02/10/2016 09:49 GMT+7

Đọc truyện ngắn cuối tuần: Tạc tượng Phật

Truyện 1.177 chữ của TỪ NGUYÊN THẠCH
Truyện 1.177 chữ của TỪ NGUYÊN THẠCH

TTO - Tin Tám “tệ nạn” bỏ vô chùa tu lan nhanh trong giới văn nghệ sĩ tỉnh. Lý nhạc sĩ nghe tin này đầu tiên, vội thông báo cho anh em trong chầu nhậu ngay chiều hôm đó.

Minh họa: KIM DUẨN

 

- Thật hổng hiểu nổi vì sao Tám tệ nạn lại vào chùa. Làm sao ổng chịu nổi cảnh chay tịnh héo hắt nơi đó hả trời! - Lý nhạc sĩ cảm thán.

Tám tệ nạn là tên giới văn nghệ sĩ đặt cho nhà điêu khắc Nguyễn Tường. Xuất thân từ Trường mỹ thuật Gia Định, Tường về làm giáo viên trường trung cấp mỹ thuật tỉnh và có chân hội viên hội văn nghệ tỉnh nhà.

Còn biệt danh “Tám tệ nạn” là do anh thứ Tám, tính ưa nhậu nhẹt quên hết đường về. Không chỉ nhậu vui với bạn bè văn nghệ, Tám còn nhậu với đủ hạng người trong xã hội. Từ hạng có danh vọng, tiền bạc đến anh xe ôm, ông già bán vé số, từ kẻ ăn xin đến tụi ma cô trộm cướp. Có hôm nhậu xong xỉn quá Tám nhà ta nằm lăn ra đất ngủ ngon lành. Nhậu kiểu đó riết khiến thiên hạ đặt cho biệt danh Tám tệ nạn.

Lạ cái, ai nhậu với Tám tệ nạn một vài lần là thành bạn. Là vì ảnh chẳng xét nét chuyện có tiền hay không có tiền trả độ nhậu, quan chức trên tỉnh hay phó thường dân Nam bộ, nhà giáo hay kẻ đầu trộm đuôi cướp... Quan trọng là phải biết uống. Uống sao coi cho được. Uống phải có cái tình. Bởi vậy, tuy mang danh là Tám tệ nạn nhưng mọi người không xa lánh, thậm chí còn cảm thấy sung sướng mỗi lần được cà kê với Tám.

Có thể nói Tám tệ nạn đến với trần gian này là để uống rượu và làm bạn với hết thảy mọi người. Bởi vậy tin Tám tệ nạn đột nhiên xa lánh cuộc đời làm ai nấy chưng hửng.

Sau chầu nhậu, Lý nhạc sĩ được giới văn nghệ giao nhiệm vụ gặp Tám tệ nạn hỏi cho ra lẽ. Ngôi chùa Tám tệ nạn nương náu treo chót vót trên núi cao trong rừng Dầu Tiếng. Muốn đến đó phải thuê đò vượt lòng hồ Dầu Tiếng, sau đó đi bộ hơn chục cây số và cuối cùng là leo núi đến bở hơi tai. Lý nhạc sĩ đi cùng hai ông bạn để có người trò chuyện, động viên.

Đường sá xa xôi, đi một mình dễ nản, dễ bỏ cuộc lắm. Vậy mà vừa vượt hồ Dầu Tiếng, một ông bạn theo đò trở lui vì nhìn đường rừng hun hút tự nhiên chân bủn rủn đi không nổi. Lý nhạc sĩ cùng ông bạn còn lại luồn rừng. Tới chân núi, đến phiên ông này xin nghỉ tại một chòi than của dân địa phương vì thấm mệt. Một mình leo núi cũng nản. Nếu không vì tình bạn sâu xa thì Lý nhạc sĩ cũng bỏ cuộc.

Đến cửa chùa, Lý gặp một nhà sư đang tưới cây, liền hỏi xin gặp anh Tám.

- Mô Phật, không được. Thầy Tám vừa xuống tóc, nguyện ba tháng không tiếp ai.

- Nhờ thầy nói lại, tui là Lý, bạn thân của thầy Tám từ dưới thị xã lên.

Nhà sư nhìn Lý nhạc sĩ từ đầu đến chân như để kiểm chứng, rồi khuất vào trong. Một lát nhà sư bước ra:

- Thầy Tám biểu lấy cơm mời khách, trải chiếu khách nghỉ qua đêm đặng mai về sớm. Thầy Tám dứt khoát không tiếp khách.

Lý nhạc sĩ chỉ biết lắc đầu quay gót.

Khoảng một năm sau, phật tử đi chùa núi Dầu Tiếng thấy xuất hiện trên đỉnh núi một tượng Phật Thích Ca cao đụng trời xanh. Tác giả bức tượng ấy chính là nhà điêu khắc Nguyễn Tường, tức Tám tệ nạn. Dạo đó tượng đã vào giai đoạn cuối, chỉ còn chạm khắc một số chi tiết nhỏ như lấy vành tai cho tròn, sửa mái tóc gợn cong...

Ngồi trên giàn giáo cheo leo bên vách núi, thầy Tám tỉ mẩn làm cái công việc đòi hỏi sự khéo léo mà vô cùng tinh tế ấy. Trong chiếc áo lam lốm đốm trắng của mồ hôi muối, thầy Tám dồn hết tâm lực vào công việc. Trong nắng sớm hay mưa chiều, giữa cảnh núi rừng biến ảo từng khắc vẫn thấy dáng thầy Tám đung đưa bên sườn núi. Chỉ khi hồi chuông chiều trầm mặc vang lên báo một ngày nữa sắp hết thầy Tám mới rời giàn giáo.

Một ngày kia, đường lên chùa treo đầy cờ phướn. Phật tử kéo về rất đông. Hôm nay là lễ khánh thành tượng Phật. Trước sân chùa, một lễ đài được dựng lên, chung quanh đặt nhiều hàng ghế cho quan khách. Khi sân chùa đã chật kín người, sau ba hồi trống và một hồi chuông trang nghiêm, sư trụ trì bước lên lễ đài công bố lễ điểm nhãn cho tượng Phật, cũng là lúc chính thức khánh thành bức tượng.

Mọi người đổ dồn mắt nhìn lên giàn giáo cao, nơi thầy Tám đang dùng cọ sơn vẽ con ngươi mắt Phật bên trái. Mắt Phật vẽ xong sống động như có thần lực. Qua con mắt phải, thầy Tám vừa vươn vai thì bất ngờ cây cọ văng khỏi tay. Thầy Tám vói theo chụp và rơi xuống đất trước hàng trăm ánh mắt kinh hoàng.

Thầy Tám được đưa đi cấp cứu. Bác sĩ coi phim xong nói: “Lạ, té cao vầy mà chỉ gãy xương vai, đầu không hề hấn gì”.

Nằm viện hơn tháng, Tám tệ nạn về nhà, một cánh tay còn bó bột tận vai. Bạn văn nghệ kéo lại đông vui như ngày xưa. Lý nhạc sĩ trách:

- Sao đột nhiên bỏ rượu đi tu, thật hổng hiểu nổi ông?

Tám tệ nạn chậm rãi:

- Tạc tượng Phật phải có lòng thành. Suốt một năm qua tui không đụng giọt rượu nào. Nhớ bạn bè lắm, định bụng làm xong uống lại. Thèm lắm cũng ráng nhịn.

- Cha, nhịn được tới giờ là quá giỏi! Thôi, làm bậy vài xị giờ nghen? - Lý nhạc sĩ đề nghị.

- Khoan, để kể tiếp - Tám tệ nạn khoát tay - Đến đêm trước ngày điểm nhãn tượng, chịu không nổi tui uống, ai ngờ bị vật té vầy...

- Chắc nhằm lúc chóng mặt nhức đầu, chứ lẽ nào... - Lý nhạc sĩ nói.

- Tin hay không tùy người. Nhưng từ nay tui bỏ rượu. Không phải là để chuộc lỗi lầm mà trong những ngày chay tịnh tui nghiệm ra bạn rượu chỉ trong chốc lát, bạn chí tình chí nghĩa mới thật lâu dài, phải không?

Truyện 1.177 chữ của TỪ NGUYÊN THẠCH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên