09/10/2016 12:02 GMT+7

Gia tài triệu năm của ông chủ quán cà phê Chuông Đá

THÁI BÁ DŨNG (dungtb@tuoitre.com.vn)
THÁI BÁ DŨNG (dungtb@tuoitre.com.vn)

TTO - 4g chiều, quán cà phê Chuông Đá có khách bước vào. “Chú ơi có bán cà phê không à?” - vị khách trẻ hỏi. Ông chủ quán nhỏ nhẹ đáp: “Dạ thưa bữa nay quán không phục vụ cà phê nữa”...

Một chiếc chuông đá - phát ra các âm thanh như một thứ nhạc cụ - được ông Thành sưu tập và sắp xếp - Ảnh: B.D.
Một chiếc chuông đá - phát ra các âm thanh như một thứ nhạc cụ - được ông Thành sưu tập và sắp xếp - Ảnh: B.D.

Ông chủ quay vào, cười: “Thật ra tui vẫn có phục vụ cà phê nhưng đoán qua khách nào muốn khám phá, muốn biết về kiến thức văn hóa thì tui mới cho vô”.

Đến quán cà phê nghe chuyện... con rết

Ông Hoàng Thành - chủ nhân quán cà phê Chuông Đá (599 Lê Duẩn, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) - dẫn chúng tôi tham quan một vòng “gia tài” của ông.

Những cột đá to một vòng tay ôm được đặt lên giữa khu vườn, gõ lên ở mỗi vị trí khác nhau lại phát ra những âm thanh lạ lẫm. Sát nơi sinh hoạt của cả gia đình ông Thành, gần như ông dành tất cả khoảng không gian cho đá hóa thạch.

Những cục đá nhìn qua như vô tri nhưng khi được nghe ông chủ quán lạ lùng này kể, tất cả đều mang một câu chuyện sống động của... vũ trụ, tưởng như đang cựa quậy.

Phía sau khuôn viên quán cà phê, một ngôi nhà dài của người Ê Đê được dựng lên khéo léo, nằm lặng lẽ. Trên gian nhà gỗ ấy có đầy đủ tất cả vật dụng truyền thống: trống h’gơr, ghế nằm của gia chủ, bếp lửa còn tro ấm...

Ông Thành bảo ông đã phải mất nhiều năm trời để đưa được nhà dài về thành phố. Ông kéo tay chúng tôi bảo ngồi lên chiếc ghế k’pan dài tới 15m, được đục đẽo từ một thân cây. Ông bảo nhắm mắt lại...

“Mỗi vật dụng của người bản địa đều mang một linh hồn, một câu chuyện khác nhau. K’Pan có nghĩa là... con rết. Ngày xưa để có một cái ghế như thế này phải mất cả năm năm trời đục đẽo, làm lễ cúng, giây phút cuối cùng là khiêng về làng.

100 thanh niên trai tráng mặc áo truyền thống, đóng khố đi hai hàng kề vai hai bên ghế để khiêng về làng, họ đi xuyên qua tán rừng một cách từ từ.

Nhìn xa tới, thân ghế màu nâu giống như mình con rết, 100 chàng trai đóng khố đều đặn bước đi hai bên, màu khố nổi lên giữa màu rừng như những bàn chân con rết. Người ta đặt cho cái tên k’pan là vì thế” - giọng của ông kể đều đều.

Lần đầu tiên được nghe câu chuyện ấy, bằng giọng kể lạ lùng của một ông chủ quán cà phê lạ lùng trong một không gian rất buôn làng, người bạn đi cùng chúng tôi thốt lên: “Tôi sống ở Tây nguyên nhưng lần đầu tiên được nghe chuyện thú vị thế về chiếc ghế k’pan”.

Một chiếc chuông đá, gõ vào mỗi vị trí lại phát ra các âm thanh khác nhau
Một chiếc chuông đá, gõ vào mỗi vị trí lại phát ra các âm thanh khác nhau

Mở quán để trưng bày hóa thạch

Ông Thành là người Huế, theo cha mẹ lên Tây nguyên năm 1968. Ông từng làm đủ thứ nghề, nhưng nghề chính vẫn là dân kỹ thuật cầu đường.

Mới gặp ông, nhìn tướng mạo và sự am hiểu về văn hóa, cổ vật nhiều người cứ nghĩ ông là... nhà khoa học. Ngoài bộ sưu tập về văn hóa Ê Đê, M’Nông, ông còn có bộ sưu tập hóa thạch cổ sinh lên tới hàng chục tấn mà theo nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá là “khổng lồ và rất có giá trị”.

Ông Thành cho biết ông bắt đầu sưu tầm đồ hóa thạch từ khi còn làm công nhân cầu đường. Được đi nhiều nơi, chứng kiến những mẩu đá có hình thù lạ lẫm ông đã bắt đầu nhặt về.

Tỉ mẩn rửa sạch rồi soi lên, ông reo lên sung sướng khi thấy trong lõi đá là hình thù những sinh vật cổ như ốc, nghêu, giun biển, tôm cá, thậm chí cả lá cây, rong biển.

“Tôi không dừng lại được. Cứ có tiền là tôi lại đi khắp nơi, lang thang dọc triền sông Sêrêpôk để nhặt về. Những mẩu đá là cả thông điệp của thời gian, sự sống cách đây cả triệu năm về trước” - ông nói.

Năm 2001, số lượng mẫu vật, đồ đá hóa thạch nhiều đến nỗi ông phải bán hết đất đai, gom tiền mở quán cà phê để trưng bày đồ hóa thạch.

Quán cà phê của ông mở ra, nằm gần cổng Trường ĐH Tây nguyên. Nhiều chuyên gia đầu ngành, khách Tây đến du lịch bị bất ngờ bởi bộ sưu tập khổng lồ, đủ nhóm loài cổ sinh ngành biển mà ông Thành đang có.

Quán Chuông Đá trở thành điểm hẹn không phải để thưởng thức cà phê mà... nghe kể về các hóa thạch.

Năm 2007, cố GS.TS khoa học Vũ Ngọc Hải sau khi được tận mắt tham quan, ông đã về giới thiệu kho tàng của ông Thành cho Bảo tàng Thiên nhiên VN.

Ba năm sau đó, bảo tàng này cử một đoàn khoa học vào làm đề án khảo sát, tiếp nhận. Ông Thành đã quyết định chuyển 11 tấn mẫu vật, cây gỗ hóa thạch ra thủ đô phục vụ công chúng.

“Bộ sưu tập của ông Thành có giá trị rất lớn, nói về cả một giai đoạn trong kỷ Jura, thời kỳ những loài khủng long sống trên trái đất cách đây trên 170 triệu năm.

Lúc đó Tây nguyên chúng ta đang chìm dưới nước, minh chứng là những loài cổ sinh mà ông Thành tìm được, có thể những cổ sinh ấy lớn nhất thời điểm bấy giờ và chỉ có duy nhất ở Tây nguyên.

Chính vì thế Bảo tàng Thiên nhiên VN đã tiếp nhận các mẫu vật về trưng bày, các mẫu vật này đều rất có giá trị” - đó là khẳng định của PGS.TS Tạ Hòa Phương - chủ tịch Hội Cổ sinh địa tầng VN.

Kho cổ vật của ông Thành được phân làm năm nhóm: nhóm mẫu hóa thạch thuộc lớp cúc đá (ammonoidea, vỏ sò hóa thạch) - chỉ có duy nhất ở Tây nguyên, hóa thạch thuộc lớp hai mảnh vỏ (chân rìu), hóa thạch chân bụng (gastropoda), hóa thạch ngành thực vật hạt trần (gymnospermae), hóa thạch thực vật thân gỗ bị silic hóa - lần đầu tiên phát hiện ở khu vực Tây nguyên.

Sẽ hiến tặng, chuyển giao cho bảo tàng

Những mẫu vật sinh vật biển hóa thạch trong bộ sưu tập của ông Hoàng Thành -  Ảnh: B.D.
Những mẫu vật sinh vật biển hóa thạch trong bộ sưu tập của ông Hoàng Thành - Ảnh: B.D.

Ông Hoàng Thành cho biết nguyện vọng tha thiết của ông là muốn được hiến tặng, chuyển giao toàn bộ bộ sưu tập để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.

“Tôi đã liên lạc, gửi thuyết trình cho Bảo tàng Lịch sử tự nhiên TP.HCM rồi nhưng chưa được trả lời. Bảo tàng nào muốn tiếp nhận tôi cũng sẵn sàng, nhưng nơi đó phải thật sự... yêu thương và tha thiết các mẫu vật của tôi.

Đây là thứ không thể ước đoán được bằng tiền, mà đó là cả một bề dày văn hóa, kho kiến thức của nhân loại” - ông Thành nói.

THÁI BÁ DŨNG (dungtb@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên