21/01/2016 09:11 GMT+7

Mình nói chuyện gì khi mình nói "chuyện đời Sài Gòn"

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Xin mượn tên tập truyện ngắn "Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình" của Raymond Carver để nói về cách nói, cách kể đầy tình cảm trong sách "Sài Gòn - Chuyện đời của phố III" của nhà báo Phạm Công Luận.

 

Sách do Phương Nam và NXb Văn Hóa Văn Nghệ ấn hành - Ảnh: L.Điền
Sách do Phương Nam và NXB Văn Hóa Văn Nghệ ấn hành - Ảnh: L.Điền

Cùng tác giả Phạm Công Luận lắng nghe những câu chuyện Sài Gòn theo cách kể của anh, mới biết Sài Gòn không chỉ bao dung với những người dân tứ chiếng, mà Sài Gòn còn bao dung ở chỗ chứa đựng bên trong đầy ắp những chuyện kỳ thú, hay ho, thậm chí độc đáo hiếm gặp, chỉ cần bàn tay của người đồng điệu chạm đến, chắc chắn sẽ vang lên để thuật chuyện một thời, nhiều thời, nhiều thế hệ...

Vẫn trong hành trình tìm gặp những câu chuyện của Sài Gòn từ quá vãng, Phạm Công Luận trong tập này đã phục dựng một Sài Gòn hiện đại sống động hiện ra rõ nét... từ gần nửa thế kỷ trước.

Trong nhiều cuộc giao lưu về đề tài Sài Gòn gần đây, nhiều bạn trẻ băn khoăn về dáng vóc đô thị Sài Gòn vào thời trước đã sang cả như thế nào, lộng lẫy hay quyến rũ ra sao... và ít ai trả lời thỏa đáng.

Phạm Công Luận tự nhận anh không nói khái quát về Sài Gòn, nhưng bằng những câu chuyện, bạn đọc sẽ bắt gặp điều mình đang tìm kiếm.

Đó là câu chuyện về cậu bé Tấn Thành sống từ nhỏ ở đường Thái Lập Thành (nay là Đông Du) với bao kỷ niệm về thương xá Saigon Departo ở góc đường Đồng Khởi.

Nơi đó, từ những năm 1960 đã có tủ bán kẹo tự động, trẻ con bỏ đồng xu vào mua được kẹo và đồ chơi, có quán cà phê tự phục vụ, có máy nghe nhạc tự động cũng bằng cách bỏ đồng xu vào khe và chọn bản nhạc...

Không khái quát, nhưng qua câu chuyện ông Dương Hữu Đạt ở đường Trần Quý Khoách nghe mấy bà đầm kháo nhau rằng thật đáng ngạc nhiên khi dân lao động nghèo trên phố Sài Gòn rất thích đọc báo và có khi đọc sách nữa, điều không thấy có ở tầng lớp dân nghèo kiếm sống lề đường bên Pháp, cũng đủ thấy nét đặc biệt của người bình dân hiếu học ở Sài Gòn.

Nhưng tầm vóc Sài Gòn còn thể hiện qua những người làm nghệ thuật với tài năng và tâm lượng tuyệt vời.

Tâm sự về lần thực hiện tập 3 loạt sách này, Phạm Công Luận cho rằng anh thật may mắn khi tìm bắt liên lạc được với giáo sư Lê Văn Khoa - người sáng lập và điều hành chương trình Thế giới trẻ em trên đài truyền hình ở miền Nam suốt tám năm từ 1967 đến 1975.

Ông tự thiết kế chương trình truyền hình gồm các tuồng múa rối, trò chơi khoa học, chiếu phim tìm hiểu khoa học, vệ sinh y tế... khuyến khích các em nhỏ phát triển năng khiếu nghệ thuật bằng cách thi vẽ, nắn tượng, kể chuyện phim, tập làm văn...

“Mỗi chương trình như một tiết học vui, sinh động, thực tế, có tương tác giữa thầy và trò, độ tương tác thì rất lớn cả khu vực miền Nam” - anh Luận ghi nhận.

Ấy vậy nhưng khi nói về những gì mình làm, giáo sư Lê Văn Khoa chỉ rất nhẹ nhàng: “Tôi muốn đem tiếng cười thơ ngây gắn trở về gương mặt hồn nhiên của trẻ thơ. Bom đạn, hỏa tiễn đã phá nát thiên đàng tuổi thơ rồi. Bây giờ mình cố giữ một chút gì còn lại để thấy thế giới này còn... biết cười thật lòng”.

Ừ nhỉ, Sài Gòn từng có những người làm nghệ thuật để mong giữ cái “cười thật lòng” cho công chúng như vậy đó...

*Phạm Công Luận: Tôi viết để sau này con tôi đọc về Sài Gòn

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên