Thời khắc giao thừa, người Huế bày biện mâm cúng ra trước nhà để cúng giao thừa - Ảnh: Thái Lộc |
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến (Hà Nội): Người dân cần phải có chỗ chơi
Đêm giao thừa chúng tôi thường chọn cách ra phố, đi dạo quanh bờ hồ Hoàn Kiếm đón giao thừa, sau đó vào ngôi đình hoặc ngôi đền nào đó xin lộc. Năm nào hết lộc rồi thì tôi xin một nén nhang về nhà thắp, coi như là lộc. Nếp đón giao thừa của tôi từ xưa và đến bây giờ vẫn như vậy.
Với thế hệ chúng tôi, thời khắc đón giao thừa rất thiêng liêng, mà mình cảm nhận rõ sự chuyển đổi giữa năm cũ sang năm mới.
Ngày xưa, Tết đến là khi trẻ con bắt đầu đốt một vài quả pháo nhỏ và được ông bà, cha mẹ sắm sửa cho một vài bộ quần áo mới. Chúng tôi cũng từng trải qua cảm giác cả đêm giao thừa không ngủ để đợi sáng mùng 1 Tết được ông bà, cha mẹ mừng tuổi một vài đồng xu hay mấy hào. Bây giờ trẻ con ít cảm nhận được điều đó hơn, một phần vì hằng ngày chúng đều có tiền tiêu rồi.
Giao thừa năm nay, Hà Nội và nhiều thành phố khác sẽ không có tiếng pháo hoa. Cuộc sống người dân bây giờ đã được nâng cao thì chuyện ăn uống không còn quá quan trọng nữa, mà vấn đề tinh thần cho người dân cần được chăm lo.
Người dân cần phải có chỗ chơi, cần phải đi đâu đó, phải có thú vui giải trí trong những ngày đầu xuân năm mới. Tôi cho rằng không bắn pháo hoa thì chúng ta đốt pháo bông vào giờ giao thừa cũng mang ý nghĩa nào đó và cũng thỏa mãn một phần giải trí về mặt tinh thần với người dân trong dịp Tết.
Ở Hà Nội có thể đốt pháo bông tại sân Mỹ Đình, khu Văn Quán, hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây... Đốt pháo bông sẽ tạo ra không khí thú vị với những người đi chơi Tết và tạo không khí Tết, nhất là với trẻ con sẽ rất hứng thú.
Nhà nghiên cứu NGUYỄN XUÂN HOA (nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin Thừa Thiên - Huế): Giới trẻ có nhu cầu vui chơi giải trí
Cái Tết của người Việt nói chung, nhất là người Huế, luôn gắn liền với lễ. Chiều 30 tháng chạp, người ta bày mâm cỗ cúng rước ông bà về ăn Tết cùng con cháu trong gia đình.
Đến giờ giao thừa, người ta bày lễ cúng rất đơn giản giữa trời, chỉ là hương, hoa, quả phẩm, một ít vàng mã, có khi có thêm xôi chè... Người chủ gia đình khấn vái bằng một tấm lòng thành, tôn kính với trời đất, hiếu kính với tổ tiên ông bà trong giờ phút thiêng liêng. Đây cũng là đêm đầu tiên ông bà tổ tiên “về” cùng con cháu sum họp trong ba ngày Tết.
Cúng giao thừa là một tập quán đẹp, rất cần thiết phải được lưu giữ, lưu truyền. Bởi vì là một tập quán đẹp, cho nên tôi tin người dân sẽ tiếp tục duy trì.
Có điều để nó mãi đẹp thì làm sao đừng để mâm cỗ hay tính chất cuộc lễ, cúng bái bị mê tín xen vào, làm cho phong tục trở nên biến dạng, thực dụng và gần với hủ tục.
Điều này, ở tầm vĩ mô, vẫn phải đặt trong một chiến lược chấn hưng văn hóa dân tộc để vừa loại bỏ những thói hư tật xấu vừa gìn giữ, phát huy những tập tục đẹp. Những gì tốt đẹp đã bị phai nhạt thì nên tìm cách khôi phục để hình thành những đặc trưng văn hóa của người Việt...
Tất nhiên phần lễ là như vậy, đã có chủ nhà, những người lớn trong gia đình đảm trách. Ở nông thôn, giới trẻ cũng có thể đón giao thừa trong không khí trang nghiêm của gia đình.
Nhưng ở đời sống đô thị, giới trẻ có nhu cầu vui chơi giải trí mang tính thời đại. Chính thời khắc thiêng liêng đêm giao thừa cũng phát sinh nhu cầu vui chơi, gặp gỡ, họ tìm đến nhau, tìm đến quán xá hay hội tụ tại các tụ điểm. Nhu cầu rất chính đáng đó phải được đáp ứng.
2 giao thừa của tôi
Khi cha tôi thắp nhang trên trang thờ lúc giao thừa ở lầu 3 ngôi nhà trong hẻm đường D2, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), thì ở Houston nơi tôi đang làm việc mới 11h trưa 30 Tết của ngày mùa đông. Còn khi vợ chồng tôi cúng rước ông bà về ăn Tết chiều 30 nơi đây, thì Sài Gòn đang thiêm thiếp sớm mùng 1. Nghĩa là khi một chuyện ở quê nhà đã vào quá khứ 13 tiếng, nơi tôi ở mới bắt đầu thì hiện tại. Cho dù chỉ cần vài phím bấm, âm thanh và hình ảnh của quê, của nhà, của ba má, của anh em bè bạn, là đồng thời, đồng hiện - hớn hở, tủi mừng, rõ mồn một. Vì tiện ích cho công việc và học hành, người mình chọn ăn Tết vào cuối tuần nếu không tiện nghỉ làm. Và thường, Tết chỉ là một dịp vui cuối tuần. Năm nay, ngày Tết may mắn trùng dịp cuối tuần nên có thêm cơ hội gặp gỡ, chia sẻ, nhất là lúc đi chợ, đi lễ chùa, nhà thờ và dự hội Tết cộng đồng. Năm ngoái, cúng giao thừa xong, chúng tôi lặng lẽ xuất hành hướng đông, để rồi tự xông nhà cho chính mình sau đó. Ở quê nhà, sau giao thừa, kẻ đi lễ, người về với cha mẹ, đông đúc trên phố đến rạng sáng thì dễ hiểu. Còn ở đây, vào 1h sáng không một bóng người, heo hút đêm lạnh gió buốt, lại thấy một cặp trung niên bận đồ comple - cà vạt đen, áo dài đỏ, vẻ “nghiêm trọng”, tay trong tay, lại cầm cành lá là lộc ve vẩy, gõ gót giày vang đêm vắng đèn. Chắc quái lạ. Nhưng là cảnh sát thì họ hiểu được. Sau khi dừng xe, pha đèn, gọi hỏi và được cắt nghĩa, vị này bèn hô “Happy new year” trước lúc biến đi như gió. Mỗi năm, tôi luôn có được hai giao thừa - buổi trưa, giao thừa Việt Nam, và buổi đêm, giao thừa Houston. Một cái, ngắn gọn, để bồi hồi. Cái còn lại, lâu hơn - bùi ngùi. Nhớ căn nhà quê
Người Nhật đón Tết dương lịch, vì thế khi ở Việt Nam mọi người hối hả chuẩn bị việc đón Tết và gia đình sum họp thì ở Nhật Tết đã qua, nhịp sống đã trở lại bình thường. Sự chênh lệch về thời gian ấy càng làm người Việt xa quê thêm nhớ Tết, nhớ nhà, nhớ những phút giây được sum họp bên gia đình vào thời khắc giao thừa. Với tôi, càng những ngày cận Tết, nhất là vào buổi tối cuối cùng của năm cũ, những kỷ niệm về cố hương, về ngày Tết ở gia đình càng trở nên rõ ràng trong ký ức. Công việc học hành thường kết thúc trước 6h tối, vì thế từ đó trở đi cho tới 2h sáng (0h ở Việt Nam) tôi thường không ra khỏi nhà, mà lên mạng ngóng Tết, đón giao thừa và nói chuyện với gia đình xem gia đình đón Tết ra sao. Khi đã lập gia đình, vợ con thức cùng tôi trong khoảng thời gian ấy. Nói chuyện với người nhà và nhìn những hình ảnh bày biện đón Tết ở gia đình, ký ức tôi lần giở lại những tháng ngày thơ ấu. Không hiểu sao kể từ khi sống ở nước ngoài, mỗi khi nhớ đến quê hương, nhớ đến ngôi làng nhỏ nằm bên bờ sông Thương hay Tết, tôi thường chỉ nhớ những kỷ niệm của thời thơ ấu, quãng thời gian từ khi biết nói đến khi hết tiểu học. Đó là những ngày cùng mẹ sang chợ Than bán bưởi và sau đó đi khắp các gian hàng mua nấm, măng, miến và mứt, món ăn tôi rất thích và chỉ có Tết mới được ăn. Nhớ những đêm trước giao thừa một, hai ngày được thức cùng mẹ canh nồi bánh chưng và giúp mẹ thay nước cho nồi bánh đang sôi. Nhớ cảnh hai anh em ngồi xem mẹ làm kẹo chè lam và thi thoảng lừa lúc mẹ không để ý lại thò tay bốc. Đã bao nhiêu năm trôi qua, sinh hoạt ngày Tết của nhà tôi vẫn theo nếp ấy. Thường thì vào đêm giao thừa ở Nhật hay có tuyết rơi. Giữa đêm khuya tuyết rơi hối hả, nặng nề gõ lụp bụp trên mái nhà. Mở cửa sổ nhìn ra dưới ánh đèn đường chỉ thấy một màu trắng xóa. Những lúc ấy chỉ mong có một phép thần diệu nào đó để giúp mình trở lại đón giao thừa trong chính căn nhà của cha mẹ cùng gia đình. Căn nhà, nơi có đầy không khí Tết và những kỷ niệm theo suốt một đời. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận