03/09/2016 11:51 GMT+7

Chờ đợi thế hệ mới 
của Điều còn mãi

ĐỘC CẦM
ĐỘC CẦM

TTO - Nói như nhạc trưởng Lê Phi Phi, Điều còn mãi 2016 (diễn ra chiều 2-9 tại Hà Nội, truyền hình trực tiếp trên VTV3) “vẫn có những điều cũ và đem tới một số điều mới”.

Ca sĩ Tùng Dương (trái) và nhạc trưởng Lê Phi Phi trong chương trình Điều còn mãi chiều 2-9 - Ảnh: LÊ ANH DŨNG
Ca sĩ Tùng Dương (trái) và nhạc trưởng Lê Phi Phi trong chương trình Điều còn mãi chiều 2-9 - Ảnh: LÊ ANH DŨNG

Tới mùa tổ chức thứ 7, hòa nhạc Điều còn mãi vẫn hoàn thành tốt vai trò tôn vinh những tác phẩm âm nhạc giá trị của Việt Nam và truyền tới người nghe cảm xúc cũng như tinh thần của nhiều giai đoạn lịch sử dân tộc.

Nói như nhạc trưởng Lê Phi Phi, Điều còn mãi 2016 (diễn ra chiều 2-9 tại Hà Nội, truyền hình trực tiếp trên VTV3) “vẫn có những điều cũ và đem tới một số điều mới”. 

Cái không mới hay nói cách khác, theo tinh thần của chương trình này, là cái cố định chính là sự lựa chọn các tác phẩm trình diễn và hình thức thể hiện.

Vẫn là những ca khúc và bản khí nhạc có giá trị của nền âm nhạc Việt Nam trình diễn bởi dàn nhạc giao hưởng.

Người nghe gặp lại các ca khúc đã quen thuộc với nhiều thế hệ như Đất nước trọn niềm vui, Chào sông Mã anh hùng, Dáng đứng Việt Nam… được thể hiện một cách trang trọng bởi Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và những giọng ca hàng đầu như Đăng Dương, Tùng Dương, Hồng Vy…

Tuy nhiên, những gì có thể coi là mới thực ra cũng không mới. Tác phẩm “trẻ” nhất trong chương trình là Bạch Đằng giang của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng ra mắt lần đầu tiên năm 2012.

Hay ca khúc Hồ trên núi của nhạc sĩ Phó Đức Phương viết năm 1971 và bản khí nhạc hiếm hoi của nhạc sĩ Phú Quang Tình yêu của biển cũng ra đời từ năm 1978.

Một điểm cũng dễ nhận thấy nữa là sau nhiều năm tổ chức, gạch nối của các thế hệ sáng tác âm nhạc Việt Nam cho tới nay vẫn chỉ mới dừng ở những cái tên như Trần Mạnh Hùng hay trước đây là Đặng Tuệ Nguyên.

Có phải âm nhạc Việt Nam đương đại quá khan hiếm những cái tên, những tác phẩm xứng đáng để tiếp nối các thế hệ đi trước?

Hay những người thực hiện chương trình cũng cần cởi mở hơn để thêm những tác phẩm, ca khúc của thế hệ nhạc sĩ ngày hôm nay lên được sân khấu Điều còn mãi, nối dài được sức sống cho phần hồn của chương trình, đó là âm nhạc?

Mặc dù không hướng tới những yếu tố đổi mới hay đương đại trong âm nhạc, nhưng Điều còn mãi vẫn để lại cho những khán giả trực tiếp thưởng thức chương trình tại khán phòng Nhà hát lớn Hà Nội sự xúc động sâu sắc.

Bởi đó giống như một cơ hội để người Việt Nam ngồi lại với nhau trong khoảnh khắc đất nước độc lập và cùng chiêm nghiệm, suy nghĩ về Tổ quốc với sự dẫn dắt bởi âm nhạc. Có lẽ đó là lý do chương trình này xứng đáng là một sự kiện hòa nhạc quốc gia.

ĐỘC CẦM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên