11/07/2016 07:59 GMT+7

Xây khách sạn 
cạnh hồ Gươm có hài hòa cảnh quan chung?

X.LONG - V.V.TUÂN
X.LONG - V.V.TUÂN

TTO - Công trình khách sạn tại số 22-32 Lê Thái Tổ, Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) được lưu ý "nhịp điệu mặt đứng kiến trúc mới không hòa nhập với đặc trưng kiến trúc đô thị và cảnh quan của khu vực (hồ Gươm)".

Khu vực số 22-32 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (ảnh chụp chiều 10-7)  - Ảnh: Nguyễn Khánh
Khu vực số 22-32 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (ảnh chụp chiều 10-7) - Ảnh: Nguyễn Khánh

Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch Nguyễn Thế Hùng triển khai thực hiện kết luận của thường trực Thành ủy về quy hoạch kiến trúc dự án đầu tư xây dựng công trình khách sạn tại số 22-32 Lê Thái Tổ, Q.Hoàn Kiếm.

Kết luận của thường trực Thành ủy đồng ý chủ trương theo đề xuất của Ban cán sự Đảng UBND TP về quy hoạch kiến trúc dự án đầu tư xây dựng công trình khách sạn tại số 22-32 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm.

Theo kết luận của thường trực Thành ủy, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng giao các sở: Quy hoạch - kiến trúc, Kế hoạch - đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Văn hóa - thể thao, Du lịch, UBND quận Hoàn Kiếm và các đơn vị có liên quan tạo điều kiện giúp nhà đầu tư thực hiện hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và kế hoạch khởi công xây dựng công trình trong tháng 9-2016.

UBND TP cũng đề nghị Công ty cổ phần Intimex Việt Nam (chủ đầu tư dự án) chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở ngành của TP để tổ chức thực hiện dự án đúng tiến độ và quy định của pháp luật.

Trước đó ngày 8-3, Hội Kiến trúc sư Việt Nam có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về công trình khách sạn và dịch vụ tại số 22-32 Lê Thái Tổ.

Văn bản nêu rõ: công trình có chức năng dịch vụ, thương mại và khách sạn là phù hợp; nhịp điệu mặt đứng kiến trúc mới không hòa nhập với đặc trưng kiến trúc đô thị và cảnh quan của khu vực.

Do mặt đứng mới là một khối đồng nhất kéo dài liên tục không chú ý đến nhịp điệu mặt phố cũ nhờ sự giãn cách của ba khối kiến trúc Pháp vốn trở thành hình ảnh quen thuộc có giá trị văn hóa kiến trúc hồ Gươm; tổ hợp kiến trúc mặt đứng về tỉ lệ giữa các phần cột, cổng, cửa chưa chuẩn mực, đặc biệt là các chi tiết kiến trúc và màu sắc. Cầu kỳ nhưng đơn điệu và tạo nên ấn tượng xa lạ.

Vì vậy, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị UBND TP Hà Nội đặc biệt quan tâm đến các ý kiến trên để bảo tồn và phát huy hiệu quả nhất những giá trị của không gian kiến trúc và cảnh quan khu vực hồ Hoàn Kiếm - di sản quốc gia đặc biệt.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 10-7, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - nói thêm khi xây dựng công trình này cần phải lưu ý và giải quyết hai vấn đề:

“Mặt đứng phía ngoài của công trình tạo nên một thể thống nhất, đơn điệu, nên bức tường dù bằng chất liệu gì cũng không tốt. Vì vậy cần phải chia nhỏ ra để mặt đứng công trình hài hòa với kiến trúc xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm (xung quanh khu vực dự định xây khách sạn đều là một số công trình kiến trúc nhỏ).

Trong tương lai lâu dài, các tuyến phố xung quanh hồ Gươm trở thành tuyến phố đi bộ, nên cần phải quan tâm đến vấn đề giao thông. Nếu khi hồ Gươm trở thành phố đi bộ thì xe ra vào khách sạn như thế nào?

Bởi có khách sạn thì phải có nơi đỗ xe, mật độ giao thông quanh khu vực đó cũng nhiều hơn. Vì vậy cần phải tính toán làm sao để khu vực khách sạn đó không trở thành nút thắt về giao thông.

Đó là bài toán về lâu dài cần phải tính toán và giải quyết thấu đáo. Việc xây dựng công trình kiến trúc ở khu vực xung quanh hồ Gươm không chỉ tính toán cho hiện tại mà còn phải cho tương lai nữa”.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cũng cho rằng việc xây dựng các công trình kinh doanh thương mại là điều bình thường. Nhưng cần chú ý vì vỉa hè khu vực đó nhỏ nên phải làm thế nào để vừa có bóng mát, vừa đảm bảo an toàn cho người đi bộ, vừa tạo cảnh quan hài hòa với khu vực xung quanh hồ Gươm.

X.LONG - V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên