09/07/2016 12:20 GMT+7

“Còn nhớ đến chiến tranh là còn chết”

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Cái chết kinh hoàng trước đôi mắt trong veo thiếu nữ, những bím tóc dài óng rơi trên sàn nhà, những đôi chân yểu điệu lê trong đôi ủng số 43, những váy áo buộc phải đóng vào thùng...

Bìa ấn bản mới của cuốn sách - Ảnh: P.Vũ

 “Một cuộc chiến tranh khác” - tác giả Svetlana Alexievich khẳng định, và tràn ngập trong quyển sách của bà là những câu chuyện chiến tranh rất khác ấy.

Siết chặt trái tim lại thành nắm đấm, đè sâu tính nữ xuống để thành một người lính, cuộc đấu tranh vật lộn từ mái tóc, làn da, bàn tay, đôi chân đến những thổn thức trong trái tim, chấn thương trong tâm hồn được hàng trăm người phụ nữ kể lại và được ghi lại chân thực như những bản rã băng ghi âm.

Câu chuyện vì thế mà thuyết phục.

Người đọc, vốn không xa lạ gì với những câu chuyện chiến tranh như người đọc Việt Nam cũng sẽ có những đoạn nghe tim mình thắt lại, như khi một cô gái ngồi khóc suốt đêm bên nồi cháo tấm vừa nấu vì cả trung đoàn đã không về; khi một người mẹ tự tay xát muối lên người đứa con ba tháng tuổi để nó phải sốt, phải khóc để có thể mang ra khỏi vòng vây những vỉ thuốc cho thương binh; khi người phụ nữ ra khỏi chiến tranh suốt mấy năm không dám ra chợ vì không thể nhìn vào sạp thịt...

Tác giả là một nhà báo và cuốn sách là tập hợp những lời kể không thêm bớt. Mỗi nhân vật một câu chuyện, nối liền nhau để thành một mạch diễn giải về những mất mát trong chiến tranh: không chỉ là máu, là con người mà còn tuổi trẻ, giới tính, nhân tính.

Bà không ngần ngại ghi chép cả cách thức thực hiện và chia sẻ những thôi thúc bên trong của mình: “Phụ nữ là người ban sự sống. Giết người là không thể tha thứ. Phải viết một cuốn sách về chiến tranh sao cho người đọc đến buồn nôn sâu sắc vì nó...”.

Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ
Các ấn bản gốc của Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ - Ảnh: telegraph

Bà ghi lại cả những đoạn tranh luận với người kiểm duyệt: “Tôi yêu cuộc sống, những tư tưởng nhỏ bé, hèn mọn. Tôi muốn nói lên sự thật. Sự thật về những thử thách của chiến tranh với con người, không chỉ tinh thần mà cả cơ thể. Tôi không bằng lòng với chủ nghĩa anh hùng khô kiệt...”.

Tôi cũng từng nghe không biết bao nhiêu câu chuyện chiến tranh, và cuốn sách của Svetlana cuốn hút tôi nhất ở những đoạn bà viết về suy ngẫm của mình. Bao nhiêu câu hỏi trăn trở mà Svetlana đặt ra là bấy nhiêu những day dứt tôi cũng tự hỏi.

Tại sao trong những câu chuyện về chiến tranh Việt Nam tôi từng nghe, từng tìm hiểu, từng viết lại, những chi tiết về bản thân con người, về những cô gái lại được lướt qua nhanh quá vậy?

Ai cũng khẳng định “chiến tranh không phải trò đùa” nhưng cái chúng ta ghi lại được vẫn chỉ là những đại cảnh rộng lớn, những lý tưởng bao trùm, những động lực đã đưa con người trong chiến tranh vượt trên sức mình, đẹp hơn chính mình.

Những cựu chiến binh của chúng ta đi qua chiến tranh và trở lại hòa bình với niềm tự hào ít kèm theo trăn trở.

Văn học, báo chí của chúng ta không khiến chiến tranh trở nên đáng sợ như Svetlana tự yêu cầu mình, hay đúng hơn, một nhân vật trong sách đã yêu cầu bà: “Cô hãy viết: còn nhớ đến chiến tranh là còn chết, sẽ chết”.

Mà những mất mát của chiến tranh thì giống nhau. Mà trái tim con người cũng lại giống nhau. Vì vậy mà Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ lại là cuốn sách đáng đọc cho những người tưởng đã biết tất cả về chiến tranh.

Svetlana Alexandrovna Alexievich là nhà báo điều tra và nhà văn thể loại văn xuôi hiện thực người Belarus. Bà được trao giải Nobel văn học 2015 vì “dựng một tượng đài tưởng niệm sự thống khổ và lòng can đảm trong thời đại của chúng ta”.

Tác phẩm Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ được nhà văn Nguyên Ngọc dịch và NXB Đà Nẵng xuất bản năm 1987. Ấn bản 2016 cũng được nhà văn Nguyên Ngọc dịch lại từ bản bổ sung của chính tác giả, do nhà sách Tao Đàn và NXB Hà Nội hợp tác ấn hành.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên