12/06/2016 10:32 GMT+7

Paris Ballet: Những nhịp đập liên tục của trái tim

DANH ANH
DANH ANH

TTO - Với 8 đoạn trích của các vở ballet kinh điển và đương đại, Paris Ballet không chỉ đem đến những khoảnh khắc đẹp của tình yêu, mà còn khái quát những đặc trưng của tinh hoa ballet Pháp.

Vũ công Mathilde Froustey (phải) - Ảnh: Danh Anh
Giselle - tiết mục mở màn là ballet cổ điển thuần chất - Ảnh: Tuấn Đào 

Chương trình Paris Ballet đã diễn ra vào tối 11-6 tại Hà Nội.

Do sự cố chấn thương gần đây của vũ công ngôi sao Alice Revanand mà chương trình biểu diễn của vũ đoàn ballet nhà hát Opéra de Paris phải bớt đi một tiết mục là Le Parc, để chỉ còn trình diễn 8 đoạn trích.

Ngoại trừ trích đoạn của vở Kẹp hạt dẻ, 7 tiết mục còn lại đều xoay quanh những câu chuyện về tình yêu đôi lứa. Điều này khiến nhìn một cách tổng thể, về mặt nội dung, chương trình có đường dây chung, màu sắc chung khá xuyên suốt.

Còn về mặt nghệ thuật, Paris Ballet đảm bảo được sự đa dạng về của các tiết mục mà vẫn giới thiệu được hai đặc tính nổi bật là ballet kể chuyện và các điệu nhảy “bước đôi” (pas de deux).

Thêm một yếu tố nữa là hai phần của chương trình có sự ngăn cách khá rõ với phần đầu là ballet cổ điển và phần hai là ballet đương đại, tân cổ điển.

Bùng nổ những phá cách

Tất cả những yếu tố trên được mở đầu bằng trích đoạn của vở Giselle ra đời năm 1841, đậm đặc tính cổ điển. Đây vốn là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho chủ nghĩa lãng mạn Pháp.

Trích đoạn ở Giselle được cặp đôi nghệ sĩ của nhà hát Opéra de Paris trình diễn là đoạn cuối cùng ngợi ca sức mạnh bất diệt của tình yêu và được thể hiện qua những bước nhảy kết hợp với âm nhạc và hành động vô cùng chặt chẽ.

Trích đoạn tiếp theo là Kẹp hạt dẻ quen thuộc hơn với khán giả Việt Nam. Phần trình diễn này cùng với phần độc tấu piano sau đó của nghệ sĩ tài danh Henri Barden vẫn mang tính chất khởi động.

Phải đến tiết mục thứ thư - In the night và ở phần dạ khúc thứ hai (trong số bốn dạ khúc) là bản Norturne số 9 của Chopin thì chương trình mới bắt đầu… bùng nổ.

Khán giả có mặt tại sân khấu của Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình vỗ tay lớn hơn sau phần trình diễn của ba cặp đôi cùng nhau phô diễn những “bước đôi” sôi nổi, đẹp mắt và đầy kỹ thuật.

Không khí rộn ràng cũng tăng lên nhờ âm thanh phát ra từ đôi bàn tay chạy nhanh trên phím của danh cầm Henri Barden.

Phần giới thiệu ballet cổ điển Pháp tạm khép lại ở đó. 4 trích đoạn các vở diễn về sau dành cho ballet đương đại với những khúc biến tấu, phá cách với nhiều năng lượng từ các bước nhảy và mang tính “diễn xuất” từ các nghệ sĩ nhiều hơn.

Nếu phần đầu, tiết mục ấn tượng nhất là In the night, thì ở phần này, với nhiều khán giả, tiết mục “đã mắt” nhất là phần trình diễn của hai vũ công nam trong trích đoạn Những nhịp đập gián đoạn của trái tim (Les Intermittences du Coeur).

Vở ballet này vốn do cha đẻ của vở Carmen - biên đạo múa tài năng Roland Petit sáng tác với cảm hứng từ tuyệt phẩm văn chương Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust. Đây là một vở diễn đầy tính cách tân, là sự đan cài tinh tế, khéo léo giữa phong cách ballet cổ điển và đương đại.

Với trích đoạn được trình diễn trong Paris Ballet, hai vũ công nam hạng nhất của nhà hát Opéra de Paris là Audric Bézard và Florian Magnenet với thân hình đẹp như tượng cùng song hành trên những điệu nhảy “bước đôi” rất nam tính mà vẫn say đắm, gợi cảm, phần nào lột tả tính nước đôi khó nắm bắt ở tiểu thuyết của Proust.

Ấn tượng khá mạnh về ballet đương đại Pháp được lan truyền đến trích đoạn của Carmen.  

Ở đây, Frédéric Fontan - biên đạo múa và cũng là giám đốc nghệ thuật của Paris Ballet và tour diễn toàn cầu Paris Dance Galaxy - khiến câu chuyện của nàng Gypsy xinh đẹp và chàng Don José mang màu sắc mới so với nhiều phiên bản trước đó.

Một màn kết đẹp

Hai trích đoạn vở diễn mới mới được sáng tác trong ăm gần đây là Những đứa trẻ thiên đường (Les Enfants du paradis) và Không, em không tiếc gì đưa khán giả đến phong cách ballet pha trộn múa đương đại, với trang phục của diễn viên gần với đời thường hơn.

Màn kết dành cho trích đoạn Don Quichotte là lựa chọn rất hợp lý. Không còn lệ thuộc vào câu chuyện, phần cuối của Paris Ballet trở nên rộn ràng khi cặp đôi vũ công tài năng Mathilde Frousey và Esteban Berlanga thỏa sức phô diễn kỹ thuật thượng thừa.

Những tràng pháo tay dài từ khán đài liên tục vang lên sau bước dừng vũ công.

Màn kết đẹp và lời chào bằng ngôn ngữ múa của 10 vũ công đến từ Pháp, đêm Paris Ballet trở thành chương trình ballet thuộc hàng chất lượng, có sự đầu tư kỳ công và tốn kém nhất từ trước đến nay ở Việt Nam.

Một điều tuyệt vời cần được nhắc tới ở Paris Ballet là phần âm nhạc, với hầu hết thời lượng 100 phút của chương trình là nhạc “live”. Điều đó dễ truyền đến cảm xúc  nơi khán giả và vẻ đẹp thuần khiết, thanh nhã của ballet Pháp nhờ vậy được đảm bảo.

Ngoài phần nhạc của danh cầm đến từ Pháp Henri Barda thì đóng góp lớn vào độ “ép phê” cho chương trình là từ Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam (VNSO) với sự chỉ huy của nhạc trưởng Tetsuji Honna người Nhật.

Sau Paris Ballet tại Hà Nội, tour diễn Paris Dance Galaxy sẽ tiếp tục đem chương trình tới các thành phố Seoul, Dubai, Doha, Montréal, Budapest... 

Phần trình diễn In the night - Ảnh: Tuấn Đào 

Phần trình diễn Vẫn là Carmen - Ảnh: Tuấn Đào 

Điệu múa đôi trong trích đoạn khép màn Don Quichotte - Ảnh: Tuấn Đào 

DANH ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên