về con gà mỗi vùng cũng có khác. Với người miền Bắc, hễ có khách quý người ta làm con gà luộc, chặt sắp vun lên một đĩa lớn để tỏ khối thịnh tình. Trong khi ở miền Trung thì ngược lại khi cho rằng bạn đến nhà thì đừng có đãi gà mà sinh sự chia ly.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn băn khoăn: “Tôi từng tìm hiểu nhưng chưa giải thích được vì sao có quan niệm như thế. Phải chăng xuất phát từ lý do cúng gà rất nhiều dịp trong năm, người xưa bày ra chuyện đó để khỏi làm thịt con gà một cách vô tội vạ, để dành gà lại cho các dịp cúng lễ?”. 

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên