28/08/2016 11:15 GMT+7

Truyện ngắn: Gọi giấc mơ về

NGUYỄN BÍCH LAN
NGUYỄN BÍCH LAN

TTO - Nó chạy theo sau ba nó trên bãi biển, vừa chạy vừa gào như muốn dập tiếng gió đi. “Ba, ba nhớ năm ngoái con đi khai giảng năm học mới, ba nói năm nay con đứng nhất lớp, thi học sinh giỏi cũng giải nhất thì muốn thưởng gì ba cũng thưởng, ba nhớ không?”.

Minh họa: Kim Duẩn
Minh họa: Kim Duẩn

 

Ba nó vừa bước về phía trước vừa ngoái đầu lại, đáp trong tiếng gió: “Nhớ!”.

Nó chạy trong cát lún, cố tránh những chiếc thuyền nằm úp trên mặt cát như những nấm mồ trọc không cỏ mọc, cố tranh với gió một khoảng lặng, tiếp tục gào:

“Ba nói con nhà nghèo chỉ học giỏi chưa đủ, phải lo làm giúp cha mẹ. Con nghe lời ba chiều nào đi học về con cũng giúp mẹ gỡ lưới, phơi lưới, ba nhớ không? Con còn học vá lưới cho tới kỳ con phải luyện thi học sinh giỏi, ba nhớ không?”.

Ba nó ngoái đầu lại một lần nữa, đáp như quát “Nhớ!” trước khi đưa cái bóng dài lêu nghêu của mình vào rặng thông mờ tối. Dường như ba nó đã bắt đầu hối hận vì bấy lâu nay đã làm ngơ để nó nhiễm cái thói cãi lý tay đôi với người lớn, thậm chí khuyến khích cái thói ấy bằng những tràng cười hà hà hoặc điệu bộ gật gù như ngầm nói “tau khoái có thằng con thông minh và giỏi lý sự như mi”.

Ngôi nhà nhỏ của gia đình nó hiện ra thấp thoáng sau rặng thông xanh sẫm. Ba con nó như hai con thuyền chòng chành trong bóng tối bỗng thấy ngọn hải đăng dẫn lối vào bờ. Nhưng nó chưa chịu kết thúc cuộc tra vấn dai dẳng của mình. Bây giờ nó phải tranh với cả gió lẫn rặng thông để lời nó bay được lên phía trước mươi bước, tới tận tai ba nó.

“Hôm bế giảng con mang ba tấm giấy khen về, ba hỏi con muốn thưởng gì, con nói chẳng muốn chi hết, con chỉ muốn ba thưởng con chiếc xe đạp mini. Ba nói được, con đi chơi Sài Gòn về sẽ có xe đạp! Ba nhớ không?”.

“Nhớ!” - ba nó đáp, như thể chưa lặp lại từ đó tới mấy lần, rồi đưa tay đẩy cánh cổng được ghép bằng những thân tre chẻ đôi. Nó bắt đầu mếu máo: “Thế mà bây giờ ba nói không... không xe pháo... chi hết!”. Giọng nó tắc nghẹn, rồi nó òa khóc trước bậc hiên.

Mẹ nó đang quét sân, buông cái chổi đánh “cạch”, chỉ tay về phía nó, mắng một thôi một hồi: “Mi khóc chi rứa! Mi đi chơi ba tháng trời, về tới nhà là mi hành ba! Mi đòi như đòi nợ! Mi có biết vì sao ba mi thất hứa không? Mi có biết vì sao mi ở chơi nhà o Hà những ba tháng, chứ không phải một tuần như ba mi tính không?

Vì o Hà nuôi mi đỡ ba mẹ mi đó. Ba tháng hè mi đi chơi Sài Gòn, ở nhà ba mi không đi biển được, mẹ mi không bán nổi một con cá, không kiếm nổi một đồng, mi biết không? Mi vào góc buồng mà coi đám lưới khô queo từ khi mi đi chưa gỡ kìa! Gạo mi ăn bữa tối nay là gạo được phát đó! Gạo cứu đói đó, mi biết không?

Ba mi đang đau đầu lo chạy tiền cho ba đứa tụi mi đóng học năm nay, mua bút vở năm nay, mua quần áo năm nay! Xe đạp ư! Mi học đâu thói đua đòi! Mi chín tuổi rồi chứ bé bỏng gì! Khi nào mi mới biết thương cha mẹ hả! Nếu mi không để cho ba mi yên thì mi no đòn đó!”.

Nó đưa tay bưng miệng, như thể muốn bịt tiếng khóc của mình lại mà không thể. Nó khóc thút thít qua năm ngón tay, khóc trong nỗi oan uổng của mình, trong sự vỡ vạc về nỗi khổ của cha mẹ, trong sự chấp nhận cái lý do hiển nhiên không còn gì để tranh cãi.

Nó ngồi khóc cho tới khi bốn bên hàng xóm đều lên đèn. Lần đầu tiên nó nhận thấy buổi chạng vạng ở xóm nó không có mùi cá.

Nhìn ba nó ngồi im khô trong chiếc ghế gỗ kê bên cửa sổ, nó nhớ lại những buổi tối nó ở nhà cô Hà, xem phim hoạt hình cùng thằng con của cô, cười thả ga. Nó nhớ lại những buổi tối được cô Hà cho đi hóng gió ngoài phố.

Nó nhớ vị của que kem mát lịm, những món ăn thơm phức mà cô Hà nấu trên chiếc bếp từ phẳng hơn cả tấm phản gỗ nhà nó dùng để ngủ. Rồi nó chợt hiểu, một kỳ nghỉ hè như thế đối với nó đã đủ là một phần thưởng mà hiếm có đứa trẻ con nhà dân chài nào ở làng của nó dám mơ tới.

Ăn cơm tối xong, nó hầu như không còn thấy ấm ức gì. Phụ mẹ dọn bát đĩa xong, nó chạy xuyên qua rặng thông đến nhà thằng bạn thân nhất. Nó bước vào trong nhà bạn, chưa kịp để bạn tỏ nỗi vui gặp lại sau ba tháng hè, nó mở miệng, nói lúng búng: “Tuệ, tớ đã hứa với cậu, nhưng... tớ chưa có xe đạp... Năm nay ba tớ chưa có tiền mua xe đạp”.

Mẹ của thằng Tuệ đi tới đặt tay lên vai nó bóp nhẹ: “Hai đứa đừng buồn. Bác bớt bệnh rồi. Bác lại có thể cõng thằng Tuệ đến trường, không để nó phải bỏ học đâu mà lo. Khi nào có xe đạp thì con chở thằng Tuệ đi học đỡ bác...”.

Nó nhìn xuống đôi chân bại liệt teo tóp như hai ống sậy của thằng bạn, suýt nữa lại đổ một cơn khóc òa. Nó muốn nói với bạn rằng nó chỉ tạm thả giấc mơ về chiếc xe đạp đi như thả một con diều, rằng khi nào ba nó có thể ra khơi, nó sẽ gọi giấc mơ về.

NGUYỄN BÍCH LAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên