21/01/2017 10:17 GMT+7

Bảo tàng mini của Réhahn ở không gian nghệ thuật Di sản vô giá

NGỌC ĐÔNG - DIỆU NGUYỄN
NGỌC ĐÔNG - DIỆU NGUYỄN

TTO - Mở cửa miễn phí từ đầu năm 2017, đây là nơi trưng bày hơn 30 bộ trang phục dân tộc truyền thống, nhiều hiện vật, 200 tác phẩm nhiếp ảnh với những câu chuyện được viết bằng 3 ngôn ngữ Pháp, Anh và Việt.

Du khách chăm chú đọc thông tin tại gian trưng bày văn hóa các dân tộc phía Bắc - Ảnh: Ngọc Đông

Không gian nghệ thuật Di sản vô giá (Precious Heritage) nằm trên con đường Phan Bội Châu khá yên tĩnh gần phố cổ Hội An (Quảng Nam), rộng 250m2 được thiết kế như một bảo tàng cá nhân mini của Réhahn lưu giữ những “báu vật” anh thu thập được sau những chuyến rong ruổi đi tìm các dân tộc Việt Nam suốt 5 năm qua.

“Tôi nhận ra văn hóa truyền thống của một số dân tộc đang bị mai một rất nhanh do quá trình hiện đại hóa. Do đó tôi nghĩ đến chuyện mình sẽ ghi lại văn hóa của cả 54 dân tộc Việt Nam” - nhiếp ảnh gia 38 tuổi tâm sự về mối duyên của mình với các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

“Thông qua việc trưng bày hình ảnh và trang phục sống động, Réhahn đang cố gắng mang đến cho không chỉ du khách nước ngoài mà cả người Việt Nam cái nhìn gần gũi và cũng đầy thông tin về văn hóa dân tộc Việt Nam

Bà Eva Nguyễn Bình (tham tán hợp tác và văn hóa Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam)

Một trong những nét văn hóa đang bị mai một mà Réhahn trăn trở nhất, cũng chính là điều thôi thúc anh tạo lập không gian văn hóa Di sản vô giá, là sự biến mất của các trang phục truyền thống, đặc biệt là ở các dân tộc còn rất ít người.

“Tôi còn nhớ lần đi tìm người Chơ Ro ở Bình Phước, tôi đi qua ba bốn ngôi làng để tìm ai đó cho tôi xem trang phục truyền thống của họ, nhưng thật ngạc nhiên là ai cũng nói không có - nhiếp ảnh gia đến từ Normandy kể lại - Cuối cùng tôi đi gặp một trưởng làng, vị này đã 88 tuổi.

Sau một hồi nói chuyện thân tình, tôi tặng ông một điếu xì gà Cuba và ông tặng tôi một bộ trang phục truyền thống của vợ ông sau khi nghe tôi giải thích ý định của mình. Đó có thể là bộ trang phục cuối cùng của người Chơ Ro ở Việt Nam vì vị già làng đó nói rằng không còn ai mặc và làm loại trang phục đó nữa” .

Ngoài các trang phục và hiện vật, tại Di sản vô giá, mỗi hành trình đến với các dân tộc ít người của Réhahn còn được tái hiện qua một bức chân dung khổ lớn của người ở dân tộc đó, mặc trang phục truyền thống do chính anh chụp.

Thông tin về nơi cư trú, dân số, nét văn hóa đặc trưng của dân tộc đó cũng được anh cất công nghiên cứu và chọn lọc từ những nguồn chính thống, rồi lồng ghép vào những trải nghiệm của bản thân anh.

Réhahn mua hẳn một căn nhà để trưng bày vì không muốn bị phụ thuộc vào chuyện thuê nhà. “Không biết tương lai 10 năm hay 20 năm nữa ra sao, nếu ngày mai tôi chết đi hay là không ở Việt Nam nữa, tôi muốn những trang phục này vẫn được bảo tồn tại Hội An, tôi muốn khi đó tặng bộ sưu tập này lại cho Việt Nam”.

Nhận định về không gian văn hóa mà mình xem rất giá trị này, ông Võ Phùng - giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao Hội An - nói:

“Tôi nghĩ các cấp, ngành nên tạo điều kiện giới thiệu điểm đến này, cũng là giới thiệu nét đẹp Hội An đến với du khách trong và ngoài nước”. Ngoài ra, theo ông Phùng, với việc nhiều bộ trang phục có dấu hiệu mai một, không gian Di sản vô giá cũng góp phần báo động về công tác bảo tồn, phát huy và giữ gìn văn hóa truyền thống mà theo Réhahn là đang dần biến mất.

 

NGỌC ĐÔNG - DIỆU NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên