14/11/2016 07:48 GMT+7

Chông chênh nhịp phách ca trù

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TTO - Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội khép lại sau ba ngày rộn ràng tiếng ca nơi nhà thái học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (từ ngày 11 đến 13-11). Ấy thế mà sao vẫn thấy nhịp phách chông chênh…

Đào nương Đinh Thị Vân - CLB ca trù Lỗ Khê - giữ tình yêu ca trù suốt 10 năm qua - Ảnh: ĐỨC TRIẾT
Đào nương Đinh Thị Vân - CLB ca trù Lỗ Khê - giữ tình yêu ca trù suốt 10 năm qua - Ảnh: ĐỨC TRIẾT

Ban giám khảo liên hoan gồm các nhà nghiên cứu uy tín như GS Tô Ngọc Thanh, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, NSƯT Nguyễn Văn Khuê, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền… đều chia sẻ rất mừng vì phong trào hát ca trù đang ngày càng nở rộ ở các địa phương.

Thế nên, trong dăm năm trở lại đây, số ca nương, kép đàn trẻ tham dự các kỳ liên hoan đều nhộn nhịp. Ngay tại kỳ liên hoan chỉ dành riêng cho các câu lạc bộ ca trù Hà Nội này mà có đến 40 tiết mục tham gia, trong đó 62 thí sinh dự thi múa hát và 35 thí sinh dự thi đào nương, kép đàn (ở độ tuổi từ 6-30).

“Cách đây 10 năm, nói đến ca trù không nhiều người biết nhưng bây giờ công chúng bước đầu biết đến có một di sản âm nhạc của cha ông quý giá như thế. Vậy nên, so với cách đây gần 10 năm thì sự phát triển về số lượng này là một tín hiệu vô cùng đáng mừng” - nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói.

Dẫu vậy, có lẽ đó chỉ là bề nổi của một phong trào khi lắng lại, sau đó những tiếng ca, nhịp phách vẫn đầy nỗi chông chênh…

Sau những nhẩn nha nhả câu, đưa chữ, đào nương Vũ Thị Ngân (27 tuổi) ở Chanh Thôn (xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên) lại nhanh nhẹn tẩy trang.

Chị bảo nghe có liên hoan vội vàng thu xếp ra. Lượt thi xong rồi lại vội vàng về lo việc trong xưởng mộc gia đình đang chờ.

“Áo quần là lượt, đôi vòng ngọc ngà… tôi tự sắm. Tối thứ bảy, chủ nhật tôi toàn bỏ con nhỏ ở nhà, tranh thủ đi học hát. Giờ thì tôi không dứt được với nhịp phách nhưng chẳng biết có thể cố gắng đến khi nào…” - chị Ngân kể.

Nhận làm gia sư âm nhạc để kiếm sống nhưng trong 10 năm biết cầm phách, dù từ Lỗ Khê (Liên Hà, Đông Anh) vào phố cổ Hà Nội xa vài chục cây số, đào nương Đinh Thị Vân (26 tuổi) vẫn nay nơi giáo phường Thăng Long, mai đến CLB UNESCO Hà Nội hát ca.

Cũng bởi lẽ, dù câu lạc bộ nở rộ nhưng chỉ là những sinh hoạt nho nhỏ một năm đôi lần vào hội làng, ngày giỗ tổ - nhất là ở vùng ngoại thành.

Có chăng, trong nội thành có một số nơi có lịch hoạt động như Thái Hà, Thăng Long, Hà Nội nhưng cũng chỉ là cầm chừng.

“Nhìn bề ngoài phong trào khá sôi động nhưng mỗi đào nương hay kép hát ngày nay không thể nói là một nghề mà chỉ có thể là những người trót yêu và cố gắng thực hành cho thỏa niềm yêu mà thôi…” - đào nương Đinh Thị Vân nói.

Chia sẻ điều này, ông Nguyễn Văn Đạm - chủ nhiệm CLB ca trù Lỗ Khê - cho hay dù Lỗ Khê giờ đây mở rộng phong trào ca trù (vì trước đó chỉ truyền dạy trong hai dòng họ Nguyễn Văn và Nguyễn Thế) nhưng về cơ bản là tự bảo nhau đàn hát thi thoảng vui hội, vui hè bằng kinh phí tự đóng góp.

Sau những ngày nô nức liên hoan, các ca nương, kép đàn của các giáo phường ca trù lại trở về với những lo toan mưu sinh.

Vì cũng chỉ là những cá nhân nhỏ nhoi, mong manh nên họ chẳng thể biết mình còn có thể yêu ca trù đến khi nào, dù biết rằng vốn cha ông đang cần phải bảo vệ khẩn cấp.

Tiếng đàn, giọng hát vẫn ngậm ngùi: Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách/ Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu… (Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị, bản dịch Phan Huy Thực).

“Phong trào hát ca trù đang được nhân rộng. Nhưng để sự phát triển này bền vững thì mối lo lớn nhất là phải tìm khán giả, tạo khán giả cho ca trù bằng một khoản kinh phí ổn định từ Chính phủ, có thể đầu tư trực tiếp xuống các câu lạc bộ hoặc qua hệ thống giáo dục

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan

 

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên