25/06/2015 11:52 GMT+7

Đào tạo diễn viên: từ trường đến... lò! Giấc mơ “con hát trẻ”

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TT - Giữa bộn bề bài toán về nguồn nghệ sĩ kế cận, có một dự án đang ít nhiều nhen được tia hi vọng sẽ có một thế hệ "con hát trẻ" giữ lửa truyền thống...

Những gương mặt trẻ miệt mài tập luyện những câu hát, vũ điệu tuồng - Ảnh: Đức Triết
Những gương mặt trẻ miệt mài tập luyện những câu hát, vũ điệu tuồng - Ảnh: Đức Triết

Năm 2014, ba nhà hát chèo, tuồng, cải lương đã thực hiện công tác tuyển sinh hệ trung cấp theo dự án từ Bộ VH-TT&DL - đào tạo trực tiếp, nghề lại truyền nghề.

Với nghệ thuật tuồng, bao năm qua bị hẫng hụt lớp kế cận vì không tuyển được học sinh, bây giờ trở lại với một khóa học trung cấp đông đảo có đủ cả đào, kép, nhạc công đã là vui lắm. Nhưng sau một năm, xem các em báo cáo, niềm vui ấy của chúng tôi đầy hơn khi các em đang gieo những niềm hi vọng mới cho chúng tôi - hi vọng về một thế hệ kế cận đầy đam mê và sẽ phát lộ tài năng...

Ông PHẠM NGỌC TUẤN (giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam)

Trong trẻo tình yêu tuồng

Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa tổ chức buổi báo cáo sau một năm học tập của hơn 30 học sinh với các nghệ sĩ lão làng. Cô bé Hiền Phúc năm nay mới lên lớp 11. Gương mặt thanh tú cùng ánh nhìn hồn nhiên, Phúc kể rằng quê em ở Quảng Bình. Chưa khi nào em xa nhà dài như thế - cứ phải hết bốn tháng mới được về.

Nhớ nhà, nhưng bận rộn ca hát, múa... nên không có thời gian để buồn! Mà lúc nào nhớ quá thì chạy ra với... mẹ (mẹ em chạy chợ trên phố Cầu Diễn). Một năm, vừa học văn hóa tại Trường trung cấp Xiếc và tạp kỹ vừa học tuồng, với Hiền Phúc là khá vất vả. Nhưng có 2/3 học sinh trong khóa đều là học sinh trung học như Phúc. Dẫu vậy, Phúc đã bắt đầu biết thế nào là múa tuồng và thuộc lời câu hát cổ.

Khác với Hiền Phúc, Nguyễn Đình Tiến đã tốt nghiệp THPT năm ngoái và nhà ở rất gần nhà hát (bên An Khánh, Hoài Đức), nên thời gian hằng ngày đều được Tiến dành trọn cho tuồng. Mùa hè, 5g sáng Tiến đã cùng bạn bè dậy tập thể dục và ôn hát; 8g sang trường học, chiều về lại xuống hội trường ôn hát, múa với các nghệ sĩ nhà hát.

Tối đến, ngoài những buổi tập trung ôn ở hội trường thì Tiến lại lóc cóc đến nhà NSƯT Xuân Quý, NSND Minh Gái nghe các nghệ sĩ nói chuyện về tuồng. Hoặc như mỗi khi nhà hát có chương trình biểu diễn, Tiến và bạn bè rất sung sướng được lên ôtô cùng các nghệ sĩ ra rạp Hồng Hà thưởng thức để rồi theo đó cứ ngấm dần với nghiệp tuồng.

“Nhưng rất mệt khi múa và khản cổ khi hát. Có lần em đã bật khóc vì cảm giác mình không thực hiện được một động tác múa hay một câu hát nào đó...” - Tiến nói.

Say sưa với chèo, cải lương

Nhà hát Chèo Việt Nam đã rất đỗi vui mừng khi vất vả chuẩn bị được khóa học hơn 20 học sinh hệ trung cấp với nhiều gương mặt tiềm năng cho nghệ thuật chèo, từ đào, kép cho đến cả nhạc công. Những học sinh ấy đều đến từ các tỉnh, thành phía Bắc ở độ tuổi 15-18.

Các em đã nhanh chóng hòa vào không gian chèo truyền thống không chỉ bằng những bài học cơ bản ở Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh mà còn bằng những buổi được xem các nghệ sĩ nhà hát tập vở, biểu diễn...

Ngay khi kết thúc năm học đầu tiên, dù đã chuẩn bị khăn gói về quê nghỉ hè nhưng ánh mắt, câu chuyện của các em học sinh vương đầy lưu luyến. Nhiều em khoe là đã hát được một số làn điệu cổ. Thế nên, nghỉ hè suốt hai tháng, các em sẽ siêng tập hát để khỏi... quên.

Còn với Nhà hát Cải lương Việt Nam, tuy số lượng học sinh tuyển vào còn ít ỏi so với chỉ tiêu - 15 người (chỉ tiêu là 25) và không tuyển được nhạc công, nhưng giờ đây 14 học sinh (một học sinh bỏ giữa chừng) đều bày tỏ rằng nếu cho lựa chọn lại vẫn sẽ chọn cải lương.

Sau một năm, các em đã được học ca, hát qua các bài bản của cải lương như Lý ngựa ô bản Bắc và bản Nam, Nam xuân, Nam ai, Kim điền bản... Đầy niềm vui, lớp phó Vũ Thị Nguyệt nói: “Hồi sơ tuyển, em khăn gói từ Gia Lâm sang Bắc Ninh để thi.

Một năm qua em vừa học cải lương vừa học văn hóa và đang đợi thi tốt nghiệp. Vất vả nhiều nhưng em vẫn cố gắng học tốt. Mùa hè năm nay chúng em chỉ nghỉ một tháng - đến tháng 7 là vào nhà hát để học trực tiếp từ các nghệ sĩ”.

Vất vả nuôi một giấc mơ

Lứa học sinh chèo, tuồng, cải lương này đều được các nhà hát gửi gắm học kiến thức cơ bản ở Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh Hà Nội và là những đơn vị trực tiếp quản lý chỗ ở, lo kinh phí học tập cũng như tạo điều kiện để các em được sống trong môi trường nghệ thuật qua những công tác dàn dựng vở diễn mới cũng như gặp gỡ, trò chuyện với các nghệ sĩ nổi tiếng.

Vậy nên, nhớ mùa hè năm trước, khi mới đặt chân lên Hà Nội, phần lớn khóa học sinh này mới chỉ là thinh thích hát hò, biết sơ về chèo, tuồng, cải lương và mơ một giấc mơ nghệ sĩ. Thế mà năm nay các em đã không chỉ bước đầu hiểu thế nào về hát, múa của những nghệ thuật này mà còn say sưa thể hiện niềm quyết chí học để thành... nghệ sĩ thực thụ.

Mừng vui là vậy nhưng không phải gần trăm học sinh của khóa đào tạo ấy đã tự dưng lên Hà Nội đăng ký thi vào kịch hát dân tộc. Mọi chuyện vất vả hơn nhiều để gìn giữ cho được vốn quý của cha ông.

Các nhà hát đều phải tìm về các vùng quê, vào tận nhà các em, trò chuyện, thuyết phục bố mẹ các em, thậm chí còn phải gợi mở về những quyền lợi nếu các em trúng tuyển, rằng Nhà nước sẽ đảm bảo về sinh hoạt, học phí, việc làm thế nào...

“Và mọi chuyện không phải dễ dàng. Nhà hát Cải lương Việt Nam năm ngoái tuyển chưa đủ chỉ tiêu nên năm nay tiếp tục tuyển bổ sung. Thế nhưng, do chưa ổn định về tổ chức và công tác chuẩn bị chậm trễ nên kế hoạch tiếp tục không thực hiện được.

Cứ dùng dằng thế này không biết bao giờ nhà hát mới có được nhạc công thay thế lớp trước đang ngày càng thưa vắng!” - NSƯT Hoàng Văn Đạt, phó giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, lo lắng.

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên