30/08/2016 09:38 GMT+7

Giật mình nhìn lại thế giới tự nhiên...

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TTO - Không phải ngẫu nhiên khi đọc Bảo tàng lịch sử tự nhiên của tớ - Đại lục Gondwana (do NXB Kim Đồng ấn hành), ai đó trong chúng ta sẽ giật mình nhìn lại thái độ ứng xử của con người với thiên nhiên.

Cuốn sách Bảo tàng lịch sử tự nhiên của tớ - Đại lục Gondwana hấp dẫn độc giả nhí - Ảnh: Đ.TRIẾT
Cuốn sách Bảo tàng lịch sử tự nhiên của tớ - Đại lục Gondwana hấp dẫn độc giả nhí - Ảnh: Đ.TRIẾT

Cả GS Nguyễn Lân Dũng và TS Vũ Văn Liên - phó giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam - khi dự buổi ra mắt (sáng 27-8 tại Hà Nội) đều cho rằng cuốn sách này góp thêm hồi chuông cảnh báo về nguy cơ của một cuộc đại tuyệt chủng...

Với những ưu điểm như minh họa 3D được phục dựng kỳ công, thông tin khoa học hữu ích được trình bày ngắn gọn, súc tích nên dù chỉ gói gọn trong 70 trang khổ 24 x 27cm cùng lượng chữ rất ít (khoảng 200 chữ/2 trang mở), cuốn sách Bảo tàng lịch sử tự nhiên của tớ - Đại lục Gondwana (tác giả: Henry Desmet và Sandrine Mercier, dịch giả: Phan Hoàng) vẫn đủ sức gợi mở một phần lịch sử của Trái đất, của thế giới tự nhiên từ lúc Trái đất bắt đầu hình thành đến khi sự sống xuất hiện.

Đấy là câu chuyện hấp dẫn dài đến 3,5 tỉ năm về quá trình tiến hóa của thế giới tự nhiên được thể hiện bằng những trang sách có hình ảnh đẹp, sinh động, giúp độc giả hình dung về những nhóm động vật cổ xưa sau năm cuộc đại tuyệt chủng đã không còn nữa như: chuồn chuồn Meganeura, bò sát giống thú Dimetrodon, các loài khủng long như Plesiosaurus, Diplodocus, Tyran nosaurus Rex..., thằn lằn có cánh Pterodactylus, chim thủy tổ Archaeopteryx, chim Dodo...

Thế nhưng theo GS Nguyễn Lân Dũng, nếu năm cuộc đại tuyệt chủng trước là do sự chọn lọc tự nhiên hoặc do thiên tai theo trật tự tự nhiên của sự sống, giờ đây đang có cuộc đại tuyệt chủng mới diễn ra rất nhanh với nguyên nhân chủ yếu do con người gây ra biến đổi khí hậu, môi trường sống và hủy diệt các loài sinh vật.

Không cần dẫn chứng đến những loài quý hiếm trong Sách đỏ mà lấy luôn con quạ, một loài chim vốn rất quen thuộc ở Việt Nam cách đây vài chục năm trước nhưng giờ đây gần như ít nhìn thấy, GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ: “Hiện nay nước ta nhập khoảng 4.100 loại thuốc trừ sâu với khối lượng 70.000 - 100.000 tấn thuốc trừ sâu/năm.

Với một môi trường bị bao phủ bởi thuốc trừ sâu hóa học như thế, con cá, con cua chết. Con quạ ăn cá, cua nhiễm thuốc trừ sâu thì quạ cũng chết. Cứ đà này, thêm vài chục năm nữa có khi chúng ta phải nhập khẩu quạ về.

Nói đến điều này là chúng tôi muốn kêu gọi mỗi người, nhất là thế hệ tương lai, hãy giật mình nhìn lại để xem cần có thái độ ứng xử với môi trường sống như thế nào, đừng để các loài vật cứ dần dần bỏ ta mà đi”.

TS Vũ Văn Liên nhấn mạnh thêm: “Trong cuộc đại tuyệt chủng thứ sáu, mỗi ngày có ít nhất 40 loài biến mất mà không được thay thế. Người ta ước tính đến cuối thế kỷ này, hơn một nửa số loài, cả động vật và thực vật hiện nay, sẽ biến mất.

Trong khi đó, sự xuất hiện của loài mới diễn ra rất chậm. Sẽ ra sao nếu đến một lúc nào đó thế giới này chỉ trơ lại con người? Câu trả lời tất nhiên sẽ là sự sụp đổ của xã hội loài người.

Thế nên ngay bây giờ con người không được đổ lỗi cho tự nhiên, mà cần đối xử bình đẳng với muôn loài qua các giải pháp hiệu quả”.

Thi viết “Những câu chuyện từ biển đảo”

NXB Kim Đồng phối hợp với báo Thiếu Niên Tiền Phong, CLB Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu đã phát động cuộc thi viết “Những câu chuyện từ biển đảo”.

Cuộc thi dành cho các em học sinh 9-15 tuổi trong cả nước, viết về những câu chuyện, niềm mong ước, khát vọng, tình cảm... của các em với biển đảo quê hương dưới dạng văn xuôi (chưa đăng báo hoặc in sách), dài không quá 500 từ.

Bài dự thi gửi về phòng truyền thông NXB Kim Đồng, 22 Hàng Chuối, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội hoặc email: truyenthong.nxbkimdong@gmail.com. Thời gian nhận bài từ ngày 1-9 đến hết 10-11-2016.

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên