25/07/2016 20:46 GMT+7

Những sao nữ châu Á ngồi ghế giám khảo danh giá

ĐỨC TRẦN tổng hợp
ĐỨC TRẦN tổng hợp

TTO - Các tờ báo lớn vừa đồng loạt công bố danh sách Ban giám khảo LHP Venice lần thứ 73 (từ 31-8 đến 10-9), trong đó Triệu Vy là cái tên gây bất ngờ nhất.

Trương Mạn Ngọc và giải Ảnh hậu Cannes cho phim Clean trong vai ca sĩ nghiện ma túy - Ảnh Kino

Trước đó, Trương Mạn Ngọc, Thư Kỳ, Jeon Do-Yoen… là số ít những nữ nghệ sĩ được mời đến Cannes, Berlin, Venice trong vai trò giám khảo. Và đó là cơ hội hiếm hoi để họ thể hiện tầm ảnh hưởng của mình, mang về cho điện ảnh phương Đông những chiến tích vẻ vang.

Trương Mạn Ngọc

Minh tinh 52 tuổi đồng thời là diễn viên châu Á đầu tiên đoạt cả hai giải Ảnh hậu tại LHP Berlin 1992 và LHP Cannes 2004. Mặc dù đã giã từ sự nghiệp năm 2010 nhưng với những khán giả 7x, cái tên họ Trương luôn giữ vị trí quan trọng. Cô xuất hiện trên 70 phim, trong đó có các tác phẩm đáng chú ý như Irma Vep, In The Mood For Love, Clean

Cựu hoa hậu Hồng Kông cùng các thành viên BGK Cannes năm 2007 - Ảnh Getty
Cựu hoa hậu Hong Kong cùng các thành viên BGK Cannes năm 2007 - Ảnh: Getty

Năm 1997, Trương Mạn Ngọc được mời làm giám khảo LHP Berlin - nơi tác phẩm The River của đạo diễn Thái Minh Lượng đoạt giải Gấu bạc. Hai năm sau, cô lại được mời vào chiếc ghế tương tự ở LHP Venice, và bộ phim Not One Less của Trương Nghệ Mưu đoạt giải Sư Tử Vàng.

Năm 2007, họ Trương cũng là giám khảo châu Á duy nhất tại Cannes và góp một phần giúp điện ảnh phương Đông thắng lớn bằng giải Grand Prix (chỉ sau Cành cọ vàng) cho đạo diễn Nhật Bản Naomi Kawase; và giải Ảnh hậu cho ngôi sao Hàn quốc Jeon Do-yeon trong Secret Sunshine.

Củng Lợi

Củng Lợi tại Lễ khai mạc LHP Cannes hồi tháng năm vừa rồi - Ảnh Getty
Củng Lợi tại Lễ khai mạc LHP Cannes hồi tháng năm vừa rồi - Ảnh: Getty

Tương tự như minh tinh cùng thời Trương Mạn Ngọc, Củng Lợi đã “chinh chiến” qua ba LHP quốc tế. Năm 1997, cô đến Cannes thực hiện sứ mệnh tìm ra hai chủ nhân cùng nhận giải Cành cọ vàng (đều từ châu Á) là Taste of Cherry của Iran và The Eel của Nhật Bản.

Năm 2000, Củng Lợi là diễn viên châu Á hiếm hoi trở thành Chủ tịch Ban giám khảo LHP Berlin lần thứ 50. Năm đó,  giải Gấu vàng bất ngờ được trao cho Magnolia của Paul Thomas Anderson (Mỹ) trong khi “người tình xưa” Trương Nghệ Mưu chỉ nhận… giải nhì là Gấu bạc (phim The Road Home với sự tham gia của Chương Tử Di).

Hai năm sau, cô được giao vai trò tương tự tại LHP Venice nhưng làm lơ tuyệt phẩm Dolls của Takeshi Kitano và chỉ trao giải thưởng phụ Marcello Mastroianni cho nữ diễn viên Moon So-Ri trong phim Oasis.

Mối quan hệ giữa Củng Lợi và Trương Nghệ Mưu khi hợp khi tan nhưng địa vị của cả hai tại châu Á không thay đổi.

Chương Tử Di

People từng chọn Chương Tử Di là một trong 50 người đẹp nhất 2005 - Ảnh Omega
People từng chọn Chương Tử Di là một trong 50 người đẹp nhất 2005 - Ảnh Omega

Nổi lên sau Ngọa Hổ Tàng Long của đạo diễn Lý An năm 2000, Chương Tử Di ngay lập tức được Hollywood chú ý và lăng xê trong Rush Hour 2, Memoirs of a Geisha… Tuy nhiên, họ Chương chỉ thật sự thành công khi đóng phim nói tiếng mẹ đẻ.

Chưa từng đăng quang Ảnh hậu một trong ba LHP kể trên nhưng với khán giả quốc tế, Chương Tử Di được xem như một ngôi sao.

Chương Tử Di và Monica Bellucci trong dàn giám khảo Cannes 2006 - Ảnh Chinadaily
Chương Tử Di và Monica Bellucci trong dàn giám khảo Cannes 2006 - Ảnh: Chinadaily

Năm 2006, cô và đạo diễn Vương Gia Vệ (chủ tịch BGK Cannes) gây sốc khi không trao bất kì giải thưởng nào cho điện ảnh châu Á dù tác phẩm Summer Palace của Lâu Diệp có ngôn ngữ điện ảnh phóng khoáng và tươi mới.

Dương Tử Quỳnh

Ngôi sao võ thuật Dương Tử Quỳnh không có duyên với vai trò giám khảo cho lắm - Ảnh Bintang
Ngôi sao võ thuật Dương Tử Quỳnh (bìa phải)  - Ảnh: Bintang

Thành danh từ dòng phim võ thuật, cựu Hoa hậu Malaysia bắt đầu gây tiếng vang khi xuất hiện cùng Thành Long trong các phim hành động và bước ngoặt quan trọng là trở thành Bondgirl da vàng tóc đen trong Tomorrow Never Dies của Hollywood năm 1997.

Năm 1999, Dương Tử Quỳnh là một trong chín thành viên BGK LHP Berlin nhưng năm đó Ordinary Heroes của đạo diễn Hong Kong Hứa An Hoa không mang về giải thưởng nào.

Năm 2002, sau khi nổi đình đám với đề cử BAFTA cho phim Ngọa Hổ Tàng Long, Dương Tử Quỳnh tiếp tục chấm thi ở LHP Cannes. Tại LHp này, tác phẩm độc đáo Unknown Pleasures của Giả Chương Kha lại ra về tay trắng dù được báo chí phương Tây ca ngợi.

Thư Kỳ

Cô nổi tiếng khắp thế giới nhờ là một gương mặt quảng cáo ăn khách - Ảnh Kenzo
Thư Kỳ nổi tiếng nhờ là một gương mặt quảng cáo ăn khách - Ảnh: Kenzo

Không giống như những tên tuổi kể trên, Thư Kỳ nổi tiếng ở châu Âu phần lớn nhờ các hợp đồng quảng cáo hàng hiệu từ BVLGARI đến Giorgio Armani. Hầu hết các phim đến Cannes của Thư Kỳ đều là tuyệt phẩm từ đạo diễn Hầu Hiếu Hiền như Millennium Mambo, Three Times, The Assassin…

Nhờ sức hấp dẫn từ ngoại hình và tầm ảnh hưởng trong giới thời trang, Thư Kỳ vẫn được mời đến LHP Berlin 2008 làm giám khảo. Tuy thời điểm đó cô còn hạn chế về tiếng Anh nhưng vẫn giúp đạo diễn Vương Tiểu Soái (thuộc thế hệ thứ 6 ở Trung Quốc) đoạt giải Kịch bản hay nhất cho phim In Love We Trust.

Thư Kỳ và dàn giám khảo nữ tại Cannes 2009 - Ảnh Getty
Thư Kỳ và dàn giám khảo nữ tại Cannes 2009 - Ảnh: Getty

Chỉ một năm sau, cô có vinh dự tương tự cùng Nuri Bilge Ceylan, James Gray… đến Cannes. Suốt thời gian diễn ra LHP, Thư Kỳ từng phàn nàn về tính bạo lực trong các phim tranh giải nhưng cô vẫn bình bầu cho điện ảnh phương Đông ba giải (Đạo diễn xuất sắc thuộc về Philippines; giải giám khảo cho Hàn Quốc và giải Kịch bản cho Trung Quốc).

Jeon Do-Yoen

Cười hết cỡ với giải thưởng cao quý - Ảnh Kino
Joen Do-Yoen với giải thưởng cao quý - Ảnh Kino

Năm 2007, Joen Do-Yoen trở thành diễn viên gốc Hàn đầu tiên đoạt giải Ảnh hậu Cannes trong vai bà mẹ mất con đến loạn trí. Vài tháng sau, cô được Variety chọn vào tốp 50 Nghệ sĩ truyền cảm hứng nhưng phải tới bảy năm kế tiếp, Do-Yoen mới được mời làm giám khảo tại LHP đã vinh danh cô.

Tiếc thay, bộ phim châu Á duy nhất tranh giải năm đó là Still Water của Nhật Bản lại bị nhiều tờ báo phê bình nặng lời và Jeon Do-Yoen không thể làm gì khác hơn ngoài việc ủng hộ Chủ tịch Jane Campion trao Cành cọ vàng đầu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ với Winter Sleep.

Triệu Vy

Nổi tiếng với các phim nói tiếng Trung, Triệu Vy không được kỳ vọng khi làm giám khảo Venice năm nay - Ảnh Citizen
Nổi tiếng với các phim nói tiếng Trung, Triệu Vy không được kỳ vọng khi làm giám khảo Venice năm nay - Ảnh: Citizen

Trên một số diễn đàn điện ảnh, khán giả phương Tây cho rằng nàng Tiểu Yến Tử hầu như không có phim nào từng tranh giải hoặc đoạt giải tại Venice. 

Phải thừa nhận rằng Triệu Vy là một trong những “nữ hoàng phòng vé” ở thị trường phim nói tiếng phổ thông, các phim bom tấn có cô tham gia đều thắng lớn như Họa Bì, Đại chiến Xích Bích… nhưng trong mắt bạn bè quốc tế, Triệu Vy vẫn chưa phải là cái tên phổ biến.

Tính đến thời điểm này, chưa có bất kì tác phẩm châu Á nào có khả năng tham gia Venice, vậy nên chúng ta vẫn phải chờ xem với kinh nghiệm làm đạo diễn kiêm nhà sản xuất, Triệu Vy có thể hiện được tiếng nói của mình hay không. Việc ban tổ chức mời cô làm giám khảo, rất có thể là chiêu tiếp thị bởi thị trường phim ảnh tại Đại lục đang rất mạnh, và người hâm mộ Triệu Vy cũng không ít.

ĐỨC TRẦN tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên