29/05/2016 09:46 GMT+7

Ngày thứ bảy còn lại

TRỊNH THỊ CẨM
TRỊNH THỊ CẨM

TTO - Thi xong môn cuối cùng, nó hối hả ra bến xe về nhà.

Cái ổ khóa móc hờ hững nơi cửa rào nhắc nó ba vẫn đi làm dù thứ bảy. Sân nhà ơ hờ gió. Lá khô rụng ngập đường đi. Nước mặn làm mấy bụi hồng trơ gốc. Chỉ có giàn tigôn là còn gắng gượng vốc từng bụm hồng tươi thả đầy cổng nhỏ.

Mở cửa, thả chân không xuống nền gạch tàu mát lạnh, hít đầy phổi mùi lá dứa thơm thơm ba để góc phòng, nghe lòng nhẹ như bông. Mệt nhọc đường xa tựa một đám mây hờ hững bay ngang rồi biến mất khi nó đứng giữa ngôi nhà ngập tràn quen thuộc.

Đi một hơi từ trước ra sau, giở khạp múc một gáo nước mưa trong vắt, nhắm mắt đã nghe lòng mát rượi, đã hình dung được dáng ba lặng lẽ kê máng xối theo từng trận mưa. Nước thơm mùi lá mới lòn qua kẽ tay, reo vui trên đám hoa dại thềm nhà.

Thương cái dáng cao gầy guộc, lủi thủi vào ra trong căn nhà vắng lặng với những bữa cơm một mình. Nhiều khi nó về, ba lúi húi ngoài vườn không hay. Chỉ cái tivi ồn ã góc phòng cố khuấy lên chút dấy động trong tĩnh lặng. Âm thầm mở cửa, âm thầm đứng nhìn trộm ba đang tưới nước bắt sâu rồi âm thầm nhói lòng.

Nhiều lần ba quýnh quáng khi phát hiện mắt nó đỏ chạch. Sau này nó lớn hơn một chút, ba không hỏi nữa. Và nó thầm cảm ơn sự im lặng thương yêu ba dành cho những khi nó “trái gió trở trời”. Nhớ nhất là những khi ba nấu ăn xong phải ngồi đọc sách chờ cho nó qua cơn mưa nắng thất thường.

Ở thành phố, nhiều đêm nó nhớ nhà. Nhưng lần nào ba hỏi, nó cũng làm ra vẻ tỉnh rụi. Ba hay hỏi kiểu như: Có bồ chưa con? Hoặc: Bữa trước nghe nói chàng nào theo đuổi con đó, sao không dắt về giới thiệu với ba?

Nó nhăn nhó: Ba đừng hỏi hoài, con áp lực. Chừng nào con không còn được ba nấu cơm cho ăn, lúc đó sẽ tính. Nó hay nói vậy để nghe ba cười hề hà. Mấy đứa bạn về chơi, đứa nào cũng khen ba cởi mở, dễ gần. Nó biết mình hãnh diện về điều đó.

Đâu ai biết, ba cũng có nhiều nỗi niềm, nhất là từ khi người bạn đời dứt áo ra đi. Sau cái vẻ dày dạn cứng cỏi phong trần của một người lính, nó biết lòng ba cũng đầy sóng gió. Nhưng ba không muốn làm ảnh hưởng tới nó, “niềm vui độc nhứt” của ba.

Hồi nhỏ, có lúc nó bực tức khi thấy ba cứ chăm bẵm mớ kỷ vật của mẹ để lại, thậm chí có lần nó lén bỏ muối vô mấy gốc hồng. Ba bần thần khi thấy cây chết. Lòng trẻ con hả hê. Nhưng niềm đau của ba chỉ một mình ba biết, bởi nó không hiểu kỷ niệm đâu phải là thứ có thể níu kéo khi yêu thương đã lìa xa.

Nó vô tình biết mình chỉ là một giọt máu xa lạ mà ba dang tay ôm vào bằng tất cả nỗi cơ cực. Nó thảng thốt biết ba vô sinh từ lúc xuất ngũ. Và nỗi sợ mất ba chỉ có những lời cầu nguyện âm thầm hằng đêm là hiểu thấu.

Lần nào nó về, người vui nhứt cũng là ba. Thôi thì đủ thứ để dành ba đem ra “chiêu đãi”. Căn nhà nhỏ ấm tiếng cười khi hai cha con làm thứ này sửa thứ kia. Balô nó mang theo luôn nặng trĩu. Nhất là nụ cười của ba lúc nào cũng làm nó thấy ấm áp.

Giữa bến xe chiều đìu hiu, vai áo ba bạc màu bên chiếc xe cũ kỹ, không cái vẫy tay mà thương nhớ bùi ngùi. Tiếng nước sôi trong ấm, mùi cà phê thơm thơm, những gói mì nấu vội trong góc bếp, tiếng dép ba lẹp xẹp tới lui trong gian nhà im vắng neo người... luôn theo nó trong những giấc mơ.

Những sáng thứ bảy, nó nhận thêm công việc ngoài cảng cá, ngóng cổ tìm nụ cười và mùi mồ hôi quen thuộc của ba trong dòng người nhộn nhịp tới lui.

Gió đã thổi khô nước mắt ngày nó đưa ba ra đồng. Vậy mà những giọt mồ hôi trên áo ba cứ ràn rụa trong lòng nó từng tiếng nấc khan.

TRỊNH THỊ CẨM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Chuyện cuối tuần