28/05/2016 09:38 GMT+7

Phim Nhìn tôi! lan tỏa mạnh trên mạng

MINH TRANG
MINH TRANG

TTO - Đã 24 năm kể từ khi "Watch me!" (Nhìn tôi!) ra đời. Nhưng thật bất ngờ, những ngày gần đây bộ phim tài liệu này lại được cộng đồng mạng liên tục chia sẻ.

Nụ cười hiếm hoi của các nhạc công trong căn phòng vốn là garage sửa xe                         - Ảnh chụp từ phim
Nụ cười hiếm hoi của các nhạc công trong căn phòng vốn là garage sửa xe - Ảnh chụp từ phim

Nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Anh Quân - người có xuất phát điểm là một nhạc công - nói ngắn gọn về bộ phim này rằng: “Đáng giá từng phút! Nhạc sĩ, nhạc công, ca sĩ nhất định phải xem”.

Như một nốt nhạc bay bổng và đẹp đẽ, Nhìn tôi! được Đài truyền hình Fuji Nhật Bản ghi hình và thực hiện với bối cảnh của Hà Nội những năm 1992, khi đời sống của người dân thủ đô vẫn còn đầy thiếu thốn trong thời kỳ đầu đổi mới.

Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia trước nhiều khó khăn lúc đó cũng đang đứng trước nguy cơ phải giải thể...

Thực tế phũ phàng

Theo lời mời của Chính phủ Việt Nam, mùa hè năm 1992 nhạc trưởng người Nhật Yoshikazu Fukumura - một người dày dạn kinh nghiệm trong giảng dạy và giúp đỡ những dàn nhạc non trẻ tại nhiều quốc gia (Việt Nam là quốc gia thứ tám mà ông nhận lời) - đến Việt Nam để cải thiện và vực dậy dàn nhạc quốc gia.

Bài toán mà Fukumura nhận được cực kỳ hóc búa: trong vòng 46 ngày, ông phải luyện tập cho 65 nhạc công của dàn nhạc thuần thục kỹ năng để thực hiện một tour diễn xuyên Việt, với ba đêm nhạc trải dài từ Hà Nội, Đà Nẵng đến TP.HCM.

Không chỉ là khơi dậy một tình yêu trong lòng khán giả, tour diễn mong ước sẽ vực dậy tinh thần của một dàn nhạc quốc gia sau những tháng ngày trì trệ và trên hết là truyền “lửa” cho những nhạc công đang “rụng rơi” dần.

Ngày đầu tiên đi khảo sát tình hình, Fukumura “chết lặng” vì thực tế quá phũ phàng: ông và dàn nhạc gần 80 con người sẽ phải tập luyện ở một nhà kho, vốn là garage sửa xe cũ, ồn ào, bụi bặm trong thời tiết hơn 30 độ C của miền Bắc.

Sau nhiều ngày suy nghĩ và bàn bạc từ hiện trạng của dàn nhạc, Bản giao hưởng số 5 của Tchaikovsky được lựa chọn để truyền đi thông điệp về một Việt Nam đổi mới, đang dần thoát khỏi sự lạc hậu, cũ kỹ của chiến tranh.

Hình ảnh về một người thầy tận tụy, nghiêm khắc, đòi hỏi cao với lưng áo trắng luôn dính chặt vào người vì mồ hôi đối lập với những gương mặt bần thần, hốc hác vì thiếu tự tin của những nhạc công đã mang đến cho bộ phim này những giây phút nghẹt thở, kịch tính xen lẫn xúc động.

Nhiều năm không được luyện tập, kỹ năng điêu luyện mà một người chơi nhạc cụ cần phải có đã rời bỏ họ!

Không dưới 10 lần, ông Fukumura phải hét lên giữa lớp học khi chứng kiến sự thô vụng ấy: “Nhìn tôi, nhìn tôi đây! Các bạn bỏ lỡ mất hiệu lệnh của tôi rồi. Chỉ cần bỏ lỡ một chi tiết nhỏ của một nốt thôi, cả dàn nhạc nghe sẽ rất tệ”.

Những buổi tập nhạc thường xuyên bị dời giờ vì không bao giờ nhạc công đến đủ và đúng giờ.

Ông Fukumura đã giận run và nói: “Nếu bạn đánh sai hay vào muộn, bạn sẽ giết chết cả dàn nhạc này!”. Thậm chí buổi tập luyện cuối cùng trước đêm diễn đầu tiên tại Hà Nội, ông vẫn hét lên trong phòng tập: “Chất lượng thật kinh khủng!”.

Kinh khủng thật, nhưng biết bắt đầu từ đâu? Đầu những năm 1990, nhạc pop đang tấn công mạnh mẽ vào thị trường nhạc trẻ, trong khi đó tại các quán bar, vũ trường, disco mới là “nữ hoàng”! Không ai quan tâm đến nhạc cổ điển, những nhạc công chơi nhạc trong dàn nhạc khi ấy hệt như những người đi bên lề thời đại.

Tìm lại tình yêu

“Dù thế nào đi nữa, bọn em cũng dứt khoát theo nghề âm nhạc này. Vì nó như một chỗ dựa về tâm hồn! Bây giờ mà bỏ thì buồn chán lắm” - anh Nguyễn Thiện Thắng (34 tuổi, người thổi clarinet 2 trong dàn nhạc) cười hiền lành trả lời khi được hỏi có bao giờ muốn bỏ nghề đàn hay không.

Anh Thắng và vợ - chị Diệu Hồng, bè trưởng sáo flute - đều là nhạc công của dàn nhạc. Đôi bàn tay thổi sáo ấy phải cầm búa sửa xe, vá lốp để có thêm thu nhập lo cho gia đình.

Và tất nhiên trong bối cảnh bấy giờ, vợ chồng anh Thắng - chị Hồng không phải là những nhạc công duy nhất phải lao động mưu sinh bằng đủ nghề nếu muốn tiếp tục “cuộc chơi” với nhạc cổ điển.

Anh Trần Hoàng Phong - nhạc công chơi kèn cor 1 - ngoài giờ tập kèn còn là thợ đúc khuôn cho các sản phẩm nhựa như giày, dép. Nhạc công Nguyễn Văn Minh (chơi trombone 3) thì tuần ba buổi chạy sô thổi kèn tại dàn nhạc của đoàn xiếc với mức lương 200.000 đồng/tháng.

Sự khắt khe của ông Fukumura đã có tác dụng khi những nhạc công dần tìm lại được lý do đưa họ đến với nhạc cổ điển.

Một nhạc công trombone bị mắng thường xuyên, ôm kèn luyện thổi dưới hành lang nơi khu nhà anh ở, một nhạc công chơi kèn cor xin được tập riêng mỗi ngày với thầy dạy kèn để được sửa sai.

Và hơn cả, khi ngồi lại cùng nhau đàn lên một bản nhạc, họ đã tìm lại sự tự tin ở chính mình lẫn thăng hoa trong tiếng nhạc, mặc kệ cơm áo gạo tiền!

Đêm diễn đầu tiên diễn ra ngày 2-11-1992 tại Nhà hát lớn Hà Nội đã làm thỏa lòng Fukumura và những học trò, bởi như ông nói: “Tôi đã làm hết sức mình”.

Và hành trình tập luyện ấy vẫn không ngừng nghỉ suốt chặng đường đến Đà Nẵng, TP.HCM, lúc thì ở nhà xe (vì khách sạn không chịu nổi sự ồn ào của ban nhạc), lúc trên tàu hỏa lắc lư vào Sài Gòn...

Bộ phim kết thúc mà nước mắt của người xem rơi lúc nào không biết.

Đâu chỉ bởi những khuôn hình quá khứ còn chưa xa xôi về một Hà Nội ai cũng nghèo, ai cũng lành; đâu chỉ bởi sự nhẫn nại và tình cảm phi biên giới của những người bạn, người thầy như nhạc trưởng Yoshikazu Fukumura, giảng viên khoa kèn người Mỹ Henry Novack và giảng viên khoa đàn dây người Anh Ben Craft, mà còn bởi sự cần cù của những tâm hồn yêu nhạc từ các nhạc công Việt.

Hình ảnh đôi mắt xa vời, gương mặt gầy nhom, đượm buồn cũng như câu nói của ông Hải - một người đàn ông hơn 40 tuổi, nhạc công chơi kèn cor 2 trong dàn nhạc - khi ông đang đọc to những nốt nhạc để nhớ nhịp cứ ám ảnh mãi: “Tôi rất tiếc vì mình không còn tuổi trẻ để luyện tập nữa!”.

Năm nay đã ở tuổi trên 70, ông Yoshikazu Fukumura vẫn tiếp tục công việc của một người truyền lửa ở các dàn nhạc đang phát triển              - Ảnh tư liệu
Năm nay ở tuổi trên 70, ông Yoshikazu Fukumura vẫn tiếp tục công việc của một người truyền lửa ở các dàn nhạc đang phát triển - Ảnh tư liệu

Nhìn tôi được phát sóng lần đầu trong chương trình Chuyến tàu cảm xúc của Đài truyền hình Fuji Nhật Bản, được trang Classic Bear Music làm phụ đề tiếng Việt và bắt đầu lan tỏa mạnh trên các trang xã hội từ ngày 20-5 năm nay.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, người chủ của trang Classic Bear Music là con của một trong những nhạc công đã góp mặt trong Nhìn tôi và bản phim này được người nhạc công này giữ gìn nhiều năm qua.

Anh Trần Xuân Hòa, hiện là nhạc công chơi trống tại Dàn nhạc opera và ballet quốc gia Việt Nam, cho biết: “Tôi có may mắn là đã được làm việc nhiều lần với nhạc trưởng Yoshikazu Fukumura. Lần gần nhất là vào năm 2015, tôi sang Philippines gặp ông khi ông đang tiếp tục công việc giúp đỡ dàn nhạc tại đây.

Năm nay ông Fukumura đã hơn 70 tuổi, vừa trải qua một đợt mổ tim và cai hẳn thuốc lá vì lý do sức khỏe, thế nhưng ông vẫn còn rất say sưa với công việc của một người giúp đỡ những dàn nhạc còn thiếu kinh nghiệm tại các quốc gia đang phát triển, hệt như hình ảnh của ông trong Nhìn tôi ở Việt Nam 24 năm trước...”.

*Xem phim Nhìn tôi! TẠI ĐÂY 

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên