10/11/2016 10:53 GMT+7

Bức tranh buồn của sách khoa học

NGUYỄN XUÂN XANH
NGUYỄN XUÂN XANH

TTO - LTS: Nhân NXB Trẻ vừa ra mắt cuốn sách thứ ba trong tủ sách “Nhất nghệ tinh” sau nhiều nỗ lực,nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Xanh vừa gửi đến Tuổi Trẻ bài viết “vẽ lại” bức tranh về dòng sách khoa học hiện nay.

Số lượng các đầu sách khoa học tại Việt Nam quá ít ỏi, sách do người Việt tự biên soạn lại càng hiếm - Ảnh: HỮU THUẬN
Số lượng các đầu sách khoa học tại Việt Nam quá ít ỏi, sách do người Việt tự biên soạn lại càng hiếm - Ảnh: HỮU THUẬN

Phải là một người thường xuyên theo dõi một mảng lớn sách khoa học, chẳng hạn sách khoa học tự nhiên, công nghệ, lịch sử khoa học, lịch sử công nghiệp hóa, với con mắt tìm tòi của một người nghiên cứu, thường xuyên cập nhật mới thấy khoảng cách ghê gớm giữa Việt Nam và thế giới.

“Quét những khó khăn vào dưới thảm”

Ở các xã hội phương Tây hay xã hội phát triển, một dòng thác sách khoa học dâng trào hằng năm như suối nguồn tri thức, với vô số đề tài mới có, cũ nhưng dưới ánh sáng mới có, lịch sử khoa học như luôn luôn được xem xét lại, viết tiếp và bổ sung. Nhưng Việt Nam không nằm trong quỹ đạo đó, sự khai thác dòng thác đó là rất ít, còn lẻ tẻ, có tính ngẫu nhiên, không chuyên nghiệp, như chúng ta đang ở một hành tinh xa xôi không biết diễn biến thị trường sách đó.

Trong khi đó, giữa các xã hội phát triển luôn luôn có một sự hỗ tương qua lại: xã hội này biết xã hội kia đang làm gì, có sách gì hay, và lập tức chúng được dịch ra ngay.

Những quyển sách in ra không phải một, hai ngàn bản mà nhiều ngàn bản. Thí dụ quyển Einstein, mặt nhân bản (Einstein, the human side, mà chúng tôi sắp xuất bản tiếng Việt) được in lần đầu tiên 10.000 bản. Riêng quyển này bán hết trong vòng vài tuần ở các cửa hàng sách. Từ đó, các tác giả, dịch giả có thu nhập khá nếu là sách hay, bán chạy.

Ở Việt Nam, sách mỗi lần in chỉ khoảng một, hai ngàn cuốn, tái bản được vài lần là may, rồi sau đó nằm yên. Độc giả trẻ lớn lên không còn cảm nhận sự tồn tại của nó. Nó bị quên đi.

Vì thiếu động cơ phát triển bứt phá bằng khoa học, nên người Việt Nam không khao khát tri thức khoa học, tri thức chấn hưng đất nước, tư duy do đó không khoa học, dễ tùy tiện không có chứng minh bằng dữ kiện.

Hệ quả 1: Số lượng các đầu sách khoa học quá ít ỏi, số lượng ấn phẩm quá ít ỏi.

Hệ quả 2: Các nhà xuất bản nắm tác quyền không quan tâm thị trường Việt Nam mấy, bởi số lượng in quá nhỏ. Việc mua tác quyền khó khăn.

Hệ quả 3: Từ đó, việc viết, dịch sách khoa học không đem lại những phần thưởng vật chất đáng kể cho người bỏ công ra, và không phát triển thành một “nghề chuyên nghiệp”. Thực tế viết sách là rất ít. Dịch là nhiều. Tìm người dịch có chất lượng là rất khó. Điều dễ hiểu.

Hơn nữa, để dịch một quyển sách khoa học không phải chỉ biết những từ ngữ chuyên môn, điều này không khó, mà phải biết cả văn hóa khoa học. Cho nên, người dịch sẽ gặp nhiều vấn đề hơn là từ ngữ khoa học. Và cái thiếu ở người dịch là tinh thần học thuật, truy cứu tìm tòi, nên dễ dàng cho qua những chỗ mình không hiểu mấy, “quét những khó khăn vào dưới thảm”.

“Một trăm năm cô đơn khoa học”

Xin nêu vài sự chậm trễ du nhập sách khoa học vào Việt Nam. Năm 2005 kỷ niệm “năm thần kỳ” của nhà bác học Albert Einstein với năm bài báo thay đổi bộ mặt vật lý thế giới, trong đó có thuyết tương đối hẹp, lúc ông mới 26 tuổi và làm việc kiếm sống ở Sở sáng chế Thụy Sĩ.

Năm đó được UNESCO tuyên bố là “Năm vật lý thế giới”. Thế giới kỷ niệm rất lớn. Sách vở viết về Einstein mới, cũ không thiếu, từng phát triển với “vận tốc ánh sáng”. Nhưng không có quầy sách nào ở Việt Nam nhập bán một quyển tiếng Anh về Einstein. Cũng không ai dịch hay biên soạn một quyển sách nào về Einstein cả.

Thí dụ thứ 2: Quyển sách của Albert Einstein Thuyết tương đối hẹp và rộng - Viết cho đại chúng được xuất bản tại Đức năm 1917. Quyển sách này mới được xuất bản bằng tiếng Việt năm 2014, sau cuộc “lệch giờ trăm năm”. “Một trăm năm cô đơn khoa học”, và còn tiếp tục cô đơn nữa nếu không có gì thay đổi trên diện rộng.

Các quyển của Newton, Principia và Opticks, sau gần ba trăm năm rưỡi, vẫn chưa có mặt tại Việt Nam. Tiểu sử của Newton, cũng như nhiều nhà vật lý nổi tiếng khác như Galilei, Maxwell, vẫn chưa xuất hiện.

Sách khoa học do người Việt Nam tự biên soạn lại càng ít, rất hiếm, cho thấy: 1) trình độ học thuật thấp, sự hiểu biết khoa học như một bộ phận của văn hóa thiếu; 2) ý thức truyền bá khoa học, và trách nhiệm thấp; khoa học không được định hướng ở VN.

Tóm lại, cái văn hóa khoa học, nhìn từ góc độ sách, cái không thể thiếu, hiện còn hầu như chưa có đáng kể.

Không thể nào có dân giàu nước mạnh mà không có khoa học, công nghệ, và nền văn hóa khoa học kém phát triển.

Khoa học không phải là đồ trang sức hay xa xỉ. Nó gắn liền với sự phú cường của một dân tộc như máu thịt. Hoặc thực hiện nó, hoặc lạc hậu hoài hoài.

Tặng sách trong tủ sách “Nhất nghệ tinh”

Trong bối cảnh mà nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Xanh: “Các nhà xuất bản không có “khẩu vị” với các loại sách khoa học mà họ nghĩ là “khô khan” và không quan trọng, không kiếm được khách. Cũng như thế đối với các loại sách công nghệ, kỹ thuật.

Sách dạy nghề kỹ thuật lại càng không”, có thể thấy bộ sách của tủ sách “Nhất nghệ tinh” vừa được NXB Trẻ xuất bản ba quyển quan trọng dịch từ Đức (Chuyên đề cơ khí, Chuyên đề kỹ thuật điện - điện tử Chuyên ngành kỹ thuật ôtô và xe máy hiện đại) là cả một nỗ lực lớn. Tập sách mới nhất vừa ra mắt ngày 8-11, được gửi tặng 9 thư viện, 60 trường trung cấp, 96 trường cao đẳng, 17 đại học.

Tủ sách “Nhất nghệ tinh” do Quỹ Saigon Times Foundation, NXB Trẻ và Ủy ban tương trợ người Việt Nam tại CHLB Đức thực hiện. Dự kiến có 5 cuốn sách chuyên ngành khác được xuất bản từ nay đến năm 2018.

HỒNG NHUNG

NGUYỄN XUÂN XANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên