10/05/2015 08:38 GMT+7

​Bảo tàng thơ trên đền đài cung điện

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TT - Ngày 9-5, các chuyên gia về văn hóa lịch sử và nhà quản lý đã cùng ngồi lại bàn về giá trị thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.

Các nhà chuyên môn khảo sát thực địa tại điện Sùng Ân, lăng Minh Mạng - Ảnh: Thái Lộc

Hệ thống này đang được Huế xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới.

TS Phan Thanh Hải, giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết dù bị chiến tranh, thiên nhiên lẫn con người tàn phá một phần lớn, hệ thống kiến trúc cung đình Huế vẫn còn 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp, cẩn xà cừ trên gỗ; 146 ô thơ văn viết tráng men pháp lam; 78 ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ. Tất cả đều là hiện vật gốc, tồn tại gần như suốt chiều dài lịch sử triều Nguyễn đến nay. 

Một bảo tàng thơ độc đáo

Tại cuộc hội thảo, hầu hết nhà chuyên môn đều nhận định về rất nhiều giá trị vô cùng độc đáo của thơ văn trên các di tích Huế. GS.TS Lưu Trần Tiêu, chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho biết đi nhiều nơi nhưng chưa thấy hình thức lưu trữ tư liệu tương tự như ở Huế.

Ông nói: “Hình thức trang trí nhất thi nhất họa, nhất tự nhất họa (một ô thơ hoặc đại tự đi liền với một bức họa) trên hàng trăm công trình kiến trúc thuộc nhiều loại hình khác nhau trở thành một phong cách riêng có trong trang trí kiến trúc cung đình Huế”.

TS Nguyễn Tuấn Cường, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nêu bảy đặc trưng của hệ thống thơ văn này và phân tích kỹ lưỡng. Ðó là: tính nguyên bản, tính độc bản, tính độc đáo ở chất liệu và loại hình văn tự, tính bác nhã trong lựa chọn văn tự, tính tư liệu, tính nghệ thuật và tính đa dạng về thể loại văn học. Ông đồng thời cũng nêu nguy cơ mai một, hư hại mà di sản đang đối diện...

TS Phan Thanh Hải cho biết từng đi rất nhiều nơi, đặc biệt ở Trung Quốc, cũng chưa từng bắt gặp hình thức thơ văn trên công trình tương tự. Ông cho biết có nghe nói về các kiến trúc ở Nam Kinh có trang trí theo lối tương tự, nhưng tất cả đều không còn nên không biết có xác thực hay không. Ông nói: “Có thể khẳng định thơ văn trên kiến trúc cung đình độc đáo chỉ duy nhất có ở Huế!”.

Trước đó, trong cuộc khảo sát thực địa tại lăng vua Minh Mạng chiều 8-5, nhiều nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa đã ngẩn ngơ trước mảng trang trí bằng pháp lam theo lối nhất thi nhất họa tại hai đầu hồi và khắc gỗ trong nội điện Sùng Ân.

Thú vị hơn khi được giới thiệu đây là những vần thơ do vua Thiệu Trị tuyển chọn từ thơ của cha mình là vua Minh Mạng sáng tác để khắc gắn lên công trình. Ðây đều là những áng thơ hay, tả phong cảnh hữu tình hoặc cỏ cây hoa lá, được giao cho các nhà thư pháp đệ nhất cung đình viết ra và những người thợ trứ danh thực hiện...

Tại điện Thái Hòa trong hoàng cung, sự trầm trồ cũng không ngớt khi người hướng dẫn giới thiệu về những áng hùng văn, như là “tuyên ngôn độc lập” cho nền tự chủ nước nhà được khắc trên nội và ngoại thất kiến trúc.

Tại điện Long An là lối trang trí và sự độc đáo của bài thơ Vũ trung sơn thủy của vua Thiệu Trị được khảm xà cừ trên đố bản, chỉ với 56 chữ nhưng có ít nhất 128 cách đọc khác nhau và đều có ý nghĩa...

“Ðây chính là một bảo tàng thơ!”- một nhà nghiên cứu nhận xét về di tich Huế. Trong khi đó, TS Ðặng Văn Bài, thành viên Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO, lý giải văn thơ trên di tích bao hàm nhiều chức năng, vừa liên kết trong kết cấu kiến trúc vừa có chức năng trang trí, chuyển tải thông điệp văn hóa... 

Làm gì để được tôn vinh?

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết đang lập hồ sơ thơ văn trên kiến trúc cung đình đề nghị công nhận di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo kế hoạch, hồ sơ phải hoàn thành cuối tháng 10, đến khoảng tháng 4-2016 bảo vệ trước hội đồng quốc tế. Ông Phan Thanh Hải tỏ ra rất tự tin về giá trị cũng như tính độc đáo, vượt trội của di sản thơ văn. Tuy nhiên, ông lo ngại ở khả năng của người thuyết trình làm sao cho hội đồng hiểu được những điều độc đáo, duy nhất ấy.

Khi mà hội đồng có đến 3/4 số thành viên người phương Tây, nhìn qua thơ văn toàn chữ Hán dễ hiểu nhầm là của Trung Quốc mà không hiểu đây là ngôn ngữ chính thống thời ấy của VN.

TS Vũ Thị Minh Hương - chủ tịch Ủy ban quốc gia Chương trình ký ức thế giới VN, phó chủ tịch Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương - được giới thiệu là người có nhiều kinh nghiệm trong việc đưa bốn di sản của VN trở thành di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới.

Ðó là: mộc bản triều Nguyễn (công nhận năm 2009), bia Văn Miếu (năm 2010), mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm (năm 2012) và châu bản triều Nguyễn (năm 2014). Theo bà, ngoài việc chuẩn bị hồ sơ thật tốt và có những mối quan hệ trong hội đồng xét duyệt, điều quan trọng là người trực tiếp bảo vệ phải thông thạo tiếng Anh, thuyết trình thuyết phục.

TS Hương cho biết phần trình bày mỗi hồ sơ chỉ có năm phút, trừ phần chào hỏi mào đầu và phần cảm ơn cuối cùng chỉ còn ba phút rưỡi. “Huế phải tập trung vào những tiêu chí như: tính độc đáo, duy nhất, ý nghĩa thế giới hoặc khu vực, sự quý hiếm đến mức nếu mất đi sẽ không có gì thay thế được, tính toàn vẹn,  kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị mới mong thuyết phục được!”.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên