03/12/2015 09:18 GMT+7

Phim Việt phải đứng được trên quê hương mình

CÁT KHUÊ (catkhue@tuoitre.com.vn)
CÁT KHUÊ (catkhue@tuoitre.com.vn)

TT - Vài năm nay có không ít phim Việt ra rạp cùng thời điểm với phim Mỹ tại VN và đánh bạt về doanh thu phòng vé của phim Mỹ. Phim Mỹ có thành công của phim Mỹ, phim Việt có thành công của phim Việt.

Cuộc giao lưu giữa nghệ sĩ với học sinh - sinh viên ngày 2-12 tại NVH Thanh Niên TP.HCM. Ảnh: Hữu Khoa.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là tên phim được nhắc tới nhiều nhất trong cuộc hội thảo xây dựng vị thế và thương hiệu phim Việt Nam ngày 2-12 tại TP.HCM.

Phải thừa nhận rằng các cuộc hội thảo ở liên hoan phim luôn rất được chú ý, vì đây là cơ hội để các nhà quản lý và các nhà làm phim ngồi lại với nhau, chia sẻ và lắng nghe nhau. Đúng như tinh thần cuộc hội thảo, bà Ngô Phương Lan - cục trưởng Cục Điện ảnh - khẳng định thật ra để nói về vị thế, điện ảnh Việt đã có ở trong nước và ngay cả nước ngoài.

Một điều đáng tiếc là ngoại trừ đại diện Cục Điện ảnh là cơ quan đặt hàng sản xuất bộ phim trên, những người làm phim lại không có mặt, cũng như không có mặt các nhà làm phim trẻ (được mời mà không đến hay không được mời đến?).

Dù vậy, những ý kiến của các nghệ sĩ lão làng như NSND Đặng Nhật Minh, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Trịnh Thanh Nhã hay từ những người quản lý như bà Nguyễn Phương Hòa, ông Nguyễn Ngọc Bích cũng khá nóng.

Phim Việt vài lần đánh bạt phim Mỹ

Ngôi nhà từng là bối cảnh của phim Chuyện của Pao (Cánh diều vàng 2005) đã trở thành một điểm thu hút du khách khi đến với Đồng Văn, Hà Giang - Ảnh: Hoài Trang
Ngôi nhà từng là bối cảnh của phim Chuyện của Pao (Cánh diều vàng 2005) trở thành một điểm thu hút du khách khi đến với Đồng Văn, Hà Giang - Ảnh: Hoài Trang
Ngày 3-12, liên hoan phim VN tiếp tục các hoạt động: hội thảo chính sách hỗ trợ và biện pháp ưu đãi nhằm phát triển nền công nghiệp điện ảnh (9g tại khách sạn Rex), giao lưu nghệ sĩ điện ảnh với lực lượng vũ trang (14g tại Sư đoàn 9, Quân đoàn 4, Củ Chi). Song song với hai hoạt động lớn đó, tại các rạp có chiếu phim tham dự liên hoan vẫn tiếp tục diễn ra cuộc giao lưu của đoàn phim với khán giả.

Thương hiệu nghĩa là phải định danh được với thị trường điện ảnh, có mua bán thì câu trả lời với phim Việt là chưa, dù sự cởi mở về thị trường điện ảnh VN đã có từ cuối thập niên 1990.

Bà Lan cho rằng với thành công của phim VN trong khoảng vài năm gần đây thì chúng ta không cần phải quá tự ti.

Bà Lan dẫn chứng vài năm nay có không ít phim Việt ra rạp cùng thời điểm với phim Mỹ tại VN và đánh bạt về doanh thu phòng vé của phim Mỹ. Phim Mỹ có thành công của phim Mỹ, phim Việt có thành công của phim Việt.

“Tất nhiên những nhân tố tích cực đó phải được nhân rộng lên nhưng cũng không thể ngay lập tức, một nhãn hàng xây dựng thương hiệu còn khó nữa là điện ảnh. Tôi vẫn khẳng định muốn xây dựng thương hiệu, việc đầu tiên là ngay tại đất nước mình phim Việt phải có vị thế” - bà Lan nói.

Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh lại có cái nhìn gần gũi hơn, đó là với điện ảnh Hàn Quốc. Vị đạo diễn Việt kiều lý giải thành công của phim Hàn bởi họ đã vay mượn công thức điện ảnh Hollywood, nhưng dùng nó để nấu các món Hàn là những câu chuyện mà Hàn Quốc quan tâm cũng như đặc thù.

Các nhà làm phim Hàn Quốc chú trọng về xã hội Hàn Quốc trong sự thay đổi về phát triển, chú trọng đến sự trung thành trong gia đình mang nền tảng Khổng giáo và tình yêu, đều là những đề tài mà bất cứ xã hội nào cũng thấy là quan trọng.

Ngay cả dòng phim tác giả, các tác giả lớn của Hàn Quốc vẫn khẳng định thế mạnh của họ ở đề tài với chất liệu là xã hội Hàn hậu phát triển, song song với việc sẵn sàng vay mượn cách làm của các nước khác.

Điện ảnh không thể tách rời đám đông, dù có là phim tác giả thì cũng phải tìm ra công chúng của nó. Vị thế của phim Hàn không nằm ở kỹ thuật mà nằm ở chính câu chuyện của dân tộc họ, điều này VN hoàn toàn có thể chia sẻ.

Đoàn làm phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Nổi gió... giao lưu với học sinh sinh viên ngày 2-12. Ảnh: Hữu Khoa

Nếu chúng ta chưa biết mình là ai...

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã trong phần tranh luận của mình hào hứng cho rằng nhìn vào mặt bằng 20 phim dự thi năm nay, có thể thấy rõ tính dân tộc là yếu tố mà các nhà làm phim đã chạm tới sau các phim chiến tranh một thời kỳ dài.

Bà Trịnh Thanh Nhã cũng khẳng định điện ảnh là vũ khí văn hóa mạnh nhất mà mọi quốc gia đều có. Bà đề cao tính dân tộc trong phim bởi theo bà, đây chính là tấm căn cước văn hóa:

“Lâu lắm rồi mới có một liên hoan phim có tỉ lệ các phim có căn cước văn hóa rõ ràng như lần này, vậy liệu chúng ta có nên xây dựng một giải thưởng theo tiêu chí văn hóa dân tộc nào đó để có thể động viên các nhà làm phim đi tiếp con đường của mình?

Nếu tấm căn cước văn hóa của chúng ta chưa rõ ràng thì làm sao chúng ta có thể đi chứng minh mình với thế giới?”.

Đến từ một công ty du lịch, ông Nguyễn Thiên Phúc (Công ty Vidotour) lại nói về việc tương tác điện ảnh và du lịch.

Bằng kinh nghiệm làm du lịch của mình, ông Phúc chứng minh điện ảnh là đòn bẩy cho du lịch nếu nhìn từ việc ba phim Pháp về VN là Đông Dương, Người tìnhĐiện Biên Phủ đã quảng bá cho du lịch VN, để sau đó khách du lịch Pháp đến VN rất nhiều.

Ông cũng kể một kinh nghiệm cá nhân vào năm 2006, Vidotour làm việc với Chuyện của Pao, để rồi Chuyện của Pao đã đánh thức một điểm du lịch từng ngủ yên là Hà Giang.

“Ở hội thảo này ai cũng nói đến Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, tôi cũng khẳng định ngay là sau phim, nhiều người đến Phú Yên để xem lại những cảnh trong phim này...” - ông Phúc nói.

Bà Nguyễn Thế Thanh - nguyên phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM - chia sẻ thêm: “Phim VN muốn có thương hiệu tốt thì khán giả phải muốn xem đã, nhất là khán giả Việt.

Để quảng bá phim Việt ra nước ngoài thì các tuần phim không nên đơn độc mà phải phối hợp với ngoại giao, kinh tế, thậm chí các nguyên thủ đi đâu mình cũng nên có phim đi theo đó, ngày phim Việt hoặc những ngày phim Việt...”.

Đồng cảm với suy nghĩ ấy, đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng khẳng định: “Điện ảnh VN nên tiếp tục phim nghệ thuật để đi cùng dòng chảy phim thế giới, nhưng cũng đừng quên việc đến với thế giới bằng doanh thu.

Để điện ảnh Việt có vị thế cần chủ trương của Nhà nước. Mỹ không có cục điện ảnh, nhưng điện ảnh Mỹ là quốc sách của Chính phủ Mỹ trong mọi cuộc thương thảo kinh tế chiến lược với các quốc gia khác trên thế giới”.

*Phim Lửa Phật bán được 4,5 tỉ ở thị trường nước ngoài

CÁT KHUÊ (catkhue@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên