01/03/2015 17:25 GMT+7

​Phim đoạt giải Oscar gây chia rẽ khán giả Ba Lan

CÔNG KHANH (Theo Le Figaro)
CÔNG KHANH (Theo Le Figaro)

TTO - Dù nhận giải Oscar 2015 cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, nhưng phim Ida của đạo diễn Ba Lan Paweł Pawlikowski đang gây ra nhiều dư luận trái ngược trong nước.

Xơ Anna (cảnh trong phim) và đạo diễn Paweł Pawlikowski với tượng vàng Oscar - Ảnh: Le Figaro

Dài 80 phút, Ida là phim trắng đen có tỉ lệ khung hình 4:3 nhằm tạo cảm giác được quay vào thập niên 1960.

Bộ phim lấy bối cảnh Ba Lan năm 1962. Ida Lebenstein là một cô bé mồ côi ngoan đạo được tu viện nuôi dưỡng từ nhỏ và trở thành xơ Anna (Agata Trzebuchowska thủ vai).

Vài ngày trước lễ tuyên khấn, xơ Anna được mẹ bề trên cho phép rời tu viện - nơi xơ sống im lặng và khổ hạnh từ khi được tiếp nhận. Xơ Anna tình cờ phát hiện mình là người Do Thái và cha mẹ bị một nông dân Ba Lan giết trong thời kỳ Đức quốc xã chiếm đóng (1939-1945).

Bộ phim thể hiện diễn biến nội tâm của xơ Anna trước khi tuyên khấn, sự nhỏ bé của con người và sự bao la của cuộc sống.

Một số khán giả, trong đó có nữ Bộ trưởng Văn hóa Malgorzata Umilanowska, cho rằng Ida là “thành công lớn nhất của điện ảnh Ba Lan”, là dấu hiệu hồi sinh của nền điện ảnh từng nổi tiếng một thời.

Một số khán giả lại phê phán Ida đã không đề cập đầy đủ bối cảnh Đức quốc xã chiếm đóng và chủ nghĩa anh hùng dân tộc.

Theo chuyên gia về quan hệ công chúng Michal Szuldrzynski, do không nói rõ những quy định bài Do Thái hà khắc trong thời kỳ Đức quốc xã chiếm đóng, bộ phim có thể khiến khán giả nghĩ rằng người Ba Lan tàn sát người Do Thái.

Jaroslaw Kaczynski - lãnh đạo đảng quốc gia đối lập về luật và tư pháp - cho biết ông “vui mừng về thành công của phim Ida với tư cách là người Ba Lan”, nhưng ông sẽ “hạnh phúc hơn” nếu giải Oscar được trao cho một bộ phim về những người Ba Lan đã anh dũng cứu người Do Thái trong đại chiến thế giới thứ hai.

Đạo diễn Paweł Pawlikowski không đưa ra bình luận trực tiếp ngoài việc cho biết Ida không phải là phim lịch sử. Trở về Ba Lan ngày 26-2 với tượng vàng Oscar trong tay, ông chỉ nói: “Ở Hoa Kỳ, mọi người ngạc nhiên khi biết được phim Ida bị phê bình đến thế tại Ba Lan”.

Phim Ida bắt đầu được công chiếu tại Ba Lan ngày 11-9-2013 nhưng chỉ gây xôn xao dư luận từ khi nhận giải Oscar 2015. Điều thú vị là ba trong bốn phim còn lại được đề cử chung hạng mục Oscar với Ida cũng gây tranh cãi tại tổ quốc.

Phim Leviathan của đạo diễn Andreï Zviaguintsev bị Hãng thông tấn Nga Itar-Tass phê phán “sử dụng những định kiến bi quan về Nga để quyến rũ phương Tây”.

Phim Timbuktu của đạo diễn Abderrahmane Sissako đang bị báo chí Mauritania lên án là gây hấn, bạo lực và hung hãn nhờ dựa vào quan hệ thân thiết với Tổng thống Mohamed Ould Abdel Aziz thay vì tập trung vào chủ đề ban đầu là chế độ nô lệ.

Phim Wild Tales của Damián Szifrón cũng gây tranh luận theo chiều hướng khác khi gây cười ở LHP Cannes 2014 nhưng được báo chí Argentina phát hiện “ẩn chứa sự châm biếm xã hội và chính phủ”.

Điều này khiến các chuyên gia tự hỏi phải chăng gây nhiều tranh luận là một trong những tiêu chí để được đề cử giải Oscar?

CÔNG KHANH (Theo Le Figaro)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên