04/11/2015 12:28 GMT+7

Kiến trúc trăm tuổi Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM bị đập bỏ?

TR.N.
TR.N.

TTO - Những tháng qua, những bức tường và kiến trúc cũ của ngôi trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM bị đập bỏ, để lại không ít luyến tiếc cho giảng viên, cựu sinh viên trường này.

"Những hình ảnh cuối cùng…”. Ảnh: Facebook Đình Đông

“Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ ?” - dòng bồi hồi kèm những hình ảnh tư liệu lịch sử quý giá về Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM (5 Phan Đăng Lưu, Quận Bình Thạnh) xuất hiện trên mạng xã hội Facebook.

Phan Vũ Linh - một giảng viên của trường, cũng đăng một đoạn clip quay cảnh phá dỡ những mảnh tường cũ của trường lên mạng hồi tháng 9-2015 với chú thích: “Vừa đến trường trong mưa gió ầm ầm thì thấy cảnh này, phần nhà cũ cuối cùng của trường đang được dỡ bỏ”.

Đình Đông, một “Facebooker” khác kịp chụp lại những tấm hình mặt tiền của trường trong quá trình phá dỡ và đăng tải lên mạng trong tháng 10-2015 với chú thích “Những hình ảnh cuối cùng…”.

Kiến trúc cũ trăm tuổi Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM bị đập bỏ. Ảnh: Facebook Đình Đông

Một trang cộng đồng trên Facebook viết ngậm ngùi: “Ngôi trường trên dưới 100 tuổi, những bức tường và kiến trúc cũ đang bị đập bỏ. Nó cũng gắn liền những kỷ niệm buồn vui của bao thế hệ…”.

Trang này cũng kêu gọi mọi người “sưu tầm một số hình ảnh thân quen của tòa nhà này nếu có thể” nhằm gìn giữ lại những ký ức xưa gắn bó với công trình kiến trúc nay đã đập bỏ này.

Trên website Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, lịch sử ngôi trường được ghi rằng trường bắt đầu từ năm 1913 với tên gọi “trường dạy vẽ” (Ecole de Dessin), thường gọi là “trường vẽ Gia Định”, là tiền thân của trường Đại học Mỹ thuật Tp Hồ Chí Minh ngày nay.

Website viết:

“Năm 1917 trường vẽ Gia Định là trường Mỹ Thuật duy nhất được xếp vào loại “trường Trung học đệ nhất cấp” và được nhận là hội viên của “Hiệp hội Trung ương trang trí Mỹ thuật Paris”.

Năm 1940, trường vẽ Gia Định được đổi tên thành “Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định” (Ecole des Arts appliqués de Gia Định). Năm 1945 nhiều học sinh của “Trường vẽ Gia Định” xếp bút nghiên để đi kháng chiến như: Huỳnh Công Nhãn, Hoàng Trầm… Thời gian này, trường cũng tạm ngưng hoạt động.

Năm 1954, chính quyền Sài Gòn (cũ) cho thành lập trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn. Cái mốc lịch sử quan trọng về đào tạo mỹ thuật ở Sài Gòn thời kỳ này là chủ trương nâng cấp về đào tạo của 2 trường: Quốc gia Cao Đẳng Mỹ thuật Sài Gòn và Trung học Trang trí Mỹ thuật Gia Định (tiền thân là trường vẽ, trường Mỹ nghệ Gia Định).

Năm 1975, sau khi được giải phóng, hai trường nói trên được nhập làm một. Ngày 29-9-1981, trường được đổi tên thành “Trường Đại học Mỹ Thuật TP.HCM”.

Được biết ngôi trường cũ kiến trúc trăm tuổi đã không còn tồn tại từ trước năm 1975. Phần đập bỏ hiện nay là phần xây dựng sau này. Dù biết công trình đã cũ thì phải bỏ để xây cái mới an toàn, hiện đại và phục vụ hoạt động tốt hơn, nhưng lịch sử của ngôi trường là nơi đã và đang đào tạo biết bao thế hệ nghệ sĩ, họa sĩ tài danh ở miền Nam trong cả trăm năm vẫn khiến nhiều người lưu luyến.

*Xem một số bức ảnh tư liệu quý lưu trên mạng về "trường vẽ Gia Định xưa, Đại học Mỹ Thuật nay":

Thẻ học sinh Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định năm 1957 - tiền thân của ĐH Mỹ thuật TP.HCM
SV Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định làm xe diễu hành (trước 1975).
Kiến trúc của trường nhìn từ trên cao (góc trên bên trái).
Trường vẽ Gia Định - ảnh chụp đầu thập niên 1950.
SV vẽ thực hành phía trước lớp Đệ nhất A (trước năm 1975).
Ảnh chụp mặt tiền trường năm 1960.
SV (hoặc công nhân) trang trí vẽ tên trường lên mặt tiền
TR.N.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên