01/09/2015 08:08 GMT+7

Giai điệu mùa thu tìm khán giả

QUỲNH NGUYỄN - quynhnguyen@tuoitre.com.vn
QUỲNH NGUYỄN - quynhnguyen@tuoitre.com.vn

TT - Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu 2015 vừa khép lại vào tối 30-8 bằng buổi hòa nhạc đỉnh cao với những tác phẩm kinh điển của Bach, Beethoven và Brahms.

Khán giả trong đêm khai mạc Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu 2015 Ảnh: GIA TIẾN
Khán giả trong đêm khai mạc Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu 2015 - Ảnh: Gia Tiến

Có thể nói Giai điệu mùa thu 2015 (diễn ra từ ngày 25 đến 30-8 tại Nhà hát TP.HCM) là mùa liên hoan “nặng ký” nhất sau 10 năm ra mắt với thời gian dài nhất, nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước tham dự nhất và chất lượng cũng rất cao.

Tuy vậy, vẫn còn quá nhiều tiếc nuối cho một mùa liên hoan lẽ ra có thể vui vẻ, rộn ràng hơn.

1. Cái tiếc lớn nhất vẫn là lượng khách đến với liên hoan quá ít. Khán phòng Nhà hát TP (chỉ hơn 500 chỗ) trong phần lớn các buổi diễn đều chỉ được nửa số khách.

Có đêm, như đêm Baroque Concert của nhóm hòa tấu thính phòng tiền cổ điển Fantasmi gồm những nghệ sĩ, chuyên gia âm nhạc tiền cổ điển Đại học Bắc Texas, chỉ có khoảng 1/3 số ghế có người ngồi. Đêm khai mạc hay bế mạc lượng khán giả cũng chỉ chừng 3/4 khán phòng.

2. Thực tế đây là một mùa liên hoan khá thú vị, trong đó múa đương đại trở thành điểm nhấn với hai vở diễn ấn tượng: Vọng phu biển (biên đạo: Phúc Hải - Phúc Hùng) và Mái nhà (biên đạo: Bùi Ngọc Quân).

Vở Mái nhà với cách thể hiện phóng khoáng, khơi gợi được tối đa khả năng của diễn viên đã khiến không ít khán giả “nổi da gà” khi xem.

Với âm nhạc, ngoài việc tôn vinh các tài năng âm nhạc hàn lâm nhiều thế hệ trong và ngoài nước, liên hoan năm nay cũng đủ dài và đủ lực để giới thiệu tổng quát nhất về lịch sử âm nhạc cổ điển thế giới, từ thời kỳ Baroque đến thời kỳ lãng mạn, thời kỳ nhạc đương đại với jazz, pop và cả âm nhạc Việt Nam.

Một danh mục trình diễn rất đầy đủ kèm với các buổi hội thảo âm nhạc, biểu diễn ngoài trời khiến Giai điệu mùa thu lần 10 khó có thể tròn trịa hơn.

Dẫu vậy, khách vẫn cứ vắng và cũng không nhiệt tình nhiều như những mùa trước. Người làm nội dung đã làm rất tốt, nhưng phần còn lại: quảng bá, tiếp thị, bán vé... có lẽ cần một đội ngũ trợ giúp chuyên nghiệp hơn.

3. Trước khi Giai điệu mùa thu 2015 mở màn, nhạc trưởng Trần Vương Thạch - giám đốc Nhà hát Giao hưởng, nhạc, vũ kịch TP.HCM (HBSO), đơn vị tổ chức liên hoan - chia sẻ: “Khi chương trình Giai điệu mùa thu (giới thiệu đến công chúng những tài năng trẻ Việt Nam đã học tập và có những thành tựu trong và ngoài nước trong lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm) chính thức trở thành Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu (từ năm 2013, được tổ chức hai năm một lần) thì chúng tôi không chỉ mong đây là nơi để các nghệ sĩ trong các lĩnh vực giao hưởng, thính phòng, nhạc kịch, vũ kịch... tỏa sáng nữa mà còn là nơi dành cho nhiều loại hình khác như xiếc, múa rối, ảo thuật, nhạc nhẹ... cùng tham gia. Bất cứ loại hình trình diễn qua khổ luyện nào cũng cần được tôn vinh và khán giả cũng cần một điểm hẹn để ngóng trông và thưởng thức”.

Ông cũng mong mỏi có thể đưa liên hoan đi “chinh chiến” ra các tỉnh thành khác chứ không chỉ sáng đèn ở TP.HCM.

Thế nhưng với một mùa liên hoan nổi bật về chất lượng nhưng lại đìu hiu khán giả như vừa qua, có lẽ việc đầu tiên cần nhìn lại là làm sao tập trung được nguồn lực khán giả của nghệ thuật hàn lâm ở TP.HCM (vốn đầy tiềm năng) hơn là nghĩ đến việc mở rộng các loại hình trình diễn hay giới thiệu mô hình này ra các tỉnh thành khác - nơi thu hút khán giả còn khó hơn ở TP.HCM gấp nhiều lần.

QUỲNH NGUYỄN - quynhnguyen@tuoitre.com.vn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên