19/02/2015 16:06 GMT+7

Tứ quý Bài hát Việt

QUỲNH NGUYỄN
QUỲNH NGUYỄN

TTXuân - Đã có khoảng 100 gương mặt tác giả trẻ nổi lên từ sân chơi sáng tác Bài hát Việt (BHV).

Riêng năm nay, năm thứ 10, Phan Mạnh Quỳnh, Lê Đức Hùng, Huyền Sambi (Đào Thanh Huyền) và Phạm Toàn Thắng là bốn cái tên đáng nhớ...

Phan Mạnh Quỳnh 
mơ làm nghệ sĩ biểu diễn

Xuất hiện tại BHV vào tháng 10-2013 với ca khúc Ai cũng có ngày xưa, Phan Mạnh Quỳnh lập tức nhận được sự quan tâm của hội đồng nghệ thuật (HĐNT) với phong cách pop nhẹ nhàng pha chút màu nhạc quê hương.

Tuy không thắng giải nhưng Ai cũng có ngày xưa với những hoài niệm về tuổi thơ trong trẻo đã được nhiều ca sĩ trẻ chọn hát, tạo động lực mạnh mẽ để Quỳnh viết tiếp Bước qua thế giới (BHV tháng 5-2014).

Ở ca khúc này, thật khó tin khi mới 24 tuổi mà Quỳnh đã có những trải nghiệm, cảm nhận thật sâu sắc về sự bắt đầu và kết thúc của một đời người.

“Tôi vốn là người đệm nhạc trong nhà thờ. Mỗi lần từ Sài Gòn về quê, tôi đều tham gia các hoạt động ở quê. Trong mùa Tết lạnh hơn bình thường, có nhiều người trong làng qua đời, tôi lại là người đệm đàn cho ca đoàn nhà thờ ở các lễ an táng. Và trong một lần như vậy, giai điệu cùng những ca từ đầu tiên của Bước qua thế giới đã hình thành” - tác giả trẻ gốc miền Trung chia sẻ.

Với một trải nghiệm rất đặc biệt về sự sống và cái chết, với chất nhạc man mác buồn nhưng cũng thật thanh thản, Bước qua thế giới lập tức nhận được giải Bài hát ấn tượng của tháng.

Và ca khúc thứ ba, Trong ánh mặt trời (BHV tháng 9-2014) cũng nhận được giải Bài hát phối khí hiệu quả. Nhận xét về tác giả trẻ Phan Mạnh Quỳnh, nhà báo Minh Đức (thành viên HĐNT) nói: “Các ca khúc của Quỳnh nghe lạ lẫm, mang nhiều dấu ấn dân ca Nam bộ và rất gần với những ca khúc đại chúng thịnh hành ở phía Nam”.  

Với BHV, Quỳnh đã bắt đầu sống trọn cùng niềm đam mê âm nhạc nung nấu từ năm 15 tuổi. “Bên cạnh việc sáng tác, hòa âm, trở thành nghệ sĩ biểu diễn là mục tiêu của tôi trong năm nay” - Quỳnh chia sẻ từ phòng thu cá nhân PMQ studio đầy mộng ước của mình. 

Lê Đức Hùng 
“bác làm vườn” của khu vườn âm nhạc

Xuất thân là sinh viên khoa ngoại ngữ Trường đại học HUFLIT, Lê Đức Hùng nổi lên từ phong trào ca hát sinh viên với biệt danh Lee Mew trong ban nhạc Đậu Bắp gồm sáu thành viên, trong đó có hai thí sinh của Giọng hát Việt mùa đầu tiên là Trúc Nhân (đội Thu Minh) và Thảo Nguyên (đội Trần Lập).

Yêu thích và chịu sự ảnh hưởng về gu âm nhạc của các ca sĩ Lana Del Rey, Jessie J và Amy Winehouse nên phong cách sáng tác và trình diễn của Hùng đậm chất âm nhạc nước Anh. Sau khi rời Giọng hát Việt ở vòng đối đầu (mùa thứ hai), Lê Đức Hùng quyết định lấy nghệ danh Mew Amazing và bắt đầu con đường ca hát bằng những sáng tác do mình tự viết và phối khí.

Tác phẩm chào sân của Hùng, Bác làm vườn và con chim sâu, tạo ấn tượng mạnh khi thắng luôn ba giải quan trọng của BHV: Ca khúc của tháng, Ca sĩ thể hiện thành công nhất dành cho Trúc Nhân và Hòa âm hiệu quả nhất cho Thanh Tâm. 

“Kích thích sự sáng tạo cho người hát và người phối khí là một trong những đặc tính đáng quý trong các sáng tác của Đức Hùng” – nhạc sĩ Ngọc Châu nhận định. Những ca khúc sau này, Bloomom, Ừ thì, Còn một giấc mơ… Đức Hùng đều tự tin thể hiện.

Chính sự bất ngờ, khó đoán của câu chuyện được truyền tải trong ca khúc cùng lối hát thông minh, láu lỉnh khiến những ca khúc của Đức Hùng thú vị đến lạ thường. Và dù chỉ mới trình làng vài ca khúc, Lê Đức Hùng đã trở thành một cái tên sáng giá, được các ca sĩ chọn mặt đặt hàng, mà Gặp tôi mùa rất đông – ca khúc chủ đề trong album của Nguyễn Đình Thanh Tâm là một ví dụ.

Phớt lờ với vận may đang đến gần, không quan tâm lắm đến việc viết theo đơn đặt hàng hay các hợp đồng thương mại, Hùng dường như chỉ chú tâm nuôi nấng từng cảm xúc âm nhạc của mình. 

 Ra đời vào năm 2005, BHV vừa bước sang tuổi lên 10 với không ít thăng trầm, buồn vui. Có những năm BHV như bị “nuốt chửng” giữa một rừng chương trình truyền hình thực tế đầy hấp lực. Nhưng chính sự kiên định với con đường đã chọn: tạo một sân chơi “sạch sẽ” cho những tác giả trẻ; làm cầu nối cho những sáng tác hay, lạ đến với những giọng ca đẹp; góp phần tạo nên một không gian âm nhạc thuần Việt nhưng cũng không kém phần hiện đại đã giúp BHV trụ vững và là một trong những chương trình đáng nhớ của Đài truyền hình Việt Nam suốt thập kỷ qua

Huyền Sambi 
viết về những gì đã trải qua 

Huyền Sambi chính là gương mặt tác giả nữ để lại dấu ấn mạnh nhất BHV 2014. Lần đầu có mặt tại BHV vào năm 2012 với ca khúc Trôi (Nguyễn Trần Trung Quân thể hiện), Huyền Sambi thắng luôn hai giải: Bài hát của tháng (HĐNT bình chọn) và Bài hát ấn tượng (khán giả bình chọn).

Ngay lúc cô gái nhỏ còn đầy bối rối trên bục nhận giải thì bên ngoài sân khấu khán thính giả cũng đang tự hỏi Huyền Sambi là ai. 

Đến với BHV, cô sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam chỉ mong thử sức mình, cọ xát thực tế để cô có nhiều trải nghiệm cho bản thân, nào ngờ giành luôn một lần hai giải thưởng lớn. “Tôi cảm thấy như tim nhảy ra khỏi lồng ngực, chưa bao giờ tôi có cảm xúc như thế này, tôi chỉ biết òa khóc chứ không biết làm gì nữa…” - Huyền nhớ lại “thời khắc lịch sử” đó.

Huyền Sambi từng thi Sao Mai Điểm hẹn 2012 nhưng dừng ngay… vòng thử giọng. Tuy vậy, MV Nơi ta bắt đầu mà Huyền Sambi hát cùng Nguyễn Trần Trung Quân sau Sao Mai - Điểm hẹn lại được giới trẻ yêu thích và đề cử vào Bài hát yêu thích. Cả hai tiếp tục kết hợp trong Hồ nước (Huyền sáng tác, Quân hát), thắng luôn giải Bài hát ấn tượng của BHV 2013.

Năm 2014, vẫn là sáng tác của Huyền Sambi qua phần thể hiện của Trung Quân, ca khúc Nghiêng đã thắng giải Bài hát ấn tượng tại BHV tháng 8 và Ngày khát thắng giải Bài hát của tháng tại BHV tháng 9.

Với những thành công đó, Huyền Sambi và Nguyễn Trần Trung Quân được xem là cặp đôi mới và là “hiện tượng” của năm.

“Những bài hát của Huyền đều là những mẩu chuyện của chính bản thân cô ấy. Huyền không viết những gì Huyền chưa trải qua”. Đó là “kết luận” của Trung Quân về cô bạn thân Huyền Sambi. 

Phạm Toàn Thắng
“tân nhạc sĩ” đa tài

Một trong những trăn trở của những người tạo dựng nên BHV thời kỳ đầu là phải tìm ra những nhân tố trẻ đủ sức ảnh hưởng trong thị trường âm nhạc chứ không chỉ để trưng trong “tủ kính”. Và Phạm Toàn Thắng chính là một trong những nhân tố đó. Uống trà, Hồ Xuân Hương (viết theo kiểu pop ngẫu hứng có pha dân gian), Lạc (pop ballad), Vẽ (theo kiểu nhạc kịch)… là những sáng tác rất tiêu biểu của Phạm Toàn Thắng. Với ca khúc Vẽ, Phạm Toàn Thắng đã được công nhận là nhạc sĩ chứ không còn là một tác giả thông thường, khi được HĐNT BHV trao giải Nhạc sĩ triển vọng 2013. Không phụ lòng những ai đã tin tưởng mình, năm 2014 Phạm Toàn Thắng trình làng một ca khúc độc đáo: Bốn chữ lắm (country pop). Với giải BHV tháng 6-2014, ca khúc Bốn chữ lắm (Trúc Nhân và Thảo Nhi thể hiện), Phạm Toàn Thắng đã nâng giải thưởng của mình ở sân chơi sáng tác này lên chín giải, tính từ năm 2010 đến nay. 

Nhạc sĩ Đức Trí từng thắc mắc: “Vì sao một anh chàng nói giọng Nam rặt lại có thể vận dụng được chất dân ca Bắc bộ trong sáng tác một cách nhuần nhuyễn đến vậy?”. Thắng cười, khai quê cha ở Quảng Ninh nhưng lại sinh ra và lớn lên ở TP.HCM. “Tôi đến với âm nhạc qua tiếng hát của NSND Thu Hiền. Ba tôi suốt ngày bật những cuốn băng bà hát. Cộng với những câu hát cải lương tôi nghe được từ rạp hát gần nhà đã cho ra một Phạm Toàn Thắng hôm nay” - chàng nhạc sĩ 27 tuổi tự kết luận về “chất ngũ cung” có sẵn trong máu mình. “Tôi cảm thấy âm nhạc hiện đại Việt Nam khá may mắn khi có một nhạc sĩ trẻ tài năng như anh Thắng. Dù viết theo thể loại gì, đề tài nào, người nghe cũng có thể nhận ra chất nhạc hiện đại, thấm nhuần chất dân tộc của Phạm Toàn Thắng” - ca sĩ Trúc Nhân, người thể hiện rất thành công ca khúc Vẽ Bốn chữ lắm, nhận xét về chàng nhạc sĩ trẻ, đang “hot” tên Phạm Toàn Thắng. 

QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên