26/11/2016 09:21 GMT+7

Cinematheque, Phở Cồ và những niềm tiếc nhớ

PHẠM TRUNG TUYÊN
PHẠM TRUNG TUYÊN

TTO - Hanoi Cinematheque sắp thay thế bằng một dự án trung tâm thương mại mới đã gây nhiều xôn xao... Nhà báo Phạm Trung Tuyến (VOV Giao thông) gửi đến Tuổi Trẻ một góc nhìn của anh, xin được đăng để rộng đường dư luận.

 

Hanoi Cinematheque cũng như Phở Cồ mất đi bởi đó là những địa chỉ đi thuê - Ảnh: NAM TRẦN
Hanoi Cinematheque cũng như Phở Cồ mất đi bởi đó là những địa chỉ đi thuê - Ảnh: NAM TRẦN

Những ngày vừa qua, rất nhiều bạn bè của tôi nói về Cinematheque Hanoi. Có người hỏi tôi sao không lên tiếng về chuyện này khi cũng mê phim ảnh, và từng có thời là khách quen của hàng lòng lợn nổi tiếng cạnh đó.

Tôi thật thà rằng mình không quan tâm, không thấy mất mát gì khi Cinematheque Hanoi có mất đi. Câu trả lời đó khiến một số bạn bè tôi cảm thấy đau lòng.

Tôi hiểu nỗi tiếc nuối của họ. Tôi cũng đã từng cảm thấy vô cùng xót xa khi hàng phở Cồ mà sáng nào tôi cũng ăn suốt những năm cuối thập niên 90 ở giữa phố Sinh Từ phải chuyển đi nơi khác.

Cái hàng phở ấy, dù tôi luôn phải chờ tối thiểu 15 phút mới được ăn, dù luôn phải khéo léo để khi ăn xong đế giày không dính theo giấy ăn được vứt trắng xóa dưới gầm bàn, nhưng là quán phở, theo tôi là phở nhất đất nước này.

Quán phở duy nhất mà ngày này qua tháng khác qua năm nọ vẫn luôn giữ được sự ổn định và cân bằng về hương vị. Nó phải chuyển đi, sang bức tường bên hàng rào Bộ Kế hoạch đầu tư, rồi lại bị chuyển đi, đơn giản vì đông khách, và những người chủ nhà muốn tự bán phở, thay vì cho thuê chỗ.

Tôi đã nghẹn ngào khi vào chỗ quán quen mà ăn phải một bát phở không còn hương vị cũ. Và tôi hiểu cảm giác của những bạn bè mình khi bị mất đi một chốn lui tới yêu thương vì điều tương tự.

Có lẽ, nhiều người sẽ cảm thấy tức giận khi tôi so sánh rạp chiếu phim thiên đường của họ với quán phở của tôi. Còn tôi thì tủi thân vô cùng vì không một ai lên tiếng yêu cầu giữ lại quán phở yêu thích của tôi được ở lại trên phố Sinh Từ, theo cái cách mà mọi người bày tỏ vì số phận của Cinematheque Hanoi. Quán phở ấy cũng là một phần ký ức của tôi, một nơi chốn khiến tôi nhớ Hà Nội mỗi khi đi xa.

Tôi nhớ mình đã buồn, đã giận những người chủ nhà ấy. Nhưng tôi không thể lên tiếng bởi họ có quyền đối với tài sản của mình. Bởi quan hệ giữa ông chủ cửa hàng phở và ông chủ nhà là quan hệ dân sự dựa trên hợp đồng thuê cửa hàng.

Hàng phở Cồ yêu thích của tôi đã vĩnh viễn không thể xuất hiện trở lại trên con phố Sinh Từ, bất chấp nỗi tiếc nhớ khôn nguôi của những người khách quen.

Tôi chắc chắn những người đã từng ăn, từng yêu quán phở ấy đông hơn rất nhiều so với những khán giả của Cinematheque Hanoi. Nhưng không phải vì nửa Hà Nội thích ăn phở mà chủ nhà buộc phải cho ông chủ quán yêu quý của tôi thuê nhà suốt đời.

Cinematheque Hanoi về bản chất cũng giống như quán phở Cồ tôi yêu. Nếu Cinematheque Hanoi là một địa chỉ văn hóa của những người mê phim ảnh thế giới thì quán phở Cồ là một địa chỉ văn hóa của những người mê ẩm thực Hà Nội.

Con ngõ nơi có Hanoi Cinematheque - Ảnh: NAM TRẦN 

Những người chủ của chúng đều là những người thuê nhà và phải dời đi nếu không đạt được thỏa thuận mới.

Tiếc. Dĩ nhiên là tiếc rồi. Khi không còn tìm thấy địa chỉ mới của quán phở đó nữa, tôi đã bày tỏ nỗi tiếc nhớ với một người bạn thân. Cậu ấy bảo: Bao nhiêu người tiếc cái quán phở ấy, sao không ai mời ông chủ quán về nhà mình bán hàng? – Ít lâu sau, tôi thấy ở Hà Nội có rất nhiều phở Cồ. Thực thà mà nói, ăn cũng thấy như nhau.

PHẠM TRUNG TUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên