15/08/2016 15:14 GMT+7

Xem Nerve: trò biến tướng đáng sợ của mạng xã hội

ĐỨC TRẦN
ĐỨC TRẦN

TTO - So với Hackers, The Social Network… những phim mang cùng đề tài, Nerve (Trò chơi đoạt mạng) đã nâng tầm công nghệ số, lồng vào câu chuyện tình vừa kịch tính vừa lãng mạn.

Ảnh: Lionsgate
Cảnh trong Nerve - Ảnh: Lionsgate

Nhờ dàn diễn viên trẻ trung, cảnh quay tuyệt đẹp và phần âm nhạc bắt tai, Nerve dễ dàng là tâm điểm khi ra rạp.

Nụ hôn định mệnh

Vee (Emma Roberts đóng), cô sinh viên trường trung học nhưng nhút nhát tới nỗi không dám bày tỏ tình cảm với anh bạn J.P. trong đội tuyển bóng của trường.

Trong lúc rối bời vì bị J.P. từ chối lời tỏ tình, Vee đăng ký chơi một trò games trực tuyến trên mạng tên là Nerve, sau khi nghe lời gợi ý của Sydney - cô bạn thân, cũng là “ngôi sao” có nhiều fans từ games đang nổi đình đám khắp New York.

Để thực hiện thử thách đầu tiên và nhận 100 USD, Vee phải hôn một người đàn ông lạ ở quán ăn thức ăn nhanh. Người đàn ông ấy là Ian - một “ngôi sao” khác của Nerve.

Ảnh: Lionsgate
Cảnh trong Nerve - Ảnh: Lionsgate

Nụ hôn thay đổi hoàn toàn cuộc sống Vee và Ian: họ trở thành cặp đôi của trò chơi thông qua yêu cầu của người xem. Cả hai phải vượt qua tất cả thử thách cùng nhau, kể cả những trò liều mạng như bịt mắt chạy xe với tốc độ 60 dặm/ giờ…

Khi nhận ra thân thế thật sự của Ian - người mà Vee bắt đầu có thiện cảm, và những biểu hiện bất ổn của trò chơi khiến cô đánh mất chính mình, Vee tìm cách bỏ cuộc.

Tuy nhiên, những người chơi và người xem lại không muốn cặp đôi này tan rã và dễ dàng “ăn tiền” rồi… nghỉ chơi như vậy.

Cái giá của sống ảo

Tương tự như các ứng dụng games trên các thiết bị kỹ thuật số hiện nay, nhu cầu thể hiện “quyền lực” và khả năng của bản thân thông qua điểm số, thứ hạng, sự nổi tiếng và cả tiền bạc, là những yếu tố then chốt lôi kéo người chơi dẫn đến nghiện ngập rồi lạc lối.

Trong phim, cô bạn Sydney tự hào rằng việc mình “không sợ gì cả” (ngủ với nhiều đàn ông, dám chơi các thử thách “khoe hàng” trên games) là cá tính và chê cô bạn Vee là vô vị.

Thật vậy, cũng giống như các con số vô tri vô giác từ Facebook, Instagram hay Twitter… Sydney luôn lo ngại ai đó vượt qua cô trong Top 10 người chơi có lượt xem nhiều nhất. Nhưng cuối cùng Sydney lại thua Vee và ngỡ ngàng nhận ra tất cả bọn họ chỉ là trò tiêu khiển của người xem và người chơi.

Còn Vee, từ việc buồn chán vì thất tình và kém nổi bật so với cô bạn Sydney mà liều lĩnh chơi trò Nerve như một cách “giải phóng áp lực” dù cùng lúc đó, cô nhìn thấy thư mời từ Học viện nghệ thuật California.

Xét cho cùng, Vee là hiện thân của thế hệ trẻ ngày nay: thông minh, chính trực và có lý tưởng (Vee mê chụp ảnh). Chỉ có điều, sự yếu đuối đã đưa cô đến với trò Nerve, rồi bị chính những đồng tiền vừa lớn vừa dễ kiếm thu phục.

>> Xem trailer phim:

 

Lãng mạn, giật gân và… một chút tiếc nuối

Tạo kịch tính phim bằng các trò thử thách khi thì hài hước, khi thì mạo hiểm… nhưng có thể gọi tác phẩm này là câu chuyện tình 24 giờ giữa Vee và Ian - những kẻ vì vài lý do, trở thành “tù nhân” của trò Nerve mà chưa thể thoát ra.

Cách duy nhất để họ… tận hưởng thử thách là hãy xem tất cả như một buổi “hẹn hò”, như câu nói mà Ian thổ lộ cùng Vee. Diễn xuất duyên dáng của Emma Roberts và Dave Franco (em trai tài tử James Franco) trong vai Ian cũng giúp người xem không thấy phim giả.

Các diễn viên phụ như Miles Heizer trong vai cậu bạn Tommy và Emily Meade trong vai Sydney… cũng tạo dấu ấn riêng qua các nút thắt mở được cài cắm hợp lý vào phim.

Không chỉ chỉn chu ở khâu sản xuất và hậu kỳ như thiết kế đồ họa, mỹ thuật… mà phim còn thành công khi chọn bối cảnh tuyệt đẹp tại khu phố người Hoa ở New York hay cây cầu Brooklyn nổi tiếng. 

Xuyên suốt phim là các bài hát với giai điệu thời thượng, dễ dàng lôi cuốn khán giả “nhập vai”.

Hai đạo diễn phim là Henry Joost và Ariel Schulman mới ngoài 30, do đó cách họ giải quyết vấn đề đôi chỗ còn non. 

Ảnh: Lionsgate
Cảnh trong Nerve - Ảnh: Lionsgate

 

Chẳng hạn như nhóm quái kiệt về mạng đối đầu với Nerve khá… hời hợt, hay kẻ cầm đầu Nerve chỉ thoáng qua vài giây, rồi đoạn kết khá vụng về và không đủ… ép phê.

Đáng nói nhất là cộng đồng Nerve chưa đáng sợ như cái cách mà chúng ta cảm nhận khi xem V for Vendetta hay Blade Runner… những tác phẩm mang màu sắc sci-fi trong bối cảnh “xã hội mới” nơi con người sống với lý tưởng khác biệt đám đông.

Tác giả kịch bản cũng không muốn Nerve nặng nề và gây ám ảnh (phim dán nhãn PG-13 khá phổ biến), nên hạn chế tối đa sự quyết liệt của cái ác nơi con người mượn trò chơi để giết hại lẫn nhau, như trong Battle Royale, Gamer hay The Running Man…

Lãng mạn hóa tình yêu của Vee và Ian, dù còn vài khiếm khuyết, tác phẩm vẫn có giá trị cảnh tỉnh người xem trước các trò chơi biến tướng cũng như rủi ro “tiền mất tật mang” của internet và mạng xã hội. 

Đó cũng là lý do bạn nên đi xem Nerve và tìm kiếm vài sự đồng điệu, thích thú cho mình.

Ảnh: Lionsgate
Cảnh trong Nerve - Ảnh: Lionsgate
ĐỨC TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên