25/01/2017 10:30 GMT+7

Hà Nội, xe đạp và tôi

PHẠM NGỌC TIẾN
PHẠM NGỌC TIẾN

TTO - Từ rất lâu tôi đã mơ ước có một chuyến đạp xe xuyên Việt và tất nhiên đó phải là chuyến đi riêng biệt không cùng ai.

Ông Phạm Ngọc Tiến trong chuyến đi xuyên Việt bằng xe đạp - Ảnh: TGCC
Ông Phạm Ngọc Tiến trong chuyến đi xuyên Việt bằng xe đạp - Ảnh: TGCC

Cứ tưởng tượng một mình lầm lũi đạp xuyên mấy ngàn cây số tôi đã thấy khoái tỉ. Vì sao lại một mình thì rất đơn giản bởi đó chính là sự tự do tuyệt đối.

Chẳng phụ thuộc vào ai, không chịu bất cứ sự câu thúc nào, một mình ung dung tự tại chủ động tất tần tật mọi sự thuộc về cuộc sống của bản thân.

Ăn gì, ngủ đâu, uống thế nào, thích là quyết cứ gọi là sướng mê tơi. Còn chọn xe đạp là phương tiện thì cũng rất dễ hiểu thôi, nó vừa sức một ông già sáu chục tuổi.

Và nữa tôi yêu xe đạp, mê đắm nó một cách có điều kiện bởi thế hệ sinh ra sau hòa bình năm 1954 như tôi gần như suốt cuộc đời luôn gắn liền với những chiếc xe đạp. Cũng phải đến khi về hưu tôi mới có điều kiện để thực hiện mơ ước của mình.

Đó là một chuyến đi kỳ thú đấy nhưng không ít thử thách, thậm chí là mạo hiểm.

Ngay từ dạo nhỏ, xe đạp đối với những đứa trẻ thành phố không phải là điều gì quá lạ lẫm. Hà Nội dạo tôi còn là một thằng nhóc tì đã là một thành phố của xe đạp.

Chiếc xe đầu tiên tôi được đi là một chiếc xe mini dành riêng cho trẻ nhỏ. Dạo đó Hà Nội có những cửa hàng cho thuê xe đạp theo giờ. Những chiếc xe xinh xẻo hai bánh và có cả ba bánh cho trẻ tập đi.

Tính tình bạo dạn, ngỗ nghịch tôi bỏ qua loại ba bánh mà chơi luôn hai bánh cho máu. Ngã đập mặt vài lần là đạp phon phót như dân đua xe chính hiệu. Bấy giờ đám choai chúng tôi hay tụ tập rồi chung tiền thuê xe.

Hai hào một giờ. Thuê chung để đèo nhau vừa là tiết kiệm và để hình thành những cặp đua. Hiệu xe đạp nằm ở giữa phố Trần Nhật Duật. Thuê được xe xong chúng tôi xuất phát ở Cột Đồng Hồ là chỗ vòng xoay đầu cầu Chương Dương bây giờ.

Hai thằng đèo nhau trên một chiếc xe. Cả hội đạp rồi dắt ngược chiều phía đường xuống của cầu Long Biên. Lên được cầu chúng tôi thi nhau đổ dốc. Dốc xuống đổ vào đầu phố Hàng Khoai là dốc cầu lượn vòng với độ dốc tương đối.

Thả dốc cầu ngày đó là niềm hạnh phúc vô bờ của đám trẻ chúng tôi. Khoái lắm. Hai thằng bám chặt nhau, xe lao vù vù. Thằng ngồi trên cầm lái, đứa phía sau đặt chân lên bàn đạp sẵn sàng guồng khi hết dốc. Không ít lần xe lao nhanh vướng vào nhau gây ra tai nạn ngã bươu đầu mẻ trán vừa phải đền tiền sửa xe và ăn no đòn từ bố mẹ.

Lớn lên một chút thì chiến tranh phá hoại xảy ra, chúng tôi phải dắt díu về quê sơ tán. Làng quê nghèo những ngày ấy cả làng bói mới có được vài chiếc và tất nhiên đừng có mơ được chủ xe cho lai vãng gần nó. Chiếc xe đạp bấy giờ là một tài sản lớn.

Lại nhớ mợ tôi bấy giờ là chủ tịch xã, được phân phối một chiếc xe Thống Nhất khung nữ màu xanh. Cái biển số xe tôi còn nhớ đến tận bây giờ: CB 6724. Xe đăng ký ở Hà Nam. Thích xe đạp nên tôi hay vờ vẫn làm siêng nhận chân lau xe.

Đổi lại thỉnh thoảng được mợ cho dắt xe đi một vài vòng quanh ngõ. Tất nhiên là tôi không bỏ lỡ những cơ hội như thế. Tại đây tôi tập nhảy pêđan rất điệu nghệ. Tuy bé thấp nhưng trình độ đạp xe của tôi thì khối trai làng không biết đi đứng xe cộ thế nào phải thán phục mắt tròn mắt dẹt.

Tôi nhớ như in chiếc xe đầu tiên trong đời của tôi. Ấy là dịp hết chiến tranh vừa từ chiến trường về. Người xanh mướt vì sốt rừng nhưng việc đầu tiên là phải kiếm một chiếc xe để đi lại. Tôi xin mẹ ít tiền rồi ra chợ giời bán sạch sẽ những thứ mang về từ đời lính. Chiếc đồng hồ Seiko. Cái cátxét cục gạch.

Cả cái áo len cổ trái tim. Gom góp được đâu gần ngàn bạc thì thửa được chiếc Phượng Hoàng màu rêu còn khá mới. Có được chiếc xe đó ở giai đoạn đấy cũng là một sự khá giả rồi. Cứ thứ bảy là tôi lau xe bóng loáng rồi cùng mấy ông bạn thân đi “lượn tẩy” buổi tối, tức là đạp xe vòng vòng quanh hồ Gươm để cưa cẩm trai gái.

Cái trò đó bây giờ nghĩ lại thật buồn cười.

Tôi sau khi chuyển sang sử dụng xe máy và ôtô để lãng quên xe đạp một thời gian dài thì sau chuyến xuyên Việt đã một trăm phần trăm trở lại sử dụng xe đạp làm phương tiện giao thông hằng ngày.

Chuyến xe đạp xuyên Việt cho tôi nhiều thứ, từ sức khỏe đến sự thụ hưởng thiên nhiên giàu đẹp của đất nước và một ý chí tôi luyện quyết tâm vượt qua chính mình ở lúc tuổi tác xế chiều.

Tôi nghĩ nếu một ngày thành phố Hà Nội chỉ toàn xe đạp như dạo nào thì đó lại chính là điều mơ ước và hiển nhiên đấy là hạnh phúc không hề nhỏ cho chẳng ít người. 

PHẠM NGỌC TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên