30/09/2016 14:24 GMT+7

Làm sao trả lời: tha thứ hay không?

LÊ ĐỖ QUỲNH HƯƠNG
LÊ ĐỖ QUỲNH HƯƠNG

TTO - Cuộc đời ngắn lắm, hơi đâu để chỗ cho những người mình không tha thứ được, bạn ơi. Tuy vậy, hãy ráng nhớ: Không tha thứ được thì thôi, xin hãy giữ im lặng.

Ảnh minh họa


Tuần rồi ôn thi học kỳ môn Văn, Tin Nhái đưa cho mình một số câu nói của các danh nhân mà cô giáo cho về tập suy nghĩ trước. Đúng là văn nghị luận, câu nào câu nấy đều đáng suy nghĩ.

Trong đó, ảnh nói: “Con tâm đắc câu này ghê mẹ”. Câu nào? “Sự tha thứ không thể làm thay đổi quá khứ, nhưng nó có thể mở rộng tương lai” (Paul Boese).

Rồi ảnh giải thích những điều khiến ảnh tâm đắc. Mình cười, con trai, con chưa thực sự bước vào đời, cũng chưa thực sự làm ra cái điều gì gọi là lầm lỗi đáng kể hay phải chịu đựng qua cái sự gì gọi là lỗi lầm đáng kể từ người khác, vậy mà con có thể nghĩ ra được một số lý lẽ cho sự tha thứ, cũng khá đấy.

Rồi mình lấy luôn cái luận điểm ảnh đưa ra để chứng minh cho câu này, làm "mối dây liên kết". Mình nói, thứ nhất, con thấy không, nếu như con đã nhìn ra lịch sử là cái không thể viết lại, vậy thì quá khứ cũng là cái không thể thay đổi.

Tốt xấu gì nó cũng đã lỡ xảy ra rồi, vậy thì việc mình cứ chì chiết, nặng nhẹ, thậm chí ôm trong lòng một bụng hận thù hay khinh thường, lâu lâu lại lôi ra tra tấn người ta, thì có làm thay đổi được gì nếu không phải là làm cho nạn nhân càng thêm đau đớn.

"Sự tha thứ không thể làm thay đổi quá khứ, nhưng nó có thể mở rộng tương lai" - Paul Boese.

Rồi mình lại lôi ý mình từng trao đổi với con lâu lắc rồi, thuyết cho ảnh nghe. Mình nói, thứ hai, con thấy không, đã là con người sao tránh được đôi khi lầm lỗi. Quan niệm triết lý từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đều thừa nhận điều đó.

Đông Phương thì có câu “Nhân vô thập toàn”, Tây Phương thì có câu “To err is human”. Mà lầm lỗi, dẫu chẳng ai muốn, nhưng thật ra cũng mang những giá trị nhất định: nó khiến con người ta rút ra được những bài học xương máu, qua đó mà trưởng thành thêm nhiều.

Vậy thì kết hợp ý (1) và ý (2), chẳng phải khẳng định ý nghĩa lớn lao của một tương lai khi người ta được tha thứ hay sao! Thằng con gật gù, có vẻ thấm thía.

Tới ngày thi về, ảnh mỉm cười, cô cho đề là một câu khác mẹ ạ, nhưng vì con hiểu ý nghĩa của sự tha thứ và cho đi, nên con cũng thấy tâm đắc lắm. Con còn nhỏ nên mình chưa vẽ ra cho con thấy hết toàn bộ những mảng màu có thể rất rối rất tối nếu con người ta không chịu tha thứ cho nhau.

Thế giới này đang ngày càng trở nên tàn nhẫn hơn, sự thù ghét, bới móc lỗi lầm nhau… đôi khi ngày càng vượt quá giới hạn kiểm soát, từ diện nhỏ như những mối quan hệ bạn bè, người thân, tình nhân, vợ chồng, đến những tầm lớn hơn, rộng hơn, một ‘"tội nhân" có thể chịu sự khinh bỉ, đào xới của một bộ phận cộng đồng người.

Một người bị thương trên thân thể còn mong một ngày vết thương họ lành đi, liền sẹo. Vết thương lòng họ đã gây ra trong một thời quá khứ ngu ngơ, dại khờ nào đó, nào có đáng cho họ chịu thương tổn suốt đời, để họ phải sống trong nơm nớp, sợ hãi, cứ như phạm nhân bị khắc sâu "Chữ A màu đỏ" để chịu tiếng xấu muôn đời?

Tha thứ vốn không phải là một việc dễ dàng, đặc biệt khi những lỗi lầm trong quá khứ của một hay nhiều người khác từng làm tổn thương to lớn đến chính mình. Tuy vậy, thời gian vốn là một liều thuốc nhiệm màu. Cái gì đã qua, cho qua được thì cho qua.

Liều thuốc tha thứ sẽ tựa như một luồng gió mát lành xoa dịu những thương tổn người ta từng gây ra cho nhau, mà một khi những vết sẹo đã lành, chẳng phải người ta sẽ đủ tự tin để bắt đầu lại từ đầu, để hướng đến một tương lai rộng mở hay sao!

Tuy vậy, nói dễ lắm, làm mới khó. Vì thế, trong những ngưỡng mà mình vẫn còn đang vướng mắc ở cái sự tha thứ hay không’ hãy cố gắng xác định cho rõ: Lỗi đó có phải chỉ diễn ra nhất thời, trong quá khứ, và nay đã không còn?

Nếu đúng là như thế, thì ráng bỏ qua. Không muốn đề cập tới dạng ngược lại, vì nếu đó đã là dạng lỗi "tay làm quen tay, miệng ăn quen miệng", thì tha thứ lại không phải là liều thuốc tốt, chỉ tổ dung túng thêm cho những việc làm sai trái thêm đất mà tung tẩy thôi. 

Bạn sẽ muốn hỏi mình, nếu đúng là những gì hoàn toàn xảy ra trong quá khứ, nhưng bạn cảm thấy bạn không thể tha thứ được, rồi sao?

Không sao cả, bạn ạ. Người ta không thể miễn cưỡng làm điều mà trong lòng người ta không thuận, hay chưa thông.

Trong trường hợp này, đơn giản đặt nó ra khỏi vùng suy nghĩ của bạn. Đơn giản như một thao tác nhấn nút ‘Delete’ – xóa đi một file xấu mà bạn không muốn lưu trong ổ cứng máy tính của bạn, và cùng với hành động đó, tiễn luôn nhân vật chính nằm trong file đó ra khỏi vùng nhớ, vùng nghĩ của bạn.

Như vậy, não và tim bạn sẽ dư ra được một khoảng trống hữu ích để bạn nạp thêm những ký ức mới, những con người mới khiến bạn vui vẻ vào.

Cuộc đời ngắn lắm, hơi đâu để chỗ cho những người mình không tha thứ được, bạn ơi.

Tuy vậy, hãy ráng nhớ: Không tha thứ được thì thôi, xin hãy giữ im lặng.

Hãy làm người tỉnh táo và hiểu chuyện. Việc bới móc những lỗi lầm đã qua nhằm làm mất mặt đối phương chỉ làm giảm giá trị hình ảnh của bạn trong mắt những người khác mà thôi, chưa kể, còn có khả năng tạo nghiệp xấu, mà sau này bạn phải oằn lưng gánh trả, không đáng đâu bạn.

Còn một khả năng cuối cùng. Có thể bạn sẽ cứ hỏi mình: Vẫn rất muốn tha thứ cho một (hay một số) người vì những lỗi lầm trong quá khứ, nhưng mãi vẫn không thể tha thứ nổi, vậy biết phải làm sao?

Làm sao ư?

Mời bạn quay về câu trích gốc đã tạo cảm hứng cho mình viết nên bài này: “Sự tha thứ không thể làm thay đổi quá khứ, nhưng nó có thể mở rộng tương lai”.

Vì tương lai của người ấy và (rất có thể) cho tương lai rộng mở của cả chính bạn, hãy tâm niệm trong lòng câu nói này, bạn sẽ có tâm để buông bỏ gút mắc, dễ mở lòng tha thứ những người quan trọng đó trong cuộc đời bạn đấy, bạn ạ.

___________

*Bài trích từ sách Thương còn không hết... Ghét nhau chi, tác giả Lê Đỗ Quỳnh Hương (NXB Trẻ ấn hành tháng 9-2016).

LÊ ĐỖ QUỲNH HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên