24/12/2015 10:03 GMT+7

Bảo tàng Báo chí tiếp nhận hàng ngàn hiện vật quý

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Nhà báo Nguyễn Thanh Bền tặng tấm bản đồ Sài Gòn - Gia Định mà ông đã tự tay can vẽ dưới hầm bí mật từ năm 1965 để phục vụ hoạt động nội thành cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Bà Từ Thanh Mỹ và ông Nguyễn Trọng Xuất trao tặng tập san Trí Thức Mới và Sài Gòn Vùng Lên, những ấn phẩm đã được viết, in ấn bí mật và xuất bản công khai ngay giữa lòng Sài Gòn, giữa cuộc chiến tranh - Ảnh: Tự Trung
Bà Từ Thanh Mỹ và ông Nguyễn Trọng Xuất trao tặng tập san Trí Thức Mới và Sài Gòn Vùng Lên, những ấn phẩm đã được viết, in ấn bí mật và xuất bản công khai ngay giữa lòng Sài Gòn, giữa cuộc chiến tranh - Ảnh: Tự Trung

Sáng 23-12, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ phát động hiến tặng tài liệu, hiện vật khu vực phía Nam cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ngay trong lễ phát động, 35 nhà báo lão thành và gia đình của các nhà báo đã hiến tặng hơn 2.000 hiện vật, tài liệu liên quan đến lịch sử báo chí Việt Nam thời kỳ đầu và báo chí trong thời chiến tranh.

Chúng tôi mong mỏi sẽ tiếp tục nhận được những hiện vật mang trong mình lịch sử báo chí đang ẩn khuất trong các bàn làm việc, các tòa soạn, các gia đình và cam kết sẽ phát huy giá trị của chúng ở Bảo tàng Báo chí

Ông HỒ QUANG LỢI  (phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam)

Nhà báo Trần Thanh Phương đại diện gia đình nghệ sĩ Kim Cương trao tặng bộ sưu tập báo chí Sài Gòn về vụ đảo chánh Ngô Đình Diệm mà bà Bảy Nam đã dày công sưu tầm, cắt dán, cất giữ. Bản thân ông Phương cũng hiến tặng phần lớn bộ sưu tập Gia Định Báo, báo Dân Chủ, báo Giải Phóng, báo Đồng Khởi... mà mình và vợ đã vất vả lưu trữ suốt thời chiến tranh.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã trao tặng Tập san Sử - Địa và các tài liệu báo chí về Hoàng Sa - Trường Sa đã được số hóa. Nhà báo Nguyễn Thanh Bền tặng tấm bản đồ Sài Gòn - Gia Định mà ông đã tự tay can vẽ dưới hầm bí mật từ năm 1965 để phục vụ hoạt động nội thành cùng nhiều bản thảo, hiện vật khác.

Không phải bộ sưu tập đồ sộ mà chỉ là vài tờ giấy mỏng manh, nhưng hiện vật mà nhà báo Huỳnh Dũng Nhân mang đến đã gây xúc động mạnh cho những người tham dự: bản thảo viết tay bài điếu văn Hồ Chủ tịch được nhà báo Bùi Á viết trong nhà tù Non Nước (Quảng Nam) tháng 9-1969.

Bản điếu văn viết ra từ đáy lòng một nhà báo đã có nhiều dịp được tiếp xúc, chụp ảnh Bác Hồ, lễ truy điệu diễn ra trong phòng giam, giữa những vòng rào kẽm gai và giữa trận đòn dùi cui, ma trắc. Bản thảo sau đó đã được chôn giấu và mấy mươi năm sau mới tìm lại được tác giả, làm minh chứng cho khí tiết của một nhà báo cách mạng...

Mỗi hiện vật gắn với một câu chuyện, có khi là gắn với cả một cuộc đời như thế. Các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Phụ Nữ... cũng đã trao tặng những hiện vật gắn liền với sự phát triển của mình.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt đề án vào tháng 8-2014 và được bổ sung vào hệ thống bảo tàng quốc gia tháng 11-2015. Ở khu vực phía Bắc, bảo tàng cũng đã huy động được hàng ngàn hiện vật lịch sử báo chí. Dự kiến bảo tàng sẽ ra mắt công chúng vào tháng 6-2016.

Ở khu vực phía Nam, các nhà báo và gia đình có hiện vật muốn hiến tặng có thể liên hệ đến văn phòng 2 Hội Nhà báo Việt Nam (226/23 Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình, TP.HCM) hoặc hội nhà báo địa phương.

Riêng ở TP.HCM, theo bà Trần Kim Hoa - giám đốc Nhà văn hóa Hội Nhà báo Việt Nam, trưởng ban quản lý dự án xây dựng Bảo tàng Báo chí, các cá nhân muốn hiến tặng hiện vật có thể liên hệ Hội Nhà báo TP.HCM (14 Alexander de Rhodes, Q.1) hoặc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận).

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên